Ngày 8/4 tới, bà Condoleezza Rice, cố vấn an ninh quốc gia sẽ phải ra điều trần công khai trước Uỷ ban độc lập điều tra vụ 11/9. Liệu bà có đáp ứng được kỳ vọng của chính quyền Bush?
Sẽ là sáo rỗng và rập khuôn khi nói rằng Condoleezza Rice là người phụ nữ nổi bật, luôn gây sự chú ý vì đã lớn lên trong một gia đình nền nếp với cha mẹ là những người có hoài bão muốn cô con gái trở thành một thiên tài. Nhưng lại không hề rập khuôn khi nói rằng vào ngày 8/4 tới, khi ra điều trần công khai trước Ủy ban quốc gia điều tra các vụ tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ (Uỷ ban điều tra 11/9), bà Rice phải chứng tỏ bản lĩnh của người phụ nữ gánh vác trên vai mình sự tín nhiệm của cả đội ngũ chính quyền Bush.
Tuần trước, bà Rice, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Bush đã trở thành tâm điểm của giới truyền thông. Khuôn mặt "cau có" của bà xuất hiện trên trang nhất của hầu hết các tờ báo và ngay tại trang bìa của tờ Time."Sự nổi danh" ấy có được không chỉ vì ông chủ Nhà Trắng George W. Bush từ chối để bà ra điều trần công khai, mà còn vì nội dung những tuyên bố của các quan chức cao cấp khác trong chính quyền: Bà Rice là người canh giữ cánh cổng nối giữa Tổng thống và chính sách chống khủng bố của chính quyền.
Cố vấn Rice, người bước chân vào Nhà Trắng với tư cách một chuyên gia về Nga sẽ phải tìm lý do để chứng minh rằng hơn ai hết, bà biết rõ về nguy cơ khủng bố, và rằng bà không hề "coi nhẹ" những lời cảnh báo trước khi thảm họa kinh hoàng 11/9 xảy ra như cựu Cố vấn phụ trách chống khủng bố trên mạng Richard Clarke cáo buộc.
Với khả năng diễn thuyết hoàn hảo không hề tạo cho người nghe một chút hoài nghi, người đàn bà cứng rắn từng làm phụ trách hành chính tại Đại học Stanford này hiện vẫn là niềm hy vọng lớn của cả chính quyền Bush.
Cách đây không lâu, ông Bush còn quả quyết bà Rice sẽ không ra điều trần. Ông nhấn mạnh các cố vấn chính quyền như bà Rice có đặc quyền không phải tiết lộ những cuộc hội thoại với tổng thống cho công chúng. Nhưng ông đã thay đổi. Nguyên nhân một phần là do Uỷ ban điều trần và các lãnh đạo trong Quốc hội Mỹ đã đảm bảo rằng việc bà Rice xuất hiện công khai sẽ không tạo ra một tiền lệ cho các cuộc điều tra trong tương lai. Bên cạnh đó, các cố vấn trong đội ngũ phụ tá tranh cử của ông Bush cho rằng bà Rice là người có thể đẩy lùi những lời cáo buộc đang nhằm vào họ. Còn khi phát biểu trước công chúng, Tổng thống Bush cho biết ông thay đổi quyết định của mình vì những vụ tấn công hôm 11/9/2001 là "trường hợp độc nhất vô nhị" và Nhà Trắng đã hợp tác tích cực với uỷ ban điều trần, thể hiện qua việc hơn 800 quan chức, nhân viên làm việc trong chính quyền đã trả lời phỏng vấn, trao nhiều tài liệu cho uỷ ban.
Theo Chủ tịch Uỷ ban, cựu Thống đốc bang New Jersey Thomas H. Kean, lý do chính khiến ủy ban muốn bà Rice ra điều trần công khai là nhằm làm rõ sự "khác biệt" giữa tuyên bố của ông Clarke và những phát biểu mà bà Rice đưa ra trong cuộc gặp riêng với uỷ ban hồi tháng 2 cũng như phát biểu của bà với các phóng viên thời gian gần đây. "Chúng tôi phải cố gắng làm sáng tỏ sự mâu thuẫn một cách nhanh nhất. Một số câu hỏi có thể đóng vai trò quan trọng đối với quá trình tìm kiếm sự thật". Song, ông Kean cũng cho rằng có những điểm mâu thuẫn xuất phát từ sự khác biệt trong quan điểm của hai người, và điều đó không có nghĩa bà Rice hay ông Clarke đã nói dối.
Yêu cầu chính quyền Bush nới lỏng "đặc quyền" dành cho các cố vấn Nhà Trắng tăng cao sau khi cựu Cố vấn Richard Clarke tuyên bố chính quyền Bush đã không quan tâm "đúng mức" tới mối đe doạ khủng bố trước khi những vụ tấn công 11/9 xảy ra tại phiên điều trần công khai trước uỷ ban hồi tuần trước. Ông Clarke đặc biệt nhấn mạnh vai trò của bà Rice trong vụ này. Những cáo buộc của ông Clarke được "trình bày" chi tiết và cụ thể trong một cuốn sách mới xuất bản mang tựa đề "Chống lại mọi kẻ thù: Cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ".
Và giờ đây, khi ông chủ Nhà Trắng phải "nhượng bộ" trước những "lý do quá hợp lý" như vậy, thì bà Rice sẽ phải dành 2 tiếng rưỡi để xuất hiện tại phiên điều trần công khai hôm 8/4 tới đây. "Sự xuất hiện của bà sẽ giúp người Mỹ hiểu được chính quyền đã thay đổi chính sách như thế nào để đối phó với vấn đề khủng bố, kể cả trước vụ 11/9".
Tuy nhiên, uỷ ban điều tra sẽ không để bà Rice "dễ dàng độc diễn" trên sân khấu, và người ta hy vọng sẽ được chứng kiến một cuộc đối chất đầy kịch tích. Một số thành viên trong uỷ ban tỏ ra bực tức khi bà Rice trả lời phỏng vấn giới truyền thông mà không phải là với họ.
Phiên điều trần Cố vấn an ninh Quốc gia Condoleezza Rice sẽ diễn ra từ lúc 9giờ - 11h 30' sáng ngày 8/4 (giờ địa phương) tại Phòng 216 - Toà nhà Văn phòng Thượng viện Hart. Công chúng và giới truyền thông báo chí sẽ được tự do tham dự. |
Cụ thể, Uỷ ban sẽ yêu cầu bà Rice giải đáp hai vấn đề chính: thứ nhất, tại sao những nỗ lực chống khủng bố của chính quyền Bush lại không thể ngăn chặn được những cuộc tấn công hôm 11/9/2001; thứ hai, chính quyền có kế hoạch khắc phục vấn đề như thế nào. Phát biểu với hãng truyền hình CBS mới đây, Thượng nghị sĩ Bob Kerry - một thành viên trong uỷ ban điều trần nói: "19 tên không tặc với 350.000 USD đã đánh bại cả một cơ chế phòng thủ mà chúng ta dựng lên vào ngày 11/9/2001. Trong buổi điều trần công khai ngày 8/4 tới, Cố vấn an ninh quốc gia sẽ phải trả lời về vấn đề này".
Phó chủ tịch Uỷ ban, cựu nghị sĩ đảng Dân chủ Lee Hamilton cho biết hiện các thành viên trong uỷ ban đang xem xét những phát biểu mà bà Rice đưa ra trước đây cũng như những lời xác minh của ông Clarke hồi tuần trước để tìm kiếm sự mâu thuẫn. Một thành viên khác trong uỷ ban, nghị sĩ Tim Roemer, bang Indiana tiết lộ, Uỷ ban muốn hỏi bà Rice về những điểm khác biệt giữa kế hoạch đối phó với Al-Qaeda mà chính quyền Bush thông qua chỉ 1 tuần trước khi các vụ tấn công 11/9 xảy ra và một đề xuất mà ông Clarke nêu trong bức thư báo trước đó 7 tháng. Ông Clarke cho rằng hai kế hoạch này về thực tế giống hệt nhau, đồng thời muốn tập trung sự chú ý của công chúng vào những tuyên bố mà bà Rice cùng các quan chức khác trong chính quyền Bush từng đưa ra trong đó nhấn mạnh họ đã có một thái độ rất cứng rắn đối phó với Al-Qaeda so với chính quyền Clinton.
Theo kế hoạch, Uỷ ban điều tra độc lập sẽ phải đưa ra báo cáo về kết quả công việc vào ngày 26/7 tới. Hạn chót đệ trình báo cáo là ngày 27/5 nhưng đã được nới rộng sau khi các thành viên trong uỷ ban "phàn nàn" rằng họ không nhận được sự hợp tác nhiệt tình của Nhà Trắng.
Liệu trong phiên điều trần sắp diễn ra bà Rice sẽ giúp các thành viên trong uỷ ban có được một cái nhìn "cận cảnh" đối với chiến lược của Tổng thống hay không? Trên thực tế, quan điểm của bà cũng là quan điểm của Tổng thống Bush bởi lẽ hai người có một mối quan hệ thân thiết hơn bất cứ vị tổng thống nào đối với cố vấn an ninh của họ.
Bà Rice biết Tổng thống từ khi ông là Thống đốc bang Texas với tư cách là "thầy phụ đạo" về chính sách đối ngoại cho ông Bush trong chiến dịch tranh cử năm 2000. Từ đó, bà thường xuyên nghỉ cuối tuần với gia đình Tổng thống tại Trại David cũng như tại trang trại bang Texas. Bà vẫn tuyên bố quan điểm của Tổng thống đã ảnh hưởng lớn tới chủ nghĩa hiện thực lý thuyết của bà và bản thân ông Bush cũng gây nhiều ảnh hưởng đối với bà giống như bà gây ảnh hưởng tới Tổng thống. Điều này có nghĩa bà Rice và ông Bush có cùng chung quan điểm trong cuộc chiến lật đổ Saddam Hussein.
Những người chỉ trích bà Rice cho rằng bà đã giành quá nhiều thời gian để đảm nhiệm vai trò làm bạn và cố vấn của Tổng thống tới mức bà không nhận thấy điểm mấu chốt trong công việc của mình, đó là điều khiển chính sách ngoại giao của chính quyền. Đây chính là "kẽ hở" để các thành viên trong uỷ ban điều trần "tấn công" bà. Họ sẽ đặt câu hỏi về cách bà quản lý chính sách và mức độ quan tâm của bà đối với những cảnh báo của ông Clarke về khả năng xảy ra một cuộc tấn công khủng bố.
Từ lâu, bà Rice đã tuyên bố bà có ý định từ bỏ công việc hiện tại vào cuối năm nay và tìm kiếm một cuộc sống bình thường ở California. Đối với bà, một nhiệm kì 4 năm trên chính trường nước Mỹ là quá đủ. Tuy nhiên, rất có khả năng ông Bush sẽ tiếp tục yêu cầu bà đảm nhiệm thêm một nhiệm kì nữa nếu ông tái cử. Bạn bè của bà Rice cho biết bà khó có thể từ chối Tổng thống và bà sẽ tiếp tục đảm nhiệm vai trò trọng yếu thêm 4 năm nữa, giống như điều cha mẹ bà vẫn kỳ vọng.
Sơ lược tiểu sử Cố vấn an ninh Quốc gia Condoleezza Rice |
Condoleezza Rice sinh ngày 14/11/1954 tại Birmingham, Alabama. Bà tốt nghiệp cử nhân khoa chính trị tại Đại học Denver năm 1974. Một năm sau, bà tốt nghiệp Thạc sỹ tại Đại học Notre Dame và hoàn thành luận án Tiến sĩ tại Viện nghiên cứu Quốc tế Đại học Denver năm 1981. Năm 1986, khi còn đang nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Hội đồng Đối ngoại, bà làm Trợ lý đặc biệt cho Chủ tịch Hội đồng Tham mưu. Từ năm 1989 đến tháng 3/1991, trong thời kì thống nhất nước Đức và Liên Bang Xô viết đi vào giai đoạn tan rã, bà phụ trách quan hệ với Liên Xô và Đông Âu trong Hội đồng An ninh quốc gia, đồng thời làm Trợ lý đặc biệt phụ trách an ninh quốc gia của Tổng thống George Bush (cha). Là một chuyên gia nghiên cứu khoa học chính trị, Tiến sĩ Rice cũng nằm trong danh sách giảng viên của Đại học Stanfort từ năm 1981 và đã giành 2 giải thưởng cao nhất giành cho giáo viên: Giải Walter J. Gores năm 1984 cho giáo viên xuất sắc và giải thưởng của Học viện Nhân văn và Khoa học Dean. Năm 1993, bà bắt đầu đảm nhiệm vị trí quản lý hành chính tại Đại học Stanford. Tháng 6/1999, bà từ bỏ vị trí quản lý hành chính tại Đại học Stanfort. Ngày 22/1/2001, Tiến sĩ trở thành Phụ tá cho Tổng thống Bush phụ trách vấn đề an ninh quốc gia, với chức danh chính thức Cố vấn an ninh Quốc gia. Bà hiện là viện sĩ Viện hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học Mỹ, và đã giành được học vị Tiến sĩ danh dự của Đại học Alabama năm 1994, Đại học Notre Dame năm 1995, Trường Cao đẳng Luật Mississippi năm 2003 và Đại học Louisville năm 2004. Bà cũng viết rất nhiều sách và bài báo về chính sách đối ngoại, quốc phòng của Liên Xô và Đông Âu, tiêu biểu như: "Đức thống nhất và châu Âu thay đổi" (1995) cùng với Philip Zelikow, "Thời đại Gorbachev" (1986) cùng Alexander Dallin. |
-
Tân Huyền - (Tổng hợp)