221
478
Hồ sơ
hoso
/thegioi/hoso/
35222
Cuộc chiến Iraq nóng bỏng trên... Internet
1
Article
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
Cuộc chiến Iraq nóng bỏng trên... Internet
,
Những thông điệp thế này xuất hiện khá nhiều trên web
Cuộc chiến ở Iraq không chỉ khốc liệt trên chiến trường mà còn lan sang cả Internet. Tính từ khi Mỹ chính thức phát động cuộc tấn công Iraq, đã có hơn 2.000 Website trên Internet bị những người phản chiến tấn công theo nhiều cách khác nhau. Không chỉ dừng lại ở tấn công Website, các hacker còn cho ra đời hàng loạt các virus máy tính để biểu thị thái độ phản đối chiến tranh của mình.
 

Từ Website của quân đội Mỹ và Chính phủ Anh bị tấn công...

Ngày 10/3, một hacker đã lợi dụng lỗ hổng trong phần mềm Windows 2000 để xâm nhập vào một máy chủ của quân đội Mỹ. Hacker này đã kiểm soát máy chủ đó với quyền quản trị cao nhất. Phát ngôn viên của Trung tâm chỉ huy mạng máy tính quân đội Mỹ thừa nhận vụ xâm nhập này đã diễn ra và cho biết ngay sau khi nhận biết được vụ xâm nhập, họ đã ngắt máy chủ đó ra khỏi mạng. Tuy nhiên, khi cho hoạt động trở lại, máy chủ này lại tiếp tục bị tấn công.

Gần đây nhất, ngày 23/3 vừa qua, Website của Chính phủ Anh (www.number-10.gov.uk) đã phải hứng chịu một cuộc tấn công Từ chối Dịch vụ (DoS), khiến người sử dụng Internet không thể truy cập vào Website này trong suốt thời gian bị tấn công. Trên Website tin tức Indymedia (uk.indymedia.org), những người phản chiến đã thừa nhận hành vi của mình. Hãng cung cấp giải pháp bảo mật máy tính F-Secure cũng đã xác nhận vụ tấn công trên là có thực. Hãng này đã tiến hành theo dõi và ghi lại tất cả các vụ tấn công mạng liên quan đến cuộc chiến ở Iraq. Theo F-Secure, chỉ 48 giờ sau khi cuộc chiến nổ ra, đã có hơn 200 Website bị “hạ gục”. Đến ngày 21/3, con số này đã lên đến hơn 1.000 và tính cho đến thời điểm này thì đã có hơn 2.000 site đã trở thành nạn nhân của những vụ tấn công phản đối chiến tranh, phản đối Mỹ xâm lược Iraq.

Cách thức tấn công phổ biến nhất là hacker xâm nhập vào máy chủ Web, sau đó thay thế nội dung trang Web bằng những thông điệp phản chiến của họ.

Trong số các Website bị tấn công còn có Website của Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Sử dụng Tài nguyên Nông nghiệp Mỹ, một portal cung cấp dịch vụ Web-mail của Hải quân Mỹ, và Routeco - hãng cung cấp sản phẩm điều khiển và tự động hóa của Anh.        

Phần lớn các Website bị “hạ gục” là các Website của doanh nghiệp Mỹ, Anh, Australia và chi nhánh của các chính quyền liên bang Mỹ.

Các chuyên gia bảo mật máy tính của F-Secure cho biết hàng trăm trong tổng số hơn 2.000 vụ tấn công Website nói trên được thực hiện bởi một nhóm hacker đạo Hồi có tên là Unix Security Guard.

Tuy nhiên, theo F-Secure thì những động thái của hacker từ khi xảy ra xung đột Iraq đến nay dường như không phải là một phần của một kế hoạch nào đó có quy mô lớn hơn, chẳng hạn như đánh gục hoàn toàn Internet.

... Đến sự xuất hiện của các loại virus máy tính

Kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến chống Iraq, đã có 2 loại virus máy tính phản chiến ''chào đời''. Virus thứ nhất có tên là Prune, phát tán dưới dạng một bức thư điện tử có tiêu đề là “US Government Material - Iraq Crisis” ( Cuộc khủng hoảng Mỹ-Iraq). File gửi kèm của bức thư điện tử này cũng có một cái tên khá hấp dẫn UN_Interview.txt.vbs (Bài phỏng vấn Liên hiệp quốc). Nếu người sử dụng mở file gửi kèm ra xem nội dung, virus Prune sẽ được kích hoạt. “Con bọ” này sẽ phát tán bản sao của nó đến tất cả các địa chỉ thư điện tử mà nó tìm thấy trong máy tính, lây nhiễm vào phần mềm hội thoại trực tuyến Internet Relay Chat cũng như xâm nhập vào các máy tính chia sẻ ổ đĩa trong mạng.

Loại virus thứ hai có tên là Ganda, cũng lây lan qua môi trường thư điện tử, tuy nhiên tiêu đề và nội dung của những bức thư điện tử chứa Ganda rất khác nhau, nhưng nói chung vẫn đề cập đến cuộc xung đột Mỹ-Iraq. Chẳng hạn như tiêu đề “Spy Pics” (Ảnh gián điệp), đánh lừa người nhận tưởng rằng đây là những bức ảnh gián điệp được vệ tinh Mỹ chụp, hoặc tiêu đề “G.W.Bush animation” (Hoạt hình tổng thống Bush) kích thích trí tò mò của người nhận thư.

Gần đây, một hacker người Malaysia có biệt danh là “Melhacker” dọa sẽ tung ra một loại siêu virus “3 trong 1”. Anh này nói rằng mình đã phát triển và thử nghiệm thành công một loại virus tên là Scezda kết hợp tính năng của 3 loại virus “nổi đình nổi đám” trước đây là SirCam, Klez và Nimda. Anh ta dọa nếu Mỹ tiến đánh Iraq, virus Scezda sẽ được thả vào Internet. Melhacker được cho là tác giả của ít nhất 5 loại virus đã từng xuất hiện trước đây.

  • Đăng Khoa (tổng hợp)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,