Nếu để ý tới cách tiến công của liên quân Anh-Mỹ trong hơn 100 tiếng đồng hồ qua trên sa mạc nóng bỏng tại Iraq, người ta có thể dễ dàng nhận ra được nét cơ bản trong chiến thuật tấn công của liên quân Anh-Mỹ: Đánh nhưng không... chiếm (vừa đánh vừa tranh thủ vượt qua các chốt phòng thủ án ngự trên cửa ngõ vào Thủ đô Baghdad nhằm tiêu diệt chính quyền Saddam Hussein càng nhanh càng tốt). Điều này dẫn đến 2 câu hỏi: liệu nguy hiểm đã hết sau lưng liên quân; và Anh-Mỹ có kiểm soát được các lực lượng tại các khu vực đã vượt qua hay không?
Lính liên quân trên chiến trường Iraq |
Gót chân Asin
Trong điều kiện hiện nay, chiến thuật "đánh nhanh thắng nhanh" mà vị Tổng tư lệnh Bộ tư lệnh Trung ương Mỹ - Tướng 4 sao Tommy Franks đã chọn là điều dễ hiểu. Nó giúp hạn chế tối đa thiệt hại về mặt kinh tế, giảm thiểu ảnh hưởng xấu do điều kiện khí hậu sa mạc khắc nghiệt gây ra, cũng như nhanh chóng thoát ra khỏi áp lực phản chiến khắp toàn cầu. Tuy nhiên, chiến thuật này chỉ có ý nghĩa nếu tiến độ cuộc chiến diễn ra đúng như phán đoán ban đầu của Tướng Franks.
Giới phân tích quân sự cho rằng ông Franks, có thể sẽ chuốc lấy những rủi ro khôn lường trong chiến thuật mà ông đang áp dụng. Trước hết, cần kể đến, việc dàn mỏng lực lượng sẽ cho phép quân đội Iraq tập trung ngay sau gáy mình. Thứ đến, là cách tiến công dùng một lực lượng là quá mạo hiểm cho chiến thuật áp sát nhanh chóng.
Nhà phân tích Loren Thompson thuộc Học viện quân sự Lexington: "Lực lượng này quá mỏng - một tỉ lệ tương quan lực lượng trong một trận chiến tổng lực trên bộ nhỏ nhất mà chúng ta từng biết trong thế kỷ qua" (Trên lý thuyết, 1 sư đoàn lính Mỹ hiện đang phải chiến đấu với 12 sư đoàn của Iraq). Quân số của một sư đoàn theo cách tính chung là khoảng 15.000. Ông Thompson cũng nhấn mạnh: "Thường thì lực lượng như vậy rất khó đánh nhanh thắng nhanh với một cuộc chiến quy mô lớn, đặc biệt khi chiến đầu viễn chinh. Liệu sức mạnh không quân có bù được điều đó không? Điều đó thì chỉ có thể chờ xem mà thôi". Tuy nhiên, bom và tên lửa sẽ trở nên vô nghĩa khi quân của Iraq đang nằm sâu trong lòng đất.
Trong bài phát biểu của mình hôm qua tại Qatar, Tướng Franks cho biết các lực lượng tác chiến của Mỹ đang tiến quân như vũ bão về phía Baghdad và "đã vượt qua (một cách có chủ định) các chốt quân sự" ở miền nam Iraq. Tuy nhiên, các đơn vị liên quân đi sau đã phải gánh chịu nhiều tổn thất nặng nề. 9 lính tử trận, 12 lính mất tích trong trận chiến tại thành phố miền nam Nassiriya là một minh hoạ điển hình.
Xe tăng của liên quân |
Vậy mà, ông Franks vẫn lạc quan: "Những ngày tới mới là những ngày quyết định. Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu theo chiến thuật đã vạch". Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đã bắt đầu nhận ra khó khăn thực sự của mình khi nhận thấy "làn sóng thép" bỗng chững lại sau mấy ngày rẽ cát lao đi như tên bắn. Chính Nhà Trắng cũng thừa nhận: "Cuộc chiến có thể kéo dài hơn, khó khăn hơn".
Ngoài tầm kiểm soát
Giới phân tích cho rằng, chiến thuật của quân Mỹ yêu cầu phải có một phòng tuyến trợ thủ đắc lực trong bán kính trên dưới 500 km để kiêm luôn nhiệm vụ kiểm soát các địa điểm chiếm được. Cựu Thiếu tướng Hải quân Mỹ Stephen Baker thuộc Trung tâm Thông tin quốc phòng tại Washington: "Chúng tôi đã nhận thức được các điểm yếu của các cánh quân yểm trợ cũng như theo dõi sát sao tình hình để có thể hạn chế tối đa các điểm yếu đó".
Một hậu quả nữa của chiến thuật này là khả năng nổi dậy bất cức lúc nào của lực lượng tàn quân tại các khu vực mà liên quân đã vượt qua. Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết: "Chúng tôi có thể kiểm soát được một số thành phố mà không cần phải mất nhiều quân để chiếm cứ chúng". Tuy nhiên, điều này không có sức thuyết phục trong khi các quân Mỹ vẫn đang vấp phải nhiều đợt kháng cực quyết liệt tại các thành phố Al Faw, Umm Qasr, Basra, Nassiriya và Najaf.
Nhà phân tích quân sự Loren Thompson giải thích, sở dĩ liên quân Anh-Mỹ bỏ qua một số thành phố là bởi không muốn làm mỏng lực lượng đang tiến về hướng Baghdad, và những trận đánh quan trọng vẫn còn ở trước mắt. Ông này cũng cho rằng, chính quyền địa phương sẽ bị quân Anh-Mỹ xoá sổ khi tràn qua. Tuy nhiên, còn một điều đáng lưu ý nữa mà quân Mỹ không thể không tính đến: 7 triệu người dân Iraq đã được vũ trang. Điều đó có nghĩa là, quân Mỹ sẽ không yên ổn ngay cả khi chiếm được các thành phố cửa ngõ. Tướng về hưu William Nash, từng tham gia chiến tranh Vùng Vịnh, cũng đánh giá thấp chiến thuật có nhiều nhược điểm của Tướng Franks.
Trong khi đó, Baghdad vừa tuyên bố, họ sẽ đẩy mạnh lối đánh du kích để đối phó cách đánh vũ bão của Mỹ.
(Lam Sơn - tổng hợp)