221
1601
Bình luận quốc tế
binhluan
/thegioi/binhluan/
1239312
Mọi sự lạc quan chỉ là nhất thời
1
Article
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
Hạt nhân Iran:
Mọi sự lạc quan chỉ là nhất thời
,

- Những tín hiệu tích cực cứ đến rồi đi ở Iran, mà sẽ chẳng mang lại thay đổi nào đáng kể bởi nó chỉ phục vụ những ý đồ trước mắt.

Tên lửa tầm xa của Iran. (Ảnh: Reuters)

Vẫn là một câu chuyện cũ về chương trình hạt nhân Iran, vốn là chủ đề thường trực trên hầu hết các diễn đàn, cả đa phương và song phương, và cũng là đề tài "nóng hổi" trên các mặt báo. Chỉ có điều từ vài năm nay, ý đồ và khả năng thực sự của Iran trong việc chế tạo vũ khí hạt nhân vẫn chỉ là phỏng đoán, trong khi các biện pháp trừng phạt chưa mang lại bất cứ hiệu quả cụ thể nào.

Nhưng câu chuyện cũ đó đột nhiên lại có một tình tiết mới đầy thú vị. Lần đầu tiên kể từ tháng 6/2008, Iran chấp nhận ngồi vào bàn thương lượng cùng Nhóm 6 nước (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) để thảo luận về chương trình hạt nhân Iran.

Đó có vẻ là một thái độ hợp tác tích cực từ phía Tehran và không chỉ có vậy. Kết quả cuộc gặp hôm 1/10 tại Geneva lại càng đem lại những dấu hiệu lạc quan hơn. Iran chấp nhận cho các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tới thanh sát cơ sở hạt nhân ngầm ở gần thành phố Qom, cách 100km về phía nam Tehran vào ngày 25/10 và cuộc thương lượng về vấn đề hạt nhân Iran sẽ được tiếp tục tại Vienna, Áo, vào cuối tháng 10 tới. Thậm chí, các bên còn đạt được thỏa thuận về việc chuyển phần lớn lượng uranium làm giàu nghèo (dưới 4,5% uranium đồng vị 239) của Iran sang nước thứ 3 để làm giàu lên mức 20%, mức tối đa cho các mục đích dân sự, sau đó cho phép Iran nhập khẩu trở lại để phục vụ mục đích nghiên cứu y học.

Ngay lập tức từ Washington, Tổng thống Mỹ Obama đánh giá cuộc gặp tại Geneva là một "khởi đầu mang tính xây dựng". Và cũng gần như ngay lập tức, từ New York, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Manouchehr Mottaki, vốn đang dự khóa họp thường niên Đại hội đồng LHQ, đã lên tiếng hoan nghênh "bầu không khí xây dựng" của các cuộc thảo luận tại Geneva.

Không lạc quan và tích cực sao được, khi mà các bên đều đạt được mục đích của mình đề ra. Với Iran, thương lượng tiếp tục đồng nghĩa với nguy cơ đối mặt với các biện pháp cấm vận bổ sung được loại trừ. Hơn nữa, việc đạt thỏa thuận về làm giàu uranium ở nước thứ ba chính là sự hợp pháp hoá việc sản xuất và làm giàu uranium của Iran từ trước đến nay. Khối lượng uranium này sau đó lại được nhập về để phục vụ các mục đích nghiên cứu y học, điều đó có nghĩa là Tehran vẫn có đủ nguyên liệu cho các kế hoạch hạt nhân của họ. Đó là còn chưa kể đến ý nghĩa chính trị của cuộc gặp ở Geneva. Chấp nhận đàm phán với Iran có nghĩa là Nhóm 6 nước đã gián tiếp thừa nhận chính quyền của Tổng thống Admadinejah, người vừa tái nhiệm sau một cuộc bầu cử đầy tranh cãi.

Với phương Tây, đặc biệt là Mỹ, họ đã thuyết phục được Iran cởi mở hơn trong vấn đề hạt nhân, chí ít là chấp nhận nối lại các hoạt động thanh sát các cơ sở hạt nhân mà họ nghi là các cơ sở làm giàu uranium trái phép. Dưới con mắt phương Tây, việc làm giàu uranium ở nước thứ ba sẽ ngăn chặn khả năng Tehran tiếp cận với công nghệ làm giàu uranium, công đoạn có ý nghĩa quyết định đối với việc sản xuất vũ khí hạt nhân, và hơn hết là khống chế được số lượng uranium mà Iran sở hữu.

Hơn nữa, lâu nay cả Nga và Trung Quốc đều phản đối các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào Iran với lý do rằng vẫn còn cơ hội giải quyết hòa bình vấn đề này thông qua thương lượng. Chính vì vậy, thông qua cuộc gặp Geneva, các nước phương Tây muốn cho thấy họ đã nỗ lực tìm kiếm giải pháp thông qua thương lượng, một khi thương lượng thất bại, không ai còn lý do gì để phản đối các biện pháp trừng phạt.

Nhưng sự lạc quan đó sẽ chỉ là tạm thời bởi vẫn còn quá nhiều những câu hỏi lớn chưa thể giải đáp. Số lượng uranium mà Iran đang có là bao nhiêu và được làm giàu ở mức độ nào? Iran có bao nhiêu cơ sở hạt nhân bí mật và trong đó bao nhiêu cơ sở làm giàu hạt nhân trái phép? Chuyến thanh sát vào cuối tháng 10 tới của IAEA chỉ giới hạn trong cơ sở hạt nhân tại Qom, và ai dám khẳng định rằng Iran đã không có sự chuẩn bị trước? Mặc dù hoan nghênh kết quả cuộc gặp ở Geneva, nhưng Tổng thống Obama vẫn không quên yêu cầu Tehran có những bước đi cụ thể nếu không muốn đối mặt với các biện pháp trừng phạt bổ sung.

Thật khó có thể chắc chắn rằng những bước đi cụ thể nào mới làm hài lòng Washington. Trong trường hợp phải áp đặt thêm các biện pháp cấm vận thì hiệu quả của chúng cũng là một dấu hỏi. Iran vẫn sống trong cảnh bị trừng phạt từ 30 năm nay và mọi lệnh cấm vận nhằm vào Iran đều tránh động chạm tới dầu lửa, vốn chiếm tới 90% giá trị xuất khẩu của Iran, vì không muốn những cuộc khủng hoảng giá dầu mới. Khả năng tấn công Iran bằng quân sự không phải là không được tính đến, nhưng sau những gì đã diễn ra ở Afghanistan và Iraq thì có thể khẳng định rằng giải pháp quân sự chỉ mang lại thảm họa cho tất cả các bên liên quan.

Những tín hiệu tích cực cứ đến rồi đi, mà sẽ chẳng mang lại thay đổi nào đáng kể bởi nó chỉ phục vụ những ý đồ trước mắt. Cái cốt lõi của mọi bế tắc chính là người ta không bao giờ chấp nhận một nước Iran có vũ khí hạt nhân, nhưng lại không biết làm thế nào để loại bỏ nguy cơ đó.

  • Chí Thành
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,