Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) đã có những bước tiến dài trong những năm gần đây khi họ tìm cách hiện đại hóa hải quân của mình. Trong khi tìm cách trình diễn sức mạnh của mình, nước này dường như cũng nhận ra yêu cầu phải trấn an các nước khác rằng những ý đồ đằng sau chương trình hiện đại hóa này là hòa bình.
Hải quân Trung Quốc. (Ảnh: sina.com)
Mặc dù Bắc Kinh đã tuyên bố chính sách "những vùng biển hòa thuận" với việc tôn trọng quyền tiếp cập công bằng và tự do hàng hải cho mọi người, nhưng rất nhiều quốc gia vẫn lo ngại.
PLAN đã trở thành ưu tiên trong chương trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, với việc mua thêm 30 tàu ngầm và 22 tàu nổi trong 1 thập kỷ qua cộng với số lượng ngày một tăng các máy bay hoạt động ở biển và hoả tiễn thuỷ quân. Ý thức rõ được những hậu quả mà chương trình hiện đại hóa quân sự của nó có thể tạo ra, Bắc Kinh thấy cần phải trấn an hàng xóm và thế giới bằng cách mô tả việc mở rộng quân sự và hải quân của mình như một động thái hiền lành và là kết quả tự nhiên của sức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của nước này. Ngoại giao hải quân là một trong những yếu tố quan trọng trong nỗ lực này.
Trong những năm gần đây, PLAN đã tiến hành ngày càng nhiều chuyến thăm tới các cảng nước ngoài và tham gia các cuộc tập trận chung với những lực lượng hải quân của nước khác. Chỉ trong năm 2007, tàu chiến Trung Quốc đã thăm 11 nước, đi đến tận vùng xa như Bắc Đại Tây Dương. Cũng trong năm này, PLAN tiến hành tập trận chung với hải quân của Pháp, Tây Ban Nha, Anh và Nga. Trong lúc các cuộc tập trận này diễn ra ở vùng biển châu Âu, hai tàu khác của Trung Quốc lại thăm Australia và New Zealand. Cùng lúc đó, hai tàu khác của PLAN thăm Pakistan.
Việc 8 tàu chiến của Trung Quốc triển khai đồng thời ở các vùng biển nước ngoài gần 3 châu lục khác nhau đã cho thấy tầm quan trọng ngày càng lớn của ngoại giao hải quân đối với Bắc Kinh. Khả năng của PLAN trong việc tiến hành các hoạt động quy mô nhỏ, xa những vùng hoạt động truyền thống của họ cũng đang được nâng cao. Trong năm 2008, tàu chiến Trung Quốc thăm 8 nước ở châu Á và châu Âu, trong khi các phái đoàn của PLAN thăm 17 nước ở châu Á, Âu, Nam Mỹ và châu Phi.
Đầu năm nay, tại căn cứ hải quân Qingdao ở đông Trung Quốc, PLAN đã kỷ niệm 60 năm thành lập bằng cách mở cửa với thế giới. Các tàu chiến đại diện cho hải quân của 14 nước, bao gồm Mỹ và Australia, đã tham dự một cuộc diễu binh hải quân và đã có thể nhìn thấy một số các thiết bị bí mật và tiên tiến nhất của hải quân Trung Quốc, như tàu ngầm hạt nhân. Bức thông điệp có vẻ như là "Chúng tôi đang mạnh lên nhưng minh bạch hơn, và chúng tôi rất hòa bình".
Giao lưu giáo dục cũng là một nhân tố khác trong chiến lược ngoại giao hải quân của Trung Quốc. Trong năm 2008, 97 sĩ quan nước ngoài từ 40 nước đã tốt nghiệp các học viện và tổ chức của PLAN. Hơn nữa, PLAN và quân đội Trung Quốc nói chung đang gửi ngày một nhiều các sĩ quan của mình sang học ở các học viện quân sự nước ngoài. Năm 2006, 23 sĩ quan của PLAN đã tham dự các khóa học ở nước ngoài. Các sĩ quan hải quân Trung Quốc cũng tham dự các khóa học tại các trường dân sự nước ngoài.
Trung Quốc cũng đang sử dụng việc trao tặng các thiết bị hải quân làm phương tiện để giành được thiện chí. Năm 2007, tiếp sau chuyến thăm của trưởng lực lượng quốc phòng Bolivia tới Trung Quốc, Bắc Kinh đã tặng cho hải quân Bolivia 6 tàu tuần tra. Các tàu cỡ trung và cỡ nhỏ đã được tặng cho Mauritania, Tanzania, Myanmar, Campuchia và Sierra Leone. Trung Quốc cũng sửa chữa và xây mới các căn cứ hải quân, doanh trại, kho bãi và viện quân y, trao tặng các thiết bị liên lạc, lặn cho 34 nước trên thế giới.
Tháng 10/2008, hải quân Trung Quốc nhận chiếc tàu bệnh viện hiện đại nhất của mình. Theo Nhân dân nhật báo, chiếc tàu trọng tải 10.000 tấn này là tàu bệnh viện lớn nhất trên thế giới. Nó sẽ đóng ở Qingdao và có thể trở thành công cụ chính cho chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Theo gương chiếc tàu bệnh viện USNS Mercy của hải quân Mỹ, PLAN hy vọng dùng chiếc tàu bệnh viện này cho các hoạt động nhân đạo.
Kể từ đầu năm nay, các hoạt động chống cướp biển và hộ tống tàu hàng cũng đã trở thành một công cụ ngoại giao quan trọng. Kể từ tháng 1/2009, tàu khu trục của PLAN đã hộ tống hàng chục tàu ở bờ biển Somalia cùng với các tàu của Đài Loan, Nhật và các tàu chở hàng của Chương trình Lương thực Thế giới Liên hợp quốc.
Cái gì nằm sau việc Trung Quốc mở rộng ngoại giao theo hướng này? Trước tiên, Trung Quốc hăm hở muốn thể hiện nền quân sự hiện đại của họ là hòa bình và góp phần vào ổn định khu vực. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lấy sức mạnh tăng trưởng kinh tế và chủ nghĩa dân tộc ngày càng mạnh làm cớ cho sự phát triển quân sự này.
Không phải ngẫu nhiên mà những hành động kiểu như tham gia chống cướp biển được các phương tiện thông tin đại chúng Trung Quốc loan tải ầm ĩ. Mục đích rõ ràng là để tạo dựng hình ảnh Trung Quốc là một cường quốc hải quân, đóng góp vào chủ nghĩa yêu nước và củng cố sức mạnh chính phủ, đồng thời làm tăng uy tín của nước này trên trường quốc tế.
Sự liên kết lớn hơn với các lực lượng hải quân nước ngoài cũng cho phép PLAN tiếp cận với những tiến bộ mới nhất trong công nghệ hàng hải. Tháng 9/2007, PLAN tham gia vào cuộc tập trận đầu tiên với một hàng không mẫu hạm khi 2 tàu của Trung Quốc cùng với một hàng không mẫu hạm Anh tập trận ở Bắc Đại Tây Dương. Nếu đúng như ý định được công bố công khai của Trung Quốc là mua được 1 hàng không mẫu hạm trước năm 2020, thì những cuộc tập trận như vậy quả là có giá trị.
Những nỗ lực của Trung Quốc trong việc thực thi chính sách ngoại giao hải quân đã cho thấy tham vọng ngày càng lớn của họ, nhưng Bắc Kinh đang gửi đi những thông điệp trái chiều. Một mặt, PLAN đang trở nên cởi mở và minh bạch hơn, liên hệ nhiều hơn với các lực lượng hải quân nước ngoài. Mặt khác, họ đang mở rộng kho vũ khí của mình và cảm thấy tự tin hơn khi trình diễn trước thế giới. Liệu chúng ta đang chứng kiến một Trung Quốc hợp tác hơn trên biển hay là một Trung Quốc tự tin hơn và có thể là hung hăng hơn?
-
Hạnh Khuê (Theo Japan Times)