221
1601
Bình luận quốc tế
binhluan
/thegioi/binhluan/
1236734
Washington đánh đổi hệ thống phòng thủ tên lửa lấy cái gì?
1
Article
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
Washington đánh đổi hệ thống phòng thủ tên lửa lấy cái gì?
,

 - Tổng thống Mỹ Barak Obama cuối cùng đã thông báo một quyết định được chờ đợi: Mỹ chính thức từ bỏ kế hoạch lắp đặt hệ thống phòng thủ chống tên lửa ở Séc và Ba Lan vốn được chính quyền Bush xây dựng từ năm 2007.  

Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố huỷ bỏ kế hoạch lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu. (Ảnh: foreign policy)

 

Người Mỹ đương nhiên có lý do của họ. Nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy việc phóng vũ khí hạt nhân bằng tên lửa tầm xa là “một kỹ thuật cực kỳ phức tạp” mà một quốc gia như Iran khó có thể đạt được. Hơn nữa, một nghiên cứu khác cho thấy hệ thống phòng thủ chống tên lửa được phóng đi từ Iran, nếu có, sẽ hiệu quả hơn nếu được triển khai ở Thổ Nhĩ Kỳ hoặc khu vực Balkan thay vì Séc và Ba Lan.

Như một động thái ủng hộ các nghiên cứu này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cho rằng Iran hiện phát triển các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung “nhanh hơn dự kiến”. Điều đó có nghĩa là cần ưu tiên việc đối phó với mối đe dọa hiện hữu thay vì chuẩn bị cho những nguy cơ mang tính giả định.

Để thực hiện kế hoạch “đối phó với mối đe dọa hiện hữu” đó, và hơn hết là nhằm xoa dịu sự thất vọng từ phía Séc và Ba Lan, Washington cam kết triển khai tại các nước này hệ thống tên lửa SM-3 chuyên đánh chặn các tên lửa tầm ngắn và trung bình từ năm 2015. Thậm chí các tàu chiến được trang bị hệ thống tên lửa đánh chặn cũng sẽ được điều tới Địa Trung Hải.

Dường như quyết định của người Mỹ hoàn toàn xuất phát từ yếu tố kỹ thuật. Có lẽ không đơn giản như vậy. Ngay từ khi được công bố, chẳng ai tin rằng kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa ở Đông Âu của Mỹ là để đối phó với mối đe dọa đến từ Iran.

Matxcơva thì luôn cho rằng kế hoạch đó là nhằm vô hiệu hóa sức mạnh hạt nhân của họ. Nhìn một cách thực tế hơn thì  kế hoạch đó, cùng với việc NATO mở rộng về phía Đông, giống như một thông điệp mà chính quyền Bush muốn gửi tới Matxcơva rằng hãy từ bỏ việc xác lập lại không gian ảnh hưởng ở Đông Âu như trong thời kỳ chiến tranh lạnh.

Nhưng thời thế đã thay đổi, Mỹ dưới thời Obama thấy cần Nga trong nhiều vấn đề. Trong cuộc gặp giữa Obama và Mevedev hồi tháng 6 vừa qua, hai bên đã ký một thỏa thuận khung về việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân, tuy nhiên khả năng đạt được một hiệp định thay thế cho Hiệp định cắt giảm vũ khí chiến lược (START) sẽ hết hạn vào tháng 12 tới vẫn hoàn toàn bỏ ngỏ.

Việc Nga cho mượn không phận trong các hoạt động tiếp tế hậu cần của NATO ở Afghanistan cũng chỉ là thỏa thuận tạm thời và không có gì đảm bảo là sẽ không bị xem xét lại trong tương lai.

Nhưng vấn đề gai góc nhất chính là quan điểm của Nga là trong vấn đề hạt nhân Iran. Matxcơva vẫn luôn phản đối mọi biện pháp trừng phạt chống Iran, trong khi Tehran vẫn không có ý định từ bỏ các chương trình hạt nhân. Thậm chí Nga còn đồng ý bán cho Iran loại tên lửa chiến lược tầm xa thế hệ mới S-300. Chính vì vậy, muốn tranh thủ được người Nga thì trước tiên là phải làm cho họ cảm thấy hài lòng. Và trong bối cảnh đó, hệ thống phòng thủ chống tên lửa ở Đông Âu đương nhiên sẽ là vật hi sinh đầu tiên.

Chẳng thế mà Tổng thống Obama tuyên bố từ bỏ kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu chỉ 1 tuần trước ngày khai mạc khóa họp thường niên Đại hội đồng Liên hợp quốc mà vấn đề hạt nhân Iran sẽ là tâm điểm.

Cuộc gặp giữa nhóm 6 nước (Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc) với đại diện của Iran được dự kiến vào ngày 1/10 có thể xem là nỗ lực ngoại giao cuối cùng nhằm thuyết phục Tehran từ bỏ tham vọng hạt nhân. Và Washington hy vọng Nga sẽ có thái độ khác nếu Iran vẫn tiếp tục “ngoan cố”.

Nga cố nhiên là hài lòng ra mặt. Đáp lại thiện chí của người Mỹ, Tổng thống Mevedev không ngần ngại mà nói rằng: “Các biện pháp trừng phạt, tại sao không? Chúng đôi khi có thể đem lại hiệu quả". Thậm chí Matxcơva còn công khai chỉ trích tuyên bố của Tổng thống Iran Admadinejad liên quan đến các vụ thảm sát người Do Thái trong chiến tranh thế giới thứ 2.

Thế nhưng quan điểm của Nga đối với vấn đề hạt nhân Iran lại không dễ thay đổi đến thế. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vẫn khẳng định: “Vấn đề hạt nhân Iran chỉ có thể được giải quyết thông qua thương lượng trên cơ sở tính đến bối cảnh khu vực và loại trừ khả năng sử dụng sức mạnh. Bỏ qua cơ hội thương lượng mà áp đặt các biện pháp trừng phạt sẽ là một sai lầm nghiêm trọng".

Hơn nữa, xét từ góc độ lợi ích, Iran trước hết là một đối tác thương mại hàng đầu của Nga với những hợp đồng mua công nghệ hạt nhân lên tới hàng tỉ USD, đồng thời là một nhân tố chủ chốt trong khu vực biển Caspi, khu vực ngã tư chiến lược với nguồn khí tự nhiên dồi dào. Đồng ý trừng phạt Iran đồng nghĩa với việc Nga tự bắn vào chân mình.

Chính vì vậy, việc Mỹ từ bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu chỉ có thể coi như một hành động xoa dịu Nga sau một thời gian dài căng thẳng và tiến xa hơn trong quan hệ với Nga trên một số vấn đề ít quan trọng. Đó cũng có thể coi là thành công so với những gì Washington phải đánh đổi. 

  • Chí Thành

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
rrer_", r));