Thế giới đang nói về sự hồi phục, trong đó châu Á với Trung Quốc dẫn đầu được coi là đầu tàu tăng trưởng thời hậu khủng hoảng.
Chưa thấy ở châu Á một sự cải tổ cơ cấu hướng vào chiều sâu trong thời gian vừa qua. Ảnh Bloomberg.
Thế nhưng liệu châu Á có thực sự xứng đáng với vai trò đó, khi mà hầu hết mọi con số tăng trưởng dường như chỉ là kết quả bề nổi của một loạt các biện pháp kích thích kinh tế, vốn thường không mang tính dài hạn và vững bền mà chỉ có tác dụng chữa cháy tức thời.
Người ta chưa thấy ở châu Á một sự cải tổ cơ cấu, một sự cải cách hướng vào chiều sâu trong thời gian khủng hoảng vừa qua.
Ở châu Á, người ta chưa thấy những chương trình mới hướng tới tiết kiệm năng lượng như ở Mỹ, chưa có những chiến dịch kích thích kinh tế có tính đến bảo vệ môi trường tương lai như ở châu Âu.
Và rồi những con số tăng trưởng tức thời bề nổi cũng đã tự nói lên nhiều điều, chỉ trong ít ngày vừa qua.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc tháng này mất tới gần 20%! Người ta gọi đây là sự điều chỉnh sau khi chứng khoán Trung Quốc đã tăng quá nóng trong những ngày trước đó, khi mà tất cả dường như vẫn còn đang choáng ngợp với sự hào nhoáng của những gói kích cầu khổng lồ mà quốc gia có hàng ngàn tỷ USD dự trữ ngoại tệ này đưa ra.
Tương tự, các chỉ số chứng khoán quan trọng hàng đầu của châu Á như Nikkei 225 của Nhật, Kospi của Hàn Quốc và Hang Seng của Hồng Kông cũng lao đao nhiều ngày qua.
Đó mới chỉ là những cảnh báo dễ thấy nhất của những tác dụng phụ mà các gói kích cầu ở châu Á mang lại. Nhưng nó cũng mới chỉ hé lộ được phần nào tính bề nổi, tức thời, không vững bền của cái gọi là “sự hồi phục của đầu tàu châu Á”.
Vẫn còn đó nhiều dấu hiệu khác đáng lo ngại hơn.
Thất nghiệp vẫn cao ở khắp nơi. Xuất khẩu - động lực chính của tăng trưởng kinh tế châu Á - vẫn đang ì ạch. Còn lại hầu hết các nền tảng cơ bản của mỗi nền kinh tế châu Á thì vẫn còn nguyên như cũ, chưa có gì chuyển biến đáng kể.
Liệu có thể kỳ vọng châu Á với Trung Quốc dẫn đầu sẽ là đầu tàu tăng trưởng thời hậu khủng hoảng, với những nền tảng đó?
Người ta nói nhiều tới đầu tàu kinh tế Trung Quốc và hướng về họ như một sự cứu vớt cho tăng trưởng của kinh tế sau khủng hoảng.
Đã có nhiều con số cho thấy kinh tế nước này hồi phục. Nhưng ở nền kinh tế này, cần xem lại tính chính xác của những con số thống kê, mà thường là do Cục thống kê trực thuộc chính phủ đưa ra một chiều.
Có lẽ để đánh giá đúng nhất thì phải nhìn về những thực tế xã hội, nơi người thất nghiệp, người thiếu đói và những hình ảnh của kinh tế ảm đạm vẫn tồn tại và không khó nhìn thấy đâu đó trên mọi đường phố, làng quê Trung Quốc.
Có lẽ người ta vẫn phải chờ khi Mỹ và châu Âu phục hồi khả năng chi tiêu để tăng tiêu dùng thì xuất khẩu của châu Á, nhất là Trung Quốc, mới hồi phục thực sự trở lại, để tiếp tục làm động lực chính giúp kinh tế châu Á tăng trưởng trở lại.
Trong lúc đó, có lẽ chính phủ các nước châu Á nên nghĩ tới những biện pháp cải tổ sâu sắc cơ cấu kinh tế và nhanh chóng chuẩn bị sẵn sàng những nền tảng chính để đón đầu cho chu kỳ mới của nền kinh tế, chứ không chỉ tập trung hoặc phó mặc cho những hiệu quả tức thời, bề nổi và ít vững bền của những gói kích thích kinh tế ngắn hạn.
-
Nhật Vy (Theo FEER, MarketWatch)