- Sẽ là ảo tưởng nếu cho rằng cuộc bầu cử tổng thống tại Afghanistan là một bước quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định tại đất nước này. Bởi căn nguyên và cách giải quyết vấn đề của Afghanistan nằm ở một nơi rất xa khác: Washington.
40% trẻ em dưới 3 tuổi bị nhẹ cân và 54% trẻ em dưới 5 tuổi rơi vào tình trạng còi cọc ở Afghanistan. (Ảnh: Reuters) |
Tổng thống Hamid Karzai được dự đoán là sẽ thắng cử một nhiệm kỳ nữa sau 8 năm cầm quyền ở đất nước này kể từ khi Mỹ và liên quân đem quân tới Afghanistan dưới danh nghĩa là chống khủng bố và giải phóng đất nước này khỏi chế độ Taliban hà khắc. Rất khó nói rằng ông Karzai có thể mang lại điều gì mới bởi 8 năm ông ngồi ở ghế tổng thống mà tình hình không mấy cải thiện. Nhưng ông vẫn thắng cử, có thể bởi ở Afghanistan chưa có một ứng cử viên tài năng nào khác có thể thay thế ông, như nhiều báo nhận định. Song rút cục, Karzai nắm quyền hay bất kể một người nào khác thì cũng chỉ là "con rối" chính trị của Washington. Mỹ là tác giả của đống hỗn loạn hiện giờ ở Afghanistan, từ việc lật đổ Taliban, cho đến dựng Karzai lên và cả việc tái thiết đất nước này. Đã đến lúc người Afghanistan có quyền đặt câu hỏi sự "giải phóng" và "tự do" mà Mỹ cam kết với họ khi mang quân đến đất nước này là cái gì?
Để giải thích cho việc mang bom chết người và những loại tên lửa hiện đại đến đây, các phương tiện truyền thông phương Tây đã không ngừng lên án sự đối xử tàn tệ với phụ nữ, sự nghèo đói và cùng cực ở Afghanistan. Chính quyền Mỹ khi đó đã vạch ra cách thức "duy nhất" để cải thiện tình hình ở đất nước này là xóa bỏ nạn mù chữ, thúc đẩy quyền của phụ nữ, giúp người dân tiếp cận được với lương thực, y tế, giáo dục một cách dễ dàng hơn, và đặc biệt là mang lại tương lai tươi sáng hơn cho thế hệ trẻ của Afghanistan. Bom đạn và những chính sách của họ có đưa đến những viễn cảnh tốt đẹp này không?
Thực tế 8 năm qua lại rất ảm đạm. Theo một bản báo cáo gần đây của UNICEF, khoảng 22 triệu người Afghanistan, chiếm 70% dân số đang sống trong nghèo khổ và dưới tiêu chuẩn thông thường. 40% trẻ em dưới 3 tuổi bị nhẹ cân và 54% trẻ em dưới 5 tuổi rơi vào tình trạng còi cọc. Hơn 100.000 người, phần lớn và phụ nữ và trẻ em, buộc phải di dời chỗ ở vì xung đột và hạn hán.
Ngược lại với những lời tuyên bố tích cực, người phụ trách công việc nhân đạo của Liên hợp quốc, John Holmes, cho biết tình trạng nhân đạo ở Afghanistan đang tồi tệ đi. Một nghiên cứu do Hiệp hội Y khoa Mỹ tiến hành vài năm trước cho thấy 2/3 số người Afghanistan trên 15 tuổi bị chán nản. Rối loạn tâm lý cũng rất phổ biến, với 41% những người không phải tàn tật có triệu chứng của bệnh này. Còn theo một khảo sát cá nhân, 80% người dân biểu lộ cảm xúc của sự thù hận. Không thể nghi ngờ là con số này sẽ còn tăng nữa khi số người chết vì bom đạn ở đất nước này ngày một tệ thêm.
Không có nhiều trường học và bệnh viện được xây mới. Nghèo đói và mù chữ, vẫn như cũ nếu không muốn nói là tăng thêm. Dân di cư ngày một phình ra và việc cung cấp hàng cứu trợ cho các thị trấn và ngôi làng hẻo lánh ngày một khó khăn.
Sự thật đen tối này có thể được lý giải bằng việc Washington mải tập trung tiêu diệt Taliban, đem lại an ninh cho Afghanistan và tránh một sự kiện 11/9 nữa trên đất Mỹ, mà quên mất những mục tiêu dân sự họ đã đặt ra để mang lại thịnh vượng cho người dân Afghanistan. Song Taliban lại đang hoành hành ngày càng mạnh mẽ. Hơn thế, những hoạt động dùng máy bay không người lái để ném bom ở Afghanistan của Mỹ còn khiến rất nhiều người vô tội phải bỏ mạng, như đã từng có chuyện biến đám cưới thành đám tang, và biến đám tang cá nhân thành đám tang tập thể. Hành động này đã vô tình thổi ngọn lửa thù hận, đẩy những dân thường tiến lại gần hơn với Taliban và đến một ngày họ lại trở thành Taliban trong cái sự "tự do" mà người Mỹ hứa hẹn mang lại cho họ. Chính cố vấn an ninh quốc gia James L.Jones đã từng nói về vấn đề ném bom nhầm mục tiêu như thế này: "Chỉ một vụ tai nạn (đánh bom nhầm) có thể tạo hàng thêm hàng ngàn tên khủng bố..."
Vậy chiến thắng mà Mỹ tung hô 8 năm trước có ý nghĩa gì? Một chính phủ được gọi là "dân chủ" đã được bầu ra và sắp được tái bầu nhưng tình trạng tham nhũng, thuốc phiện, nghèo đói, bất ổn thì vẫn còn nguyên. Một đất nước được gọi là "tự do" đã ra đời, nơi phụ nữ không còn phải che kín mặt mũi thân thể và kẻ cắp không còn bị chặt tay, nhưng một người vô tội rất có thể sẽ trúng bom bởi sự nhầm lẫn của thiết bị hiện đại là máy bay không người lái. LHQ đã phê chuẩn việc Mỹ tấn công Afghanistan nhưng ai sẽ chịu trách nhiệm cho máu và tiền bạc của cả người dân Mỹ và người Afghanistan đã đổ xuống suốt 8 năm qua, để rồi Afghanistan vẫn tiếp tục là một điểm "tối" trên bản đồ thế giới.
-
Hạnh Khuê