221
1601
Bình luận quốc tế
binhluan
/thegioi/binhluan/
1226978
Tại sao Nhật Bản lại trì trệ?
0
Article
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
Tại sao Nhật Bản lại trì trệ?
,

Từ trước đến nay, giới nghiên cứu và truyền thông thường dùng những lý thuyết về kinh tế để lý giải sự thất bại của Nhật Bản trong hai thập kỷ vừa qua. Tuy nhiên, Masaru Tamamoto, nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Chính sách Thế giới ở New York, lại cho rằng gốc rễ sâu xa của vấn đề nằm ở khía cạnh văn hóa. Xin được giới thiệu bài viết của ông trên tạp chí Far Eastern Economic Review để bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn về vị thế và những thách thức mà nước Nhật phải đối mặt trong bối cảnh hiện nay.

 Kỳ I: Nhật Bản - Xã hội thụ động

 Nhìn bề ngoài, Nhật Bản là một đất nước giàu có, tươi đẹp với những con người năng động và luôn nở nụ cười trên môi. Nhưng ẩn sau vẻ ngoài hào nhoáng ấy là những người tự tử, những người ăn bám và những chính trị gia thiếu năng lực. Cơn sóng ngầm trong lòng xã hội Nhật được Tamamoto lý giải bằng một từ duy nhất: Tư duy thụ động.

 Nhật Bản đang đứng trước ngưỡng cửa của sự đổi thay báo hiệu một bước tiến tới sự trưởng thành chính trị. Sau 6 thập kỷ Đảng Dân chủ Tự do nắm quyền, trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới, cử tri Nhật được dự báo là sẽ ủy thác quyền điều hành đất nước cho Đảng Dân chủ đối lập. Mặc dù đây là dấu hiệu chứng tỏ người Nhật đã sẵn sàng cho một cuộc cạnh tranh mở về chính sách quốc gia, điều đáng chú ý là quá trình này đã tốn quá nhiều thời gian. Và còn lâu nữa Nhật Bản mới có thể trở thành một "đất nước bình thường" như lời của chính trị gia đảng đối lập Ichiro Ozawa. Trên nhiều khía cạnh, Nhật vẫn là một quốc gia "non nớt". 

Nhật là một đất nước lạ lùng cả về mặt chính trị và văn hóa. Nhật luôn hài lòng khi được che chở dưới đôi cánh của một vị thần hộ mệnh nước ngoài nào đó. Ở Nhật, các quan chức trưởng thành từ trường đại học Tokyo cứ bình thản cầm quyền mà hiếm khi bị xét nét. Đó cũng là đất nước nơi động lực làm việc bị kìm hãm, và số lượng trẻ em không bao giờ bước chân ra khỏi nhà hoặc không có cơ hội cạnh tranh với các trẻ khác đang tăng lên một cách đáng lo ngại. Hiện nay có một vài dấu hiệu rằng Nhật Bản đang bị buộc phải thay đổi, song sự thay đổi này đến rất chậm. 

Những đứa trẻ lớn sớm 

Để hiểu được căn bệnh kinh niên của xã hội Nhật trong những thập kỷ gần đây, chúng ta cần tìm hiểu về trẻ em Nhật. Người Nhật đã từng rất thích trẻ em, nhưng bây giờ mọi sự đã đổi khác. Một tòa án ở Tokyo vừa yêu cầu đóng cửa một đài phun nước trong công viên vì lý do: tiếng bọn trẻ đùa nghịch ở đó gây ô nhiễm âm thanh. Xã hội Nhật ngày nay đang tước đi của trẻ em những nhu cầu vui chơi tự nhiên. Nhiều công viên đã dựng lên những biển báo "Cấm chơi bóng" với ngôn ngữ và hình minh họa đơn giản, phù hợp với trẻ em. Giáo viên thường nhắc học sinh không được đùa quá ầm ĩ ở sân trường để tránh ảnh hưởng đến khu dân cư xung quanh. Trẻ con không còn được là trẻ con nữa. 

 

Mô tả ảnh.
Trẻ con ở Nhật không còn được là trẻ con nữa. (Ảnh: thefighting44s)

Người Nhật không còn phân biệt giữa việc chuẩn bị cho một đứa trẻ trở thành người lớn và việc biến nó thành người lớn. Một đứa trẻ biết cư xử là đứa ít nói, ngoan ngoãn, biết vâng lời và thụ động. Từ tiếng Nhật để chỉ những phẩm chất này là "otonashii", dạng tính từ của danh từ "người lớn". Thụ động được hiểu là một phẩm chất tiêu biểu của sự trưởng thành. 

Thế giới người lớn luôn cảnh giác với trẻ nhỏ, coi chúng là nguồn gốc của rắc rối. Cho dù đó là nguyên nhân hay kết quả, số lượng trẻ dưới 15 tuổi ở Nhật đã giảm liên tục trong ba thập niên qua. Nhật là một trong những nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, và nếu xu hướng này cứ tiếp diễn, dân số Nhật sẽ giảm từ 130 triệu người xuống còn 95 triệu người trong vòng chưa đầy 50 năm nữa. Với gánh nặng dân số già, an sinh xã hội và y tế đang trở thành một vấn đề nhức nhối chưa có cách giải quyết. Tuy nhiên, nhà chức trách vẫn tỏ ra bình thản. Trong khi đó, số người trưởng thành độc thân sống chung với cha mẹ vẫn đang gia tăng, một phần ba trong số họ ở giữa độ tuổi 20 và 30 ăn bám gia đình. 

Định nghĩa của người Nhật về sự trưởng thành vô cùng đặc biệt: Người trưởng thành là người được xã hội công nhận là thành viên chính thức. Ở các xã hội tự do và mang tính cá nhân cao hơn, trưởng thành nghĩa là tăng cường sự độc lập; còn ở xã hội mang nặng tính cộng đồng như Nhật Bản, điều đó phụ thuộc hoàn toàn vào sự công nhận của xã hội. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng một đứa trẻ rất nhỏ ở Nhật có thể xông vào cứu một người bạn bị bắt nạt, nhưng một đứa trẻ lớn hơn lại có xu hướng "khuất mắt trông coi". Điều này hoàn toàn ngược với quan niệm thông thường: trưởng thành phải đi kèm với sự phát triển của nhận thức về đúng - sai và trách nhiệm xã hội. Tuy nhiên, đứa trẻ lớn trong nghiên cứu này cho rằng mình không phải là nạn nhân của vụ ẩu đả và không can thiệp vì sợ trở thành nạn nhân thứ hai. 

Trốn học được nhiều nước coi là một vấn nạn xã hội, thường xảy ra ở các cộng đồng thiểu số và nghèo. Tuy nhiên, ở nước Nhật hòa bình thịnh vượng này, tình trạng đó lại rất phổ biến. Nạn ăn hiếp là nguyên nhân chính, thậm chí còn gây ra các vụ tự tử. Nhưng thông thường những kẻ ăn hiếp bạn bè lại không bị xử lý. "Ijime" là từ người Nhật dùng để chỉ sự ăn hiếp, song thực ra nó lại mang nghĩa "tẩy chay". Vấn đề này rất khó giải quyết bởi nó nằm ngay trong lòng xã hội Nhật. Ở chốn học đường, hiện tượng giáo viên tham gia vào các vụ tẩy chay không phải là hiếm.

 Tính thụ động là tấm lá chắn bảo vệ trẻ em Nhật khỏi tâm trạng bối rối và buồn bã. Ở Nhật, thụ động không đồng nghĩa với thu mình, mà mang nghĩa ngược lại: nó yêu cầu trẻ nhỏ phải chủ động hòa mình vào xã hội đơn giản chỉ để duy trì "chỗ đứng". Đồng thời, trẻ nhỏ cũng phải có những kỹ năng giao tiếp tinh tế nhằm che giấu xung đột. Thắc mắc bị coi là đặc điểm của trẻ con chứ không phải của một người trưởng thành. 

Với những người coi trọng cá tính và sự khẳng định bản thân, lối sống thụ động gây áp lực rất lớn. Số vụ tự tử ở Nhật Bản ở mức cao trong số các xã hội công nghiệp là một bằng chứng. Số người Nhật không được học hành hay không có việc làm, đặc biệt ở độ tuổi từ 35 đến 44, đang ngày một tăng thêm. Ước tính có khoảng một triệu người tự giam mình trong phòng trong nhiều năm liên tục, người nhà phải để thức ăn cho họ bên ngoài cửa phòng.

 Tất nhiên, phần lớn người Nhật đã biết « tự cô lập » một cách thành công, nếu không thì xã hội Nhật không thể vận hành được. Bí quyết của họ là lòng trung thành và sự hòa nhã. Ngay cả các doanh nghiệp cũng có xu hướng hạn chế tính năng động và tinh thần kinh doanh vì sợ những phẩm cách này có thể gây rối loạn và bất hòa. 

Những cuộc họp bất tận là đặc trưng của đời sống công sở Nhật Bản. Mặc dù các tổ chức hoạt động theo lối quan liêu cực kỳ coi trọng tôn ti trật tự, quá trình ra quyết định lại có xu hướng che giấu bản chất này. Mục đích cuối cùng của các cuộc họp là đạt tới sự đồng thuận của tất cả mọi người về một quyết định nào đó. Vì vậy, một cuộc họp không thể kết thúc cho đến khi tất cả mọi người đều tán thành hoặc ít ra là không thể hiện sự bất đồng. Sau đó, quyết định trở thành ý chí chung của tập thể. Như vậy, vai trò của trách nhiệm trở nên vô cùng mờ nhạt. 

Người Nhật nhìn chung đều được giáo dục và “uốn nắn” để thực hiện tốt vai trò của mình. Vấn đề đặt ra là sự khan hiếm những nhà lãnh đạo có năng lực. Trong hai năm qua, Nhật thay tới ba đời thủ tướng, hai người trong số đó từ chức đột ngột. Thực ra điều này cũng không đáng ngạc nhiên lắm vì văn hóa quan liêu và tính thụ động giống nhau của người Nhật đã ngấm vào máu các thế hệ lãnh đạo hiện nay. 

  • Thanh Trà (theo FEER)

Kỳ 2: Những người độc thân ăn bám

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,