Australia đăng cai Hội nghị thượng đỉnh APEC 15, quy tụ các thành viên Đông Á và phần còn lại của vành đai Thái Bình Dương, trong đó có 3 trong số 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Vậy, chương trình nghị sự lần này là gì?
Giới quan sát nghi ngờ, dù quy tụ được nguyên thủ các cường quốc thế giới nhưng hội nghị có thể ít tạo ra ảnh hưởng lớn đối với thế giới.
Không thể phủ nhận, chương trình nghị sự của APEC ’’bao phủ’’ đều các vấn đề làm thay đổi thế giới. Nhưng, có một thực tế, các vấn đề đó cũng được các tổ chức ’’có độ liên quan’’ hơn bàn thảo. Ví như, các quy định về thương mại toàn cầu được thảo luận tại các cuộc gặp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các cuộc gặp của Công ước Khung về Thay đổi khí hậu bàn về những quy định về một hiệp ước khí hậu mới kế thừa Nghị định thư Kyoto...
Ngoài ra, đơn cử trường hợp nghị định thư Kyoto, dù nghị định thư cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính này được ’’khai sinh’’ ngay tại khu vực, nhưng cho đến nay Mỹ, Australia, Trung Quốc và nhiều thành viên khác vẫn chưa tham gia.
Không ít người cho rằng, APEC phải ’’gánh’’ quá nhiều trách nhiệm, quá nhiều thành viên, quá nhiều các hoạt động, trong khi lại có quá ít nguồn lực để thể hiện sự khác biệt với các ’’tổ chức có liên quan’’ kể trên.
Ở cấp ngoại giao thấp hơn, tức là cấp bộ trưởng trở xuống, mỗi kỳ họp có tới hàng trăm bộ trưởng, hàng chục nghìn quan chức hội họp bàn về hàng chục chủ đề.
Tuy nhiên, vào cuối tuần này (8/9) tại Sydney, nguyên thủ các cường quốc Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Canada, Hàn Quốc, Australia và nhiều thành viên khác sẽ có cơ hội ngồi với nhau bàn về hàng loạt vấn đề nóng bỏng kể trên. Với vai trò quan trọng của mình, các nguyên thủ không nên bỏ lỡ cơ hội để thúc đẩy nỗ lực giải quyết các vấn đề vốn không mấy tiến triển ở cấp độ ngoại giao thấp hơn.
Như vậy, vấn đề thay đổi khí hậu toàn cầu chắc chắn sẽ có tiến triển tích cực nếu như nhận được sự chú ý của Hội nghị thượng đỉnh APEC lần này.
Không có gì phải nghi ngờ, Nhật, Mỹ và Trung Quốc là ’’các nhân vật chính’’ trong hội nghị thượng đỉnh Sydney lần này. Nhưng, việc Ấn Độ, một ’’gã khổng lồ kinh tế đang nổi’’ xin gia nhập APEC cũng tạo sự chú ý. Dù khả năng Ấn Độ được ’’chuẩn y’’ thấp nhưng điều đó cũng thể hiện vị thế của tổ chức và tiềm năng mở rộng sang vành đai Ấn Độ dương là điều hoàn toàn có thể.
Chắn chắn, ông Bush sẽ là đối tượng của các cuộc biểu tình. Tuy nhiên, cần nhớ rằng cả hội nghị APEC sẽ được đảm bảo an ninh cao độ. Dù những người biểu tình có muốn từ chối hoặc yêu cầu tổ chức này hoạt động hiệu quả hơn thì chắc rằng họ vẫn phải thừa nhận APEC mang ý nghĩa quan trọng. Về điểm này, họ đã đúng.
Và, về phần mình, các lãnh đạo APEC cần nâng cao nhận thức về yêu cầu hành động nhanh, mạnh mẽ và kiên quyết.
- Trần Kiên (tổng hợp)