Chắc chắn, bản báo cáo khẳng định lính Mỹ đã làm thất lạc đến 30% số tổng số vũ khí cung cấp cho Iraq đã làm bẽ mặt Lầu Năm Góc nói riêng và Chính quyền Bush nói chung.
>>Mỹ "thất lạc" 30% số vũ khí cung cấp cho Iraq
Người dân Iraq hàng ngày vẫn phải gánh chịu những trận đánh bom xe khiến nhiều người thiệt mạng. |
Khi đất nước Iraq đang rơi vào khủng hoảng, bạo lực, người dân phải hứng chịu cảnh đổ máu hàng ngày và đặc biệt kế hoạch huấn luyện, trang bị cho lực lượng an ninh Iraq nằm trong trọng tâm chiến lược của Mỹ tại nước này thì cái tin trấn động trên không lấy gì làm dễ chịu cho Lầu Năm Góc nói riêng và chính quyền ông Bush nói chung.
Văn phòng kiểm kê chính phủ của Mỹ (GAO) khẳng định, Bộ Quốc phòng Mỹ không thể xác định được điều gì đã xảy ra với 190.000 khẩu súng lục và súng AK-47 dùng để trang bị cho các lực lượng an ninh Iraq trong 3 năm qua. Kể từ năm 2003, Mỹ đã ’’rút hầu bao’’ chi khoảng 19,2 tỉ USD cho lực lượng an ninh Iraq. Trong đó, ít nhất 2,8 tỉ USD phục vụ việc mua và chuyển giao vũ khí cùng các trang thiết bị khác.
Số lượng khí tài ’’thất lạc’’ tại Iraq |
Súng AK-47: 110.000 khẩu Súng lục: 80.000 khẩu Áo chống đạn: 135.000 bộ Mũ sắt: 115.000 |
Chính quyền ông Bush cũng đã quá mất mặt trước thất bại không thể lên kế hoạch bảo vệ hoặc tiêu huỷ các nơi chứa vũ khí tại Iraq sau chiến dịch lật đổ Saddam Hussein hồi tháng 3/2003. Kết quả là, các tay súng nổi dậy đã cướp những kho vũ khí đó. Đây là những nguồn thuốc nổ khổng lồ để lực lượng nổi dậy sử dụng trong các cuộc tấn công khủng bố giết hại thường dân và binh sĩ Chính phủ Iraq và lính Mỹ.
Tuy nhiên, thế vẫn chưa tệ bằng Chính quyền Bush đến nay vẫn không thể tìm ra ’’dấu tích’’ số vũ khí thất lạc của chính nước Mỹ cấp cho Iraq. Các quan chức Mỹ không hề biết đơn vị Iraq nào, số lượng bao nhiêu và khi nào được nhận vũ khí. Và, tệ nhất là tình hình cho đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Ngoài sự thất bại của Lầu Năm Góc, người ta còn đặt câu hỏi về năng lực và độ tin cậy của lực lượng an ninh Iraq. Washington sợ rằng hầu hết số vũ khí bị ’’thất lạc’’ đó tìm đường đến với quân nổi dậy.
Tất nhiên, Lầu Năm Góc đã phải chịu áp lực phải nhanh chóng và sớm hoàn thành chương trình huấn luyện, trang bị cho lực lượng vũ trang Iraq. Đây được đánh giá là chiến dịch trung tâm của Mỹ tại Iraq. Tuy nhiên, bản báo cáo động trời trên đã trao cho những người nghi ngờ về tính hiệu quả của chương trình thêm cơ sở để hoài nghi.
Hơn nữa, liệu Chính quyền Bush còn đủ ’’dũng khí’’ và tự tin khi trình Quốc hội kế hoạch tăng chuyển giao vũ khí và công nghệ quân sự cho Ảrập Xêút, Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE), Kuwait, Qatar, Bahrain, Oman, Ai Cập và Israel? Mất súng đã là một chuyện lớn, nhưng mất mặt mới là điều đáng nói.
- Trần Kiên (tổng hợp)