(VietNamNet) - Đằng sau cuộc đối đầu chính trị giữa các đảng phái trong cuộc tổng tuyển cử ngày 22/7 là một sự đối đầu của hai lối sống, hai cách tư duy, hai văn hoá đang chia rẽ xã hội Thổ Nhĩ Kỳ.
Hôm qua 22/7, cử tri Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành bỏ phiếu trước thời hạn nhằm bầu ra 550 nghị sĩ sau khi cuộc khủng hoảng Hiến pháp hồi tháng 4 không tìm được giải pháp. Kết quả chính thức của cuộc bầu cử đáng lẽ sẽ diễn ra vào tháng 11 tới sẽ chỉ được công bố chính thức vào ngày 27/7 tới. Tuy nhiên, với hơn 80% số phiếu đã được kiểm, đảng Công lý và Phát triển (AKP) của Thủ tướng đương nhiệm Recep Tayyip Erdogan đã giành được đa số ghế tại Nghị viện mới (331/550).
Thủ tướng Erdogan và phu nhân chào đón những người ủng hộ. |
Có tổng cộng 14 đảng phái Thổ Nhĩ Kỳ tham gia tranh cử và hơn 700 ứng cử viên độc lập. Theo luật bầu cử của Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ những đảng đạt trên 10% phiếu bầu trên tổng số gần 45 triệu cử tri mới được quyền tham gia vào Nghị viện. Nếu như năm 2002, đảng Công lý và Phát triển và đảng Cộng hoà Nhân dân (CHP) là những đảng duy nhất giành quyền tham gia Nghị viện, trong kỳ năm nay, ba đảng bao gồm Công bằng và Phát triển, Cộng hoà Nhân dân và Phong trào Quốc gia cực hữu (MHP) được dự báo sẽ thắng cử.
Cuộc khủng hoảng Hiến pháp bùng nổ ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 4 đã buộc nước này phải tiến hành bầu cử Nghị viện sớm hơn luật định 4 tháng. Hồi tháng 4, đảng AKP cầm quyền của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan với đa số tại Nghị viện đã tìm cách bầu Ngoại trưởng Abdullah Gul trở thành Tổng thống nhưng gặp phải sự phản đối quyết liệt từ đảng đối lập CHP. Được sự ủng hộ của quân đội trung thành với truyền thống thế tục, đảng CHP tố cáo Abdullah Gul là người có những tính toán đưa Thổ Nhĩ Kỳ quay trở về với các giá trị Hồi giáo, phản bội lại lý tưởng cộng hoà thế tục của Mustafa Kemal, cha đẻ của nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại. Quan điểm của đảng CHP được sự ủng hộ của đảng MHP khi đó ở ngoài Nghị viện, cho rằng chính phủ hiện nay của Thủ tướng Erdogan là một chính phủ theo chủ nghĩa hồi giáo và thần phục chủ nghĩa đế quốc Mỹ.
Tuy nhiên, đằng sau cuộc đối đầu chính trị giữa các đảng phái lại là một sự đối đầu của hai lối sống, hai cách tư duy, hai văn hoá đang chia rẽ xã hội Thổ Nhĩ Kỳ.
Các nhà xã hội học nghiên cứu về Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng nguồn gốc của cuộc khủng hoảng ở Thổ Nhĩ Kỳ là sự chĩa rẽ về mặt xã hội hơn là chia rẽ về mặt chính trị. Xã hội Thổ Nhĩ Kỳ hiện chia làm hai xu hướng đối lập rõ rệt.
Xu hướng thứ nhất quy tụ đa phần dân chúng của đất nước 72 triệu dân này. Những người đàn ông thuộc xu hướng này thường ra đường trong bộ đồ pyjama, nam thanh niên có thể đến quán cà phê vào bất cứ lúc nào nhưng phụ nữ thì phải trùm khăn choàng và các thiếu nữ phải tuân thủ một loạt những luật lệ nghiêm khắc của truyền thống Hồi giáo. Họ là những người thường bỏ lại giày dép khi bước vào nhà, nghe loại nhạc pha lẫn những âm hưởng dân gian Thổ Nhĩ Kỳ với các giai điệu của truyền thống âm nhạc Arab. Người chồng có thể đi đến nhà hàng để ăn tối nhưng không bao giờ người vợ đi cùng. Tuy họ ít đọc các loại sách vở nhưng bù lại, là những người chăm chỉ đi lễ trong các đền thờ Hồi giáo nhất.
Đối lập với họ là những người sống theo chuẩn mực của phương Tây, con cái họ có thể được gửi đi du học ở Mỹ và châu Âu hoặc ở những trường học của phương Tây nằm trên đất Thổ Nhĩ Kỳ. Họ thường đi nhà hàng hoặc rạp chiếu phim cả gia đình, họ đọc sách, báo kể cả sách báo phương Tây. Họ nghe nhạc pop hoặc nhạc cổ điển. Vợ và con gái của những người này có thể không mang khăn choàng khi ra đường và thậm chí họ còn làm ngơ khi con gái họ mắc phải một vài những điều cấm kỵ của đạo Hồi. Và cho dù họ vẫn là những người Hồi giáo nhưng rất ít khi đến các đền thờ để cầu nguyện.
Sự chia rẽ giữa hai nhóm người này dường như là tuyệt đối từ lối sống đến cách thực hành tôn giáo. Họ gần như chẳng có gì chung ngoài cái tên Thổ Nhĩ Kỳ. Thậm chí giữa họ còn có những nghi kị sâu sắc. Nhóm người thứ nhất đã từng bị gạt ra bên lề của sự tiến bộ trong nhiều thập kỷ nhưng giờ đây họ đã có thể tập hợp xung quanh đảng chính trị AKP và nhờ vào số đông, đảng của họ có thể giành thắng lợi ở bất cứ cuộc bầu cử nào. Vì ít hơn về mặt số lượng nhóm thứ hai luôn hiểu rằng họ khó có thể giành được quyền lực qua các kỳ bầu cử dân chủ.
Và nghịch lý của xã hội Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở chính điểm này. Những người có lối sống đối lập với phương Tây rất nhiệt tình với các cuộc bầu cử và mong muốn thắt chặt quan hệ với thế giới phương Tây vì cho rằng chỉ qua bầu cử dân chủ và chỉ với sự ủng hộ của phương Tây họ mới có thể nắm quyền. Ngược lại, những người sống theo lối sống phương Tây, chấp nhận các giá trị phi Hồi giáo lại thường có thái độ nghi kị châu Âu và Mỹ, không hào hứng với dân chủ và bầu cử vì họ biết rằng dân chủ và bầu cử không phải là con đường đưa họ trở lại với quyền lực.
Trong bối cảnh chia rẽ như vậy, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trở thành trọng tài của xã hội và chính trị. Nhưng trong vai trò này, quân đội cũng phải đối mặt với những nghịch lý. Nếu như quân đội ủng hộ nhóm người thứ nhất, tức ủng hộ dân chủ đa số họ có nguy cơ mất đi quyền lực mà nó vẫn đang nắm giữ cho đến nay. Cho dù xu hướng thứ nhất chiếm đa số trong binh sĩ nhưng quân đội lại lựa chọn ủng hộ xu hướng thứ hai. Đó chính là lý do mà trong cuộc khủng hoảng hồi tháng 4, quân đội đã gây áp lực với Toà lập hiến và Nghị viện nhằm ngăn cản việc ông Abdullah Gul trở thành Tổng thống. Và đó cũng là lý do của cuộc bầu cử Nghị viện trước thời hạn lần này.
Chia rẽ về chính trị, phân hoá về xã hội, bầu cử Nghị viện lần này ở Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ là sự phân định giữa truyền thống, dân chủ với các giá trị thế tục và hiện đại. Nó cũng là liều thuốc thử đối với Thổ Nhĩ Kỳ trước tương lai gia nhập vào EU. Tiếp tục chiếm đa số tại Nghị viện và sẽ phải tìm lời giải cho chức vụ tổng thống đang để trống, đảng AKP của ông Erdogan chắc chắn cũng sẽ phải nỗ lực hàn gắn lại xã hội, trong khi không bỏ rơi các giá trị truyền thống vẫn chấp nhận tính thế tục của quyền lực, chấp nhận luật chơi dân chủ để có thể đưa Thổ Nhĩ Kỳ hội nhập vào EU.
-
Hồng Hà