221
1601
Bình luận quốc tế
binhluan
/thegioi/binhluan/
928404
Bầu cử Tổng thống Pháp: Cuộc đua đến phút cuối cùng
1
Article
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
Bầu cử Tổng thống Pháp: Cuộc đua đến phút cuối cùng
,

(VietNamNet) - Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp đang đi đến hồi kết. Kết quả vòng 1 phản ánh đúng thực tế chính trường nước Pháp: cuộc đấu tay đôi giữa đại diện hai chính đảng lớn nhất: Sarkozy của UMP (Liên minh vì phong trào nhân dân) và Segolene Royal của PS (Đảng Xã hội).

1.jpg
Hai ứng viên cho chức Tổng thống Pháp Sarkozy và Royal .

Những hình ảnh lúc 8h tối ngày 22 tháng 4 mang đầy tâm trạng của người Pháp. Có thể dễ dàng nhận ra sự tiếc nuối của cử tri UDF (Liên minh vì nền dân chủ nước Pháp), sự im lặng đáng sợ tại trụ sở FN (Mặt trận quốc gia) và những dòng người đi về không hò reo, không pháo sáng từ trụ sở của LCD (Liên đoàn những người cách mạng), Verts (Đảng Xanh)… Thất vọng và buồn bã, điều đó chỉ ứng với 45% trong số 85% cử tri Pháp hôm đó, bởi vì 55% còn lại hài lòng về kết quả đó. Cuộc bầu cử cũng như một kỳ thi, có kẻ thắng và người thua. Chiến thắng thường ngọt ngào và thất bại nào cũng đều đắng cay.

Nhưng người thất bại hôm nay có thể chiến thắng vào ngày mai. Điều đó là có thể, vì trong số những người đã bỏ phiếu cho Le Pen, Bayrou, cho Voynet hay Besancon sẽ tiếp tục gửi gắm niềm tin của mình vào ngày 6 tháng 5 này. Lần này, họ không còn phải ngập ngừng trước danh sách dài 12 người. Họ chỉ có 2 người để chọn 1. Như người ta bảo "5 ăn, 5 thua", vì thế cần phải tỉnh táo!

Có gần một nửa cử tri Pháp sẽ rơi vào trường hợp đó. Và vì thế, chiến dịch tranh cử sẽ vẫn tiếp tục, ở một mức độ và nội dung khó khăn hơn: tranh thủ lá phiếu của những người "thất vọng" tại vòng 1. Đó mới là chìa khoá quyết định chủ nhân của điện Elysee sẽ là đàn ông hay phụ nữ!

Và trong lô-gíc của sự tính toán đó, những từ ngữ "đoàn kết, tất cả, tập hợp" trở thành từ khoá của các bài diễn thuyết. Segolene Royal, vài ngày trước đó từ chối không hình thành bất cứ một liên minh nào với Bayrou, bắt đầu hướng đến những cử tri UDF chiếm đến 18%. Nicolas Sarkozy hướng diễn văn của mình đến cả những người cánh tả, kêu gọi "vì quốc gia" chứ không phải "vì phái tả hay hữu". Chênh lệch 5% không đủ đảm bảo một chiến thắng trong tầm tay của Sarkozy và vẫn là ngọn lửa hy vọng cho Segolene Royal tại vòng 2. Cuộc đua luôn quyết liệt cho đến phút cuối cùng.

Cuộc tranh luận truyền hình được mong đợi nhất trong năm nay đã diễn ra vào tối 2/5 lúc 21h30 phút (GMT+2) chứng minh điều đó. Nicolas Sarkozy và Segolene Royal đều hiểu đây là cơ hội lớn nhất để có thể thu hút lá phiếu cử tri của những ứng cử viên vừa thất bại. Đồng thời, người nào tỏ rõ được ưu thế hơn hẳn của mình về kiến thức, về khả năng diễn thuyết và nhất là tính thuyết phục của những lập luận, người đó sẽ có được tính chính thống của người đứng đầu Nhà nước trong tương lai. Hiển nhiên, cuộc tranh luận này đã không diễn ra một cách êm ả như cuộc tranh luận mang tính "hoà hợp" trước đó của Bayrouth và Royal.

Trong suốt 74 phút 20 giây của mình, Royal đã không ít lần chỉ trích và thậm chí đã một lần tuyên bố "Tôi đang tức giận" để phản đối  Sarkozy. Ngược lại, vị cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng không đáp lại bằng một lời khuyên đầy ẩn ý: "Tôi không hề đặt vấn đề về sự thành thật của bà, mong bà cũng không dò hỏi về tính đạo đức của chính sách tôi chủ trương" (liên quan đến vấn đề trẻ em khuyết tật).

Kém hơn nữ đối thủ của mình 2 phút 20 giây, ứng cử viên của UMP cho thấy rõ sự khác biệt về đường lối chính sách của mình. Hầu hết mọi lĩnh vực được đưa ra đều có hai cách giải quyết trái ngược nhau, từ vấn đề thuế, lương hưu, giáo dục cho đến vấn đề gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ, những suy nghĩ về khủng hoảng Darfour. Nhưng sẽ rất khó khăn cho các cử tri vì giải thích chính sách của mỗi ứng cử viên đều có lý lẽ. Để thúc đẩy sự tăng trưởng toàn diện của nước Pháp (tốc độ tăng trưởng năm 2006 là 3,1% theo INSEE), Segolene Royal đề nghị khởi động lại "đối thoại xã hội và đòn bẩy về công nghệ sinh thái", trong khi đó Sarkozy chủ trương "tự do hoá và thúc đẩy lao động".

Về chính sách thuế, Royal đánh giá chế độ  "thuế trần" là không công bằng, trong khi Sarkozy cho rằng điều đó là cần thiết để bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp Pháp trong thời kỳ toàn cầu hoá và cạnh tranh gay gắt. Giáo dục dành cho trẻ em khuyết tât, vấn đề năng lượng hạt nhân, chế độ tiền lương và thậm chí cả liên quan đến an ninh dành cho nữ cảnh sát, hai ứng cử viên đều thể hiện rõ đường lối chính trị của mình.

Tả như Royal thiên về một chính sách dành cho mọi người, dành cho mọi tầng lớp và tương xứng như nhau, hữu của Sarkozy thiên về một chủ trương khuyến khích tự lực của mỗi cá nhân, chấp nhận khoảng cách để tạo ra động lực. Tuy nhiên, về các vấn đề quốc tế, có thể nhận thấy một sự tương đồng giữa hai ứng cử viên: đồng ý gây áp lực với Iran, không chủ trương (ít nhất là thời điểm hiện tại theo như lời Royal) việc gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ vào EU và cần có áp lực lên Xu-đăng liên quan đến khủng hoảng Darfour. Rõ ràng, hai ứng cử viên đều tập trung dựng nên hình ảnh của mình khi tập trung nhiều vào các vấn đề đối nội. Điều đó tác động trực tiếp và rõ ràng đến lá phiếu của cử tri.

Cuộc tranh luận truyền hình đêm qua chắc chắn là một trong những chìa khoá quyết định người về đích ở điện Elysee vào Chủ nhật tuần này. Tuy nhiên, như cả hai thừa nhận, đây là một cuộc tranh luận mở, rộng rãi để các cử tri có sự lựa chọn sáng suốt. Vì thế, rất khó để có thể nói rằng tỷ lệ ủng hộ của các cử tri sẽ có những thay đổi nào thật sự đáng kể trước một cuộc tranh luận khá cân tài cân sức giữa hai bên.

Hiện tại, dựa theo một phép tính cộng đơn thuần thì cơ hội nhỉnh hơn cho vị chủ tịch UMP. Nếu những cử tri cánh tả của Voynet, Besancenot, Buffet, Schivardi, Laguiller, Bove tập hợp phiếu cho Segolene Royal, và những người cực hữu của Mặt trận Quốc gia và phe bảo hoàng của Villiers ủng hộ Sarkozy, cộng với một sự chia phiếu trong những người trung dung của UDF thì Sarkozy sẽ có thể đảm bảo chiến thắng.

Nhưng chính trị luôn có những thay đổi bất ngờ vào phút cuối. Le Pen tuyên bố vào năm 1988 là không thể để cho ứng cử viên cánh tả Francois Mitterand có một phiếu nào của Mặt trận Quốc gia, thì các nhà quan sát ghi nhận đã có một số lượng lớn thành viên FN bầu cho vị Tổng thống vào đợt bầu cử đó. Ngày 1 tháng 5 vừa qua, nhân cuộc tuần hành tưởng nhớ thánh Jeanne d’Arc, Le Pen đã kêu gọi các người ủng hộ "không đi bỏ phiếu, không Sarkozy, không Segolene". Mặc dù có một số lượng lớn phiếu của Le Pen đã được Sarkozy thu thập nhờ vào một số quan điểm khá cứng rắn về bản sắc quốc gia và vấn đề nhập cư, lời tuyên bố này của Le Pen chắc chắn sẽ là một khó khăn cho Sarkozy hơn là cho Segolene Royal.

Nhưng đồng thời, cuộc tranh luận giữa ứng cử viên PS và ứng cử viên UDF cũng không mang lại nhiều lạc quan cho Segolene Royal. Chỉ có 52% cử tri của PS ủng hộ cuộc đối thoại, trong khi có đến 67% thành viên của UDF vẫn tỏ ra hoài nghi trước một "thủ thuật chính trị", chứ không phải là một sự hoà hợp chính sách như Segolene và Francois nói đến. Và chỉ có khoảng 37% cử tri UDF tỏ dấu hiệu sẽ ủng hộ nữ ứng cử viên đầu tiên của vòng 2 bầu cử Tổng thống Pháp. Việc xích lại gần nhau giữa ứng cử viên PS với các cử tri UDF chủ yếu dựa vào lực lượng thiên tả trong các thành viên trung dung của UDF, trong khi đó, đại đa số các nhà lãnh đạo của UDF đã lên tiếng ủng hộ Sarkozy.

Từ những diễn biến như vậy, cuộc bầu cử Tổng thống năm 2007 trở nên hấp dẫn hơn. Không chỉ vì một số lượng cử tri kỷ lục tại vòng 1, không phải vì lần đầu tiên có một người phụ nữ. Với hai ứng cử viên tương ứng về trình độ, kinh nghiệm và cả bản lĩnh chính trị ; với hai đường lối tranh cử khác nhau khá rõ ràng, cuộc bầu cử lần này sẽ cho thấy rõ thái độ chính trị của người dân Pháp. Điều đó sẽ đánh dấu một sự bắt đầu của luồng gió mới "tập hợp, đoàn kết" vì "quốc gia" hay sẽ tiếp tục quá trình sự chia nhỏ của nền chính trị Pháp.

Một nước Pháp mới, đoàn kết, thịnh vượng hay một nước Pháp tiếp tục là gánh nặng xã hội và bất ổn, tất cả sẽ được hé mở vào 8h tối ngày 6 tháng 5 này.

  • Thường Sơn Hoàng Vũ (từ Pháp)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,