Các vụ xả súng giết người hàng loạt đã trở thành một phần của đời sống Mỹ trong vài thập niên trở lại đây và những vụ kinh hoàng nhất gợi lên trong trí nhớ của nhiều người chỉ với vỏn vẹn một hoặc hai từ: Luby’s. Jonesboro. Columbine.
Và hôm nay là Virginia Tech.
Sát thủ Cho Seng-Hui. |
> Sùng kính quyền sở hữu vũ khí: Gậy ông đập lưng ông
Kể từ ngày 1/8/1966, khi Charles Whitman leo lên toà tháp 27 tầng ở khuôn viên Đại học Texas rồi bắt đầu bắn tỉa từng người, ít nhất 100 người Mỹ đã phải bỏ mạng trong các vụ nổ súng.
Và trong suốt những năm ấy, cùng một loạt câu hỏi giống nhau được đặt ra là: Điều gì về nước Mỹ thời hiện đại đã tạo nên những hành động bạo lực tuỳ tiện như vậy? Đó có phải là sự suy giảm đạo đức truyền thống? Bắt chước bạo lực trong ngành giải trí? Sẵn có hoả lực gây chết người?
Nhà tội phạm học James Alan Fox của trường Đại học Northeastern quy kết súng, ít nhất, là một phần gây thảm hoạ. Ông nêu 7 trong số 8 vụ xả súng đẫm máu nhất xảy ra trong vòng 25 năm qua.
"Tôi biết rằng trước kia cũng có các loại súng công lực lớn. Nhưng các vũ khí này ngày càng phổ biến hơn nhiều".
Australia từng đối mặt với làn sóng bắn giết nơi công cộng những năm 1980 và 1990, đỉnh điểm là năm 1996 khi Martin Bryant nã đạn vào Khu vực Lịch sử Port Arthur bằng khẩu súng trường AR-15, giết chết 35 người.
Trong vòng 2 tuần, chính phủ nước này đã áp dụng các luật kiểm soát súng chặt chẽ hơn, bao gồm một lệnh cấm súng trường bán tự động. Và kể từ khi ấy đến nay, không có một vụ nổ súng nào ở Australia nữa.
Tuy nhiên, Grant Duwe, nhà nghiên cứu tội phạm thuộc Ban Cải tạo tiểu bang Minnesota, lại cho rằng việc sẵn có súng không phải là một yếu tố trong nghiên cứu thống kê chi tiết của ông về giết người hàng loạt trong thế kỷ 20.
Duwe phát hiện sự lan tràn các vụ giết người hàng loạt – tức là giết từ 4 người trở lên trong khoảng thời gian 24 tiếng đồng hồ - có xu hướng phản ánh tình trạng phổ biến của kẻ gây án trên tổng thể.
Thực tế, Duwe thấy rằng giết người hàng loạt là một hiện tượng phổ biến trong những năm 1920 và 1930 giống như ngày nay. Sự khác biệt là thời đó, kẻ gây án thường là những người nông dân thất bại giết gia đình mình rồi tự sát bởi vì không thể lo cái ăn cái mặc cho người thân. Hành động này phản ảnh sự tuyệt vọng và khốn cùng.
Ngày 29/12/1929, một nông dân nghèo 56 tuổi ở Vernon, Texas, tên là J.H. Haggard đã bắn chết 5 đứa con tuổi từ 6 tới 18 ngay trên giường khi chúng đang ngủ. Sau đó, thủ phạm tự sát.
Cảnh sát đưa một nạn nhân vụ thảm sát ở ĐH Công nghệ Virginia ra xe cứu thương |
Những người đàn ông tuyệt vọng ngày nay vẫn giết các thành viên trong gia đình họ. Tuy nhiên, trường hợp những kẻ giết người nơi công cộng như Seung-Hui Cho, sinh viên Đại học Công nghệ Virginia, lại khác.
Họ tức giận hơn và có xu hướng quy kết xã hội là nguyên nhân thất bại của mình, đôi khi lựa chọn các thành viên trong một nhóm kinh tế xã hội hoặc thiểu số.
"Đó là lỗi của xã hội... xã hội đã khinh bỉ tôi", Kimveer Gill viết trong Blog của hắn một ngày trước khi bắn chết 6 người và bắn bị thương 19 người khác ở Montreal năm ngoái.
Trong những cuốn video và bài viết để lại, kẻ sát nhân Cho nguyền rủa các sinh viên được ưu tiên cùng hành vi của họ. Hắn còn gọi Columbine, Dylan Klebold và Eric Harris là "những người tử vì đạo".
Không còn nghi ngờ gì nữa, sự bắt chước cũng góp phần vào các vụ giết người hàng loạt – theo quan điểm của Daniel A. Cohen, nhà sử học tại Đại học Case Western Reserve ở Cleveland.
"Một số loại hình tội phạm nhất định có sự cộng hưởng về văn hoá trong các khoảng thời gian nhất định", sử gia Cohen nhận xét.
Có nhiều nhân viên bưu điện đã bắn chết đồng nghiệp của họ trong những năm 1980 và đầu thập niên 1990 đến nỗi chúng phát sinh ra một từ mới.
Vụ giết người trong bưu điện gần đây nhất là tháng 1/2006 khi Jennifer San Marco, một cựu nhân viên từng bị sa thải vài năm trước vì tâm thần, đã bước vào một khu vực phân loại thư ở Goleta, California, và giết chết 6 người bằng súng lục.
Chuyên gia tội phạm học Fox suy xét rằng các vụ giết người ở nơi công sở, hay các vụ giết người nơi công cộng nói chung, ngày càng phổ biến có thể là một phần của sự giảm bớt an sinh xã hội và gia tăng bất bình đẳng. Nước Mỹ dành cho người chiến thắng một phần của cải cùng sự tôn trọng bất hợp lý và đẩy người thất bại vào chất ngất những tủi hổ.
Đông đảo người dân tưởng niệm các nạn nhân tại ĐH Công nghệ Virginia. |
"Chúng ta giễu cợt họ. Chúng ta cười nhạo họ", ông Fox nói.
Tuy nhiên, cũng có một sự suy mòn về cộng đồng ở Mỹ trong vòng nửa thế kỷ qua, và nhiều học giả tin rằng yếu tố này góp phần làm gia tăng các vụ giết người hàng loạt.
"Một người sẽ nghĩ rằng có thành phần mới nào đó bị xa lánh hoặc cô lập", Jeffrey S. Adler, một giáo sư về sử học và tội phạm học tại Đại học Florida, nói.
Mọi người từng sống trong mối liên hệ gần gũi hơn với gia đình và tham gia nhiều vào các hoạt động của công dân và của tôn giáo. Họ ít có khả năng sẽ chuyển từ vùng này sang miền khác để tự thấy mình lạ lẫm trong một môi trường lạ.
Nhưng ngay cả như vậy thì một nước Mỹ xưa kia cũng không hoàn toàn miễn nhiễm. Ngày 6/3/1915, thương gia Monroe Phillips, sống ở Brunswick, Ga., 12 năm, đã giết chết 6 người và làm bị thương 32 người khác trước khi bị một luật sư địa phương bắn chết. Vũ khí của Phillips: một khẩu súng săn tự động.
Rút cục, thật khó có thể quy kết bất cứ nhân tố nào chịu trách nhiệm trước sự gia tăng của các vụ giết người hàng loạt. Các tội ác chỉ giải thích được một phần nhỏ của kẻ giết người.
Và phần lớn những kẻ gây án, trong đó có Cho, hoặc là tự sát hoặc bị cảnh sát bắn chết trước khi có thể bị các nhà điều tra thẩm vấn.
-
Thanh Hảo (Theo AP)