Mối quan hệ phức tạp, nhiều chông gai giữa Nhật Bản và Trung Quốc trong nhiều năm qua có thể được gói gọn trong cụm từ ’’chính trị - băng giá; kinh tế - nóng bỏng’’.
Kinh tế cứu chính trị?
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm Bắc Kinh tháng 10 năm ngoái.
Trong 4 năm qua, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước tăng gấp đôi, xuất khẩu máy móc và hoá chất sang Trung Quốc giúp Nhật thoát khỏi cuộc suy thoái.
Tuy nhiên, giữa hai chính phủ, hai dân tộc hầu như không tồn tại ’’thiện cảm’’ dành cho nhau.
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi, vẫn cương quyết nhiều lần thăm đền tử sĩ Yasukuni. Ngôi đền này thờ chủ yếu những tử sĩ bị buộc tội ác chiến tranh vì liên quan đến các vụ thảm sát người Trung Quốc trong thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ II.
Đáp lại, sinh viên Trung Quốc đã phát động hàng loạt cuộc tuần hành chống Nhật năm 2005, và các nhà lãnh đạo Bắc Kinh từ chối gặp ông Koizumi.
Nhưng, tuần này có nhiều khả năng sẽ được chứng kiến sự tan băng trong mối quan hệ hai nước. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo sẽ có chuyến thăm Tokyo từ 11-13/4. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Trung Quốc tới Nhật trong 7 năm qua.
Trong chuyến thăm lịch sử này, ông Ôn Gia Bảo sẽ có bài phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản, đây là việc làm chưa từng thấy đối với một nhà lãnh đạo Trung Quốc trong suốt hơn 20 năm qua.
Trước đó, chỉ 2 tuần sau lễ nhậm chức, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 10 năm ngoái.
Cả hai chuyến thăm cho thấy hai ’’gã khổng lồ’’ châu Á này có cùng chung một quan điểm rằng, những khúc mắc quá khứ không nên để cản trở đến mối quan hệ kinh tế đang ngày một phát triển.
Bước chuyển đó mang ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế thế giới, bởi lẽ cả hai quốc gia Trung Quốc, Nhật Bản đều giữ vai trò chủ đạo trên thế giới.
Các mặt hàng giá rẻ của Trung Quốc giờ đây đã trở nên ngày càng thiết yếu cho hầu hết các nước công nghiệp tiên tiến. Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, được coi là một tiềm năng lớn về nhu cầu hàng tiêu dùng khi nền kinh tế này dần dần tăng trưởng sau một thập kỷ suy thoái. Mỗi quốc gia đều có lợi từ thương mại và đầu tư khi làm ăn với nhau.
Rõ ràng, nếu không có việc chắp lại mối quan hệ giữa hai nước như vậy, sẽ còn tồn tại nhiều xích mích giữa Nhật Bản và Trung Quốc, dù cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu nào về nguy cơ xung đột quân sự giữa hai nước.
Mối quan hệ phức tạp
• Tình hình: Sau nhiều năm căng thẳng, Trung Quốc và Nhật Bản đang cố gắng hàn gắn. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo sẽ có chuyến thăm Tokyo từ 11-13/4. • Thách thức: Cả hai nước muốn không để sự nghi ngờ lẫn nhau cản trở đến mối quan hệ thương mại và tránh không để xảy ra những cuộc xung đột nghiêm trọng trong tương lai. • Tiếp theo: Các sáng kiến, ví như Nhật Bản hỗ trợ Trung Quốc tiếc kiệm năng lượng, chứng minh những lợi ích của hợp tác. |
Các diễn biến xây dựng lực lượng vũ trang ngày càng gia tăng đồng nghĩa bất kỳ một cuộc xung đột nào cũng sẽ rất khủng khiếp.
Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng gần 18%, lên tới 45 tỷ USD trong năm nay. Trong khi đó, Nhật Bản cũng đang tập trung vào nâng cấp khả năng phòng thủ của mình.
Các xung đột có thể xảy ra giữa hai nước có thể bắt nguồn từ việc tranh chấp lãnh hải trên biển Đông Trung Hoa, nơi có nhiều trữ lượng khí thiên nhiên.
Nhật Bản, cũng giống như Mỹ, phản đối bất kỳ hành động thống nhất Đài Loan nào bằng vũ lực. Đối với Trung Quốc, Đài Loan là một bộ phận không thể tách rời của Trung Quốc.
Tokyo gia tăng các biện pháp cấm vận thương mại với Bình Nhưỡng - một đồng minh của Bắc Kinh.
Những nỗ lực phá băng
Thủ tướng Abe coi việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc là chủ đề chính trong nhiệm kỳ của mình. Trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi năm ngoái, ông Shinzo Abe và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã cùng hứa sẽ xây dựng mối quan hệ chiến lược vì lợi ích chung.
Về phần mình, Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng ’’cải thiện’’ hình ảnh của Nhật Bản trước công chúng. Trước đây, kênh truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) thường phát những vở kịch nói về tội ác của lính Nhật trong thời kỳ chiến tranh thế giới lần II. Nhưng kể từ khi Thủ tướng Nhật Bản Abe tới thăm Bắc Kinh, CCTV bắt đầu phát những nội dung thân thiện hơn với Nhật Bản.
Mục tiêu của lãnh đạo hai nước trong tuần này là giảm căng thẳng hơn nữa và được chứng kiến hai chính phủ hợp tác hữu ích với nhau. Một mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước sẽ góp phần thúc đẩy các mối quan hệ thương mại khác. Khi mối quan hệ kinh tế ngày một ’’bện chặt’’, mối quan hệ ngoại giao cần cải thiện tương ứng. Và hy vọng chuyến đi lần này tới Tokyo của Thủ tướng Ôn Gia bảo sẽ làm tan băng mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
- Trần Kiên (theo WSJ)