(VietNamNet) - Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF đang diễn ra ở Davos bàn về một thế giới phẳng với sự chuyển dịch cán cân quyền lực toàn cầu nhưng cũng có một thế giới không phẳng và một thế giới khác được luận bàn.
Thế giới phẳng!
Toàn cầu hoá kinh tế thế giới giờ đây dường như đã biến thế giới thành một “ngôi làng toàn cầu” hay “môt thế giới toàn cầu” như tinh thần và khẩu hiệu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos trong nhiều năm qua.
Năm nay, “thế giới phẳng” như tiêu đề cuốn sách ăn khách của nhà báo Mỹ T. Friedmann lại trở thành ngôn từ, và tinh thần chính của Diễn đàn Davos lần thứ 36. Ngay trong bài diễn văn khai mạc hôm qua, ông Klaus Schwab, người sáng lập ra Diễn đàn, đã không ngần ngại viện dẫn ý tưởng này của nhà báo Mỹ bằng việc nhấn mạnh rằng “quyền lực đang dịch chuyển từ trung tâm ra ngoại vi và từ đỉnh chóp xuống dưới thấp”. Có nhiều ví dụ trong bài diễn văn khai mạc được nêu ra nhằm minh hoạ cho “thế giới phẳng” mà ông Schwab nói đến.
Trên thế giới hiện nay có tới hai tỷ người đang sử dụng thường xuyên mạng kết nối toàn cầu Internet. Trung Quốc giờ đây có nhiều người truy cập mạng Internet hơn cả Mỹ, nơi xuất phát của mạng toàn cầu này. Các sòng bạc ở Macao đang trở nên hấp dẫn hơn cả những sòng bạc ở Las Vegas.
Rất nhiều người ủng hộ cho giả thuyết về một “thế giới phẳng” đã chỉ ra những sút giảm trong sức thu hút của Silicon Valley và trong bối cảnh đó thì Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và sắp tới là Việt Nam sẽ là những địa chỉ mới nổi lên cùng với sức mạnh kinh tế đang không ngừng lớn mạnh trên trường quốc tế.
Trong “thế giới phẳng” đó, quyền lực sẽ không còn được phân bổ theo chiều dọc nữa. Theo ông Schwab, quyền lực giờ đây sẽ vận hành theo chiều ngang, đồng đều trên mặt một thế giới giờ đã phẳng, mở ra cơ hội cho mọi quốc gia, mọi doanh nghiệp và mọi người.
Và cái “thế giới phẳng” như trong lý thuyết của T. Friedmann được giáo sư Schwab lấy làm ý tưởng cho Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos năm nay còn thể hiện ngay trong cách mà diễn đàn được tổ chức.
Sẽ không có các khách mời là các siêu sao đến từ Hollywood, không có những màn chào đón hoành tránh dành cho khách mời. Nhưng Diễn đàn Davos vẫn có sự hiện diện của khoảng 2500 khách mời là những nhân vật nổi tiếng của toàn thế giới, trong đó có khoảng 20 nguyên thủ quốc gia, 85 bộ trưởng và hơn 800 các nhà lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu thế giới.
Thế giới thu nhỏ ở Davos sẽ phẳng, phẳng trong cách mà các nhà quyết sách chính trị, những người thường được coi là “đứng ở trên cao” sẽ và sẽ phải trực tiếp thuyết phục các khách hàng của họ, với các cổ đông, các nhà đầu tư, nhà tài chính... tức những tác nhân mới không thể thiếu trong một “thế giới phẳng”. Quyền lực của họ và giữa họ sẽ được đặt trên cùng một mặt phẳng.
Toàn cảnh Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos 2007. |
Thế giới không phẳng
Cũng tại Davos năm nay, một trong những điểm nóng toàn cầu trong những năm gần đây sẽ là chủ đề của các thảo luận. Iraq và các vấn đề của nó sẽ có được một bàn tròn thảo luận quy tụ các Phó Tổng thống Iraq Adel Abdel-Mahdi và Tarek al-Hachimi và Phó Thủ tướng Barham Salih.
Với mong muốn đưa Iraq thoát ra khỏi khủng hoảng, hỗn loạn và bạo lực, đưa đất nước là một trong những quốc gia hiếm hoi được thiên nhiên ưu đãi nhất hành tinh bước vào “thế giới phẳng” toàn cầu, bài diễn văn của ông Adel Abdel-Mahdi chông chênh dao động giữa một chút lạc quan khiên cưỡng và rất nhiều những thất bại khách quan diễn ra ở đất nước này kể từ 2003. “Vào thời điểm đó, chúng tôi lạc quan 100% , giờ đây tình thế đã hoàn toàn đảo lộn”, ông nói.
Nhân danh người dân và Chính phủ Iraq, ông thừa nhận trách nhiệm của chính quyền và cho rằng chính sự thiếu kinh nghiệm, sự phân bổ quyền lực theo các phe phái tôn giáo và sắc tộc đã làm trầm trọng thêm tình hình ở nơi giờ đây có thể được coi là một “vùng lõm” trong một thế giới đang ngày càng phẳng.
Nhưng để Iraq trở thành “vùng lõm” không chỉ có các nhân tố nội sinh, theo Phó Tổng thống Iraq, đó trước hết là do những sai lầm của người Mỹ, từ quyết định phát động cuộc chiến mà không có kế hoạch chính trị ổn thoả cho thời kỳ hậu chiến đến việc kéo dài không thời hạn việc chiếm đóng của lính Mỹ ở Iraq.
Môi trường khu vực xung quanh Iraq cũng là một yếu tố làm cho tình hình ở Iraq trở nên khó khăn hơn. Điều rõ ràng không có gì đáng ngạc nhiên khi mà người ta có thể chỉ ra rằng cả khu vực Trung Đông hiện nay đang là một “vùng lõm” chứ không riêng gì Iraq. “Vùng lõm” Trung Đông không chỉ là do đó là nơi người ta đã hút đi nhiều dầu lửa nhất thế giới mà đó còn là nơi đang tập trung nhiều ngòi nổ khủng hoảng nhất của cái thế giới chính trị và quân sự nếu người ta tách thế giới đó ra khỏi thế giới kinh tế phẳng của T. Friedmann.
Ba cuộc nội chiến đang rình rập, ở Iraq, Lebanon và Palestin. Thêm vào đó là cuộc khủng hoảng hạt nhân và ngoại giao ở Iraq đang có nguy cơ đẩy Trung Đông vào một xung đột quân sự mới với sự can dự trực tiếp hoặc gián tiếp của Mỹ và đồng minh Israel. Chính vì những lý dó đó, để đưa Iraq thoát ra khỏi “vùng lõm”, ông Abdel-Mahdi đề xuất ý tưởng về một bàn tròn thảo luận quy tụ các láng giềng của Iraq, bao gồm cả Iran và Syria nhằm có được “một cái nhìn toàn diện về khu vực”.
Và một thế giới khác
Diễn ra ngay trước Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos 2007 năm nay là Diễn đàn Xã hội thế giới lần thứ 7 tại Nairobi, Nigeria. Không thu hút được nhiều sự chú ý như Diễn đàn Davos và như mọi năm, Diễn đàn Xã hội thế giới năm nay lần đầu tiên diễn ra ở châu Phi, châu lục dường như đang bị bỏ lại sau trong cuộc đua hướng tới thế giới phẳng về kinh tế, sau hơn 400 năm hội nhập không thành công vào thế giới hiện đại.
Hơn 57000 người đến từ khắp nơi trên thế giới và chủ yếu ở châu Phi đã tham gia vào các hoạt động của Diễn đàn kéo dài từ 20 đến 25 tháng 1 với khẩu hiệu “Một thế giới khác là có thể”. Khởi đầu từ ý tưởng về một thế giới khác, một thế giới công bằng hơn tại Diễn đàn Porto Alegre năm 2000, Diễn đàn Xã hội Thế giới đã trải qua 7 lần họp mặt và đã trở thành một diễn đàn đối trọng với Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos diễn ra hàng năm.
Trong khi ở Davos lập luận về một “thế giới phẳng” đang là chủ lưu thì báo chí thế giới và các diễn đàn thảo luận tại Nairobi, Nhật báo Ấn Độ Deccan Herald bình luận Diễn đàn Davos diễn ra trong lúc “những khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng đang ngày càng đào sâu. Số những người chiến thắng trong toàn cầu hoá chỉ có hạn. Trong khi đó phần lớn còn lại là những người đang ngày đêm phải chịu đựng trong cảnh bần hàn và điều này đang diễn ra ở tất cả các nước”.
“Thế giới phẳng” có thể đã và đang là hiện thực ở nhiều nơi, ở trong ngôn từ hay cách hành xử ở nhiều lĩnh vực. Nhưng với những gì đang diễn ra tại Trung Đông, châu Phi, với những gì mà người dân các nước đang phát triển và chậm phát triển đang phải ngày đêm đối mặt, với những gì mà tại Diễn đàn Xã hội thế giới lần thứ 7 đã được đặt lên bàn thảo luận, người ta đang tự đặt ra câu hỏi liệu có còn những “vùng lõm” trong cái “thế giới phẳng” đó? Hay đúng hơn là có một “thế giới phẳng” cho những người này và những “thế giới không phẳng” cho những người còn lại trong nhân loại hơn 6 tỷ người của Trái đất.
-
Hồng Hà