Lần này tiếng dương cầm của bà ngoại trưởng Mỹ khó lòng là giai điệu chính cho bản concert khi mà mỗi nhạc công đang bận bịu với nhưng tính toán của riêng mình.
>>Toàn cảnh vụ CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân lần đầu tiên
Ngoại trưởng Mỹ Rice. |
Cuối tuần trước Ngoại trưởng Mỹ Condolezza Rice đã có chuyến công du 4 nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga trong một nỗ lực nhằm tìm kiếm sự đồng thuận trong việc thực thi nghị quyết 1718 HĐBA LHQ áp đặt lệnh trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên sau khi nước này tiến hành thử hạt nhân.
Tuy nhiên việc HĐBA LHQ đạt được một sự nhất trí hoàn toàn trong việc ra nghị quyết 1718 lại không đồng nghĩa với việc tất cả các nước có liên quan có một cách diễn giải chung về các biện pháp sẽ được áp dụng. Nhiệm vụ của bà Rice sẽ rất khó khăn và giới quan sát đang chờ đợi liệu tiếng dương cầm của bà có thể cất cao làm chủ đạo cho một bản hòa tấu giữa các cường quốc (concert of powers) trong vấn đề hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên.
Tờ Chritian Science Monitor cho rằng những trừng phạt do HĐBA áp đặt chống lại CHDCND Triều Tiên đáng được hoan nghênh ở chỗ nó được thông qua bởi sự đồng thuận của tất cả các cường quốc có liên quan. Tuy nhiên, trên thực tế, các nước lớn và có liên quan trong khu vực vẫn bất đồng về việc áp dụng nghị quyết vào thực tế bởi những tính toán lợi ích của riêng mình.
Trong khi Mỹ đề nghị một kế hoạch thành lập lực lượng hải quân đa quốc gia hoạt động tại các vùng biển bao quanh bán đảo Triều Tiên trong khuôn khổ Sáng kiến ngăn chặn phổ biến vũ khí (PSI) ra đời năm 2003 nhằm đối phó với việc một số quốc gia bán hoặc chuyển giao vũ khí hoặc công nghệ sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt ra thế giới và đặc biệt là cho các lực lượng khủng bố quốc tế, Trung Quốc lại tuyên bố phản đối mọi biện pháp kiểm soát mang tính chất quân sự nhằm vào các tàu bè bị tình nghi trên vùng biển CHDCND Triều Tiên.
Trước khi lên đường sang Nhật Bản bắt đầu chuyến công du của mình, bà Rice khẳng định “mỗi nước trong khu vực phải chia xẻ gánh nặng cũng như những lợi ích của nền an ninh chung của chúng ta” và kêu gọi các nước đối tác “cô lập một cách tập thể” chính thể của Kim Jong il, một sự cô lập sẽ dẫn đến sự sụp đổ của chính thể đã được Mỹ xếp vào danh sách những ''nhà nước cứng đầu''.
Một nhiệm vụ khác của bà Rice là đảm bảo sẽ không có một cuộc chạy đua hạt nhân hoá trong khu vực bắt đầu từ những đồng mình gần gũi nhất của Mỹ tại khu vực bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và có thể cả Đài Loan.
Tuy nhiên giới quan sát lo ngại rằng trong việc giải quyết khủng hoảng ở bán đảo Triều Tiên, cũng như trong nhiều vụ việc khác, việc Mỹ đã thực hiện một chiến lược không nhất quán sẽ không làm cho nhiệm vụ của bà Rice trở nên dễ dàng hơn. Trong khi cổ vũ và sử dụng con bài dân chủ trên thế giới Mỹ lại có thái độ tiêu cực trước những biểu hiện của dân chủ ở Ai Cập, Palestine, Venezuela hay Iran. Nếu như Mỹ đã đàm phán với Libia và thậm chí ủng hộ chính phủ ở Sudan thì Mỹ lại cương quyết không đàm phán trực tiếp với Iran và CHDCND Triều Tiên.
Nếu như sau chuyến thăm của bà Rice, Mỹ và Nhật đã cam kết sẽ cùng hành động để nhanh chóng thực hiện một cách hiệu quả các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế đối với Bình Nhưỡng. Mỹ và Nhật Bản đang xem xét khả năng ngăn chặn khám xét tàu bè của CHDCND Triều Tiên tình nghi vi phạm lệnh cấm vận. Tokyo sẵn sàng hỗ trợ về mặt hậu cần cho các hoạt động của tàu chiến Mỹ. Chuyến thăm của bà Rice lại không đủ để thuyết phục Nhật Bản về sự đảm bảo an ninh của Mỹ đối với Tokyo cho dù trong các tuyên bố phía Mỹ đã nhắc lại nghĩa vụ của Mỹ đối với đồng minh thân cận này.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, với bản Hiến pháp hòa bình do Mỹ áp đặt, Nhật Bản theo đuổi chính sách 3 không trong lĩnh vực hạt nhân: không sở hữu, không sản suất và không tàng trữ vũ khí hạt nhân. Với cuộc khủng hoảng này, Nhật Bản cho rằng việc CHDCND Triều Tiên có vũ khí hạt nhân (hay không có) làm cho Nhật Bản rơi vào tầm ngắm ưu tiên của các loại vũ khí huỷ diệt. Nhật là ''kẻ thù lý tưởng'' của CHDCND Triều Tiên vì họ là nước đã chiếm đóng đất nước phía Bắc bán đảo Triều Tiên này, là đồng minh của Mỹ, kẻ thù số một của chế độ ở Bình Nhưỡng. Đồng thời Tokyo cũng có lợi ích trong việc để cho cuộc khủng hoảng lên cao trào và tác động đến tình hình chính trị nội bộ. Chính ông Shinzo Abe trước khi lên nắm quyền đã khẳng định mong muốn đưa nước Nhật trở thành quốc gia bình thường và thậm chí là một Nhật Bản hùng mạnh. Giờ đây ông lại có thêm con bài để có thể thúc đẩy những thảo luận xung quanh việc sửa đổi Hiến pháp và xây dựng năng lực tấn công cho lực lượng quân đội Nhật Bản vốn hạn chế ở nhiệm vụ phòng vệ.
Với Hàn Quốc, từ nay người Hàn Quốc sẽ phải làm quen với việc sống trong tầm bắn của tên lửa có khả năng mang đầu đạt hạt nhân hoặc ít ra là có khả năng gây ra những cơn mưa phóng xạ và vì vậy sẽ phải tìm cách tăng cường khả năng quân sự của mình. Hệ quả là cả hai bên Triều tiên sẽ tăng cường ngân sách quốc phòng của mình và điều này sẽ càng làm gia tăng căng thẳng giữa hai quân đội thù địch. Chính quyền Seoul có thể sẽ từ bỏ ý định xem xét lại hiệp ước liên minh quân sự với Mỹ cũng như ý định nắm giữ quyền chỉ huy trong trường hợp chiến tranh.
Trong chuyến thăm Seoul, bà Rice thuyết phục Hàn Quốc tham gia vào Sáng kiến PSI, theo đó các lực lượng hải quân quốc tế do Mỹ lãnh đạo sẽ có thể ngăn chặn và kiểm tra những tàu biển của CHDCND Triều Tiên bị nghi vận chuyển vũ khí và công nghệ vũ khí hủy diệt. Tuy nhiên cho đến nay Hàn Quốc vẫn không cam kết tham gia vì lo ngại việc kiểm soát tàu bè CHDCND Triều Tiên trong vùng biển của Hàn Quốc sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát trong khi giữa hai miền Triều Tiên có một hiệp định cho phép tàu chở hàng hai bên lưu thông trong vùng biển của nhau.
Chính vì vậy, mặc dù ủng hộ nghị quyết của HĐBA LHQ áp đặt lệnh trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên, và cho dù cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ nằm trong tầm đạn của CHDCND Triều Tiên nếu chiến tranh nổ ra, Seoul lại có lập trường chống lại mọi trừng phạt quá nghiêm khắc đẩy chính quyền Bình Nhưỡng đến những hành vi không thể kiểm soát. Theo tờ Chritian Science Monitor, Seoul không mong muốn chính quyền Bình Nhưỡng sụp đổ nhanh chóng dẫn đến việc thống nhất đất nước mà không được chuẩn bị trước, và hệ quả là “nền kinh tế Hàn Quốc sẽ bị đẩy lùi nhiều năm”.
Đối với Trung Quốc việc Bình Nhưỡng tham gia vào câu lạc bộ các cường quốc hạt nhân ít nhất cũng có thể là một điều tốt. Một CHDCND Triều Tiên được hạt nhân hoá có thể cân bằng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực, điều mà Bắc Kinh vẫn coi là biểu hiện của chiến lược ngăn chặn mới của Mỹ nhắm vào Trung Quốc. Cũng như Hàn Quốc, Trung Quốc “không mong muốn đẩy CHDCND rơi vào địa ngục. Họ có những ưu tiên khác chẳng hạn như hạn chế ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á”.
Việc Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân cho dù đã được phía Trung Quốc cảnh báo chứng tỏ ảnh hưởng của lãnh đạo Trung Quốc đối với Bình Nhưỡng cũng có giới hạn. Giờ đây Trung Quốc hơn bất cứ cường quốc nào đang ở tình thế tế nhị nhất vì đang ở bên một nước láng giềng tuy nghèo, chậm phát triển và cô lập nhưng lại có vũ khí hạt nhân và nổi tiếng là một quốc gia có hành vi khó dự báo nhất. Trung Quốc lo ngại rằng nếu cộng đồng quốc tế gia tăng sức ép lên chính phủ Bình Nhưỡng băng cách ngưng viện trợ, phong tỏa... chính thể ở Bình Nhưỡng có thể nhanh chóng sụp đổ với những hậu quả hết sức khó lường. Nhiều triệu người tị nạn có thể sẽ tràn sang Trung Quốc, các công nghệ vũ khí đạn đạo và hạt nhân có nguy cơ phát tán và rơi vào tay những lực lượng khủng bố quốc tế.
Ngoài ra lãnh đạo Trung Quốc cũng đang phải tính đến một trong những hệ quả của việc CHDCND Triều Tiên vũ trang hạt nhân là chính quyền Bình Nhưỡng sụp đổ và kịch bản tiếp theo là một nhà nước Triều Tiên thống nhất ra đời. Một nhà nước Triều Tiên thống nhất sẽ là một thách thức lớn đối với lợi ích của Trung Quốc và đầu tiên là những tranh chấp về biên giới lãnh thổ lâu nay bị chìm đi do tình hình chia cắt và căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên.
Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ thực hiện nghiêm chỉnh lệnh trừng phạt của LHQ. Tuy nhiên việc Trung Quốc triển khai cụ thể như thế nào sẽ là chủ đề của chuyển thăm của bà Rice. Các hoạt động thương mại chính thức đã bị cắt giảm trong những ngày vừa qua nhưng các hoạt động buôn lậu từ lâu đã rất phát đạt xung quanh hơn 1400 km đường biên giới Trung - Triều do chính quyền một số địa phương đã làm ngơ hoặc bất. Chính điều này đã làm cho phía Mỹ nghi ngờ quyết tâm của Trung Quốc trong việc thực thi trường phạt CHDCND Triều Tiên. Thực tế dân địa phương quanh biên giới xác nhận có sự gia tăng trong hoạt động buôn bán bất hợp pháp xuyên biên giới và hiện chưa có nỗ lực mới từ phía chính quyền nhằm hạn chế các hoạt động này.
Nước Nga, chặng dừng chân cuối cùng của bà Rice lại đang bận bịu với những vấn đề riêng trong nội bộ ở Chechnya và với người láng giềng bất kham Grudia. Bản thân nước Nga cũng như Trung Quốc không mong muốn xung đột hoặc một kịch bản sụp đổ diễn ra ở Bình Nhưỡng vì điều này sẽ dẫn đến những hệ quả khó lường đối với vùng biên giới phía Đông Nam của Nga.
Anatol Lieven, chuyên gia thuộc New America Foundation cho rằng “chính quyền Nga thực sự không tìm cách kích động mọi việc nhưng chính quyền này cũng sẽ không nhượng bộ lớn từ Washington”. Những nhượng bộ lớn mà nước Nga đang tính toán là việc nhanh chóng gia nhập vào WTO, việc giải quyết khủng hoảng giữa Nga và nước láng giềng Grudia thân Mỹ và cả vấn đề Iran, một nước có vai trò hết sức quan trọng đối với Nga cả trên lĩnh vực kinh tế lẫn chiến lược ở Trung Đông.
Hồi tháng 7 bà Rice đã làm các đồng nghiệp của bà phải thốt lời tán thưởng khi cây dương cầm của bà cất vang những giai điệu của Brahms trong Gala dành cho các ngoại trưởng ASEAN và các nước đối tác sau diễn đàn ARF. Nhưng lần này tiếng dương cầm của bà khó lòng là giai điệu chính cho bản concert khi mà mỗi nhạc công đang bận bịu với nhưng tính toán của riêng mình.
-
Hồng Hà