Năm năm đã trôi qua kể từ ngày nước Mỹ hứng chịu thảm hoạ kinh hoàng do Al-Qaeda đem lại. Cho đến giờ, nhiều người dân Mỹ vẫn băn khoăn tự hỏi liệu tổ chức khủng bố này có đạt được những mục tiêu mà chúng đã đặt ra từ trước đó. Phóng viên Dan Murphy của hãng CS Monitor đã hỏi ý kiến của 3 chuyên gia phân tích thuộc 3 viện nghiên cứu có tên tuổi trên thế giới.
Giữa thập niên 1990, Al-Qaeda đã công bố rõ ràng 5 mục tiêu của mình: 1. Đẩy quân đội Mỹ khỏi Ảrập Xêút; 2- Đẩy mọi lực lượng quân đội nước ngoài khỏi tất cả các quốc gia Hồi giáo; 3- Phá huỷ Israel và khống chế Jerusalem; 4- Lật đổ các thể chế Ả rập; 5- Thiết lập một vương quốc Hồi giáo rộng khắp.
Theo ý kiến của chuyên gia phân tích Hani Shukrallah, thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và chính trị Al Ahram, Cairo, ngay từ khi phong trào "thánh chiến" này khởi phát, mục tiêu đáng kể nhất của chúng là giành quyền lực ở khu vực Trung Đông. Dần dần, chúng nhận thức rằng bằng cách chống lại cái mà chúng gọi là "Kẻ thù xa xôi", chúng giành được nhiều uy tín, lòng tin hơn và chúng có thêm khả năng để đánh bại "Kẻ thù gần kề" - chính là những thể chế đang thống trị tại khu vực này.
Thứ 2, Al-Qaeda có thể đã không thể mơ tới một mục tiêu tốt hơn Iraq với sự hiện diện của quân đội Mỹ ngay tại nơi này. Khi tất cả các đường biên giới của Iraq đều mở cửa với nhiều quốc gia xung quanh, người ta chỉ cần bước chân sang và có thể dễ dàng kích thích một cuộc thánh chiến tại Iraq. Một lần nữa, đây chính là điều mà Al-Qaeda cần.
Thứ 3, ví dụ rõ ràng nhất về việc Al-Qaeda có khả năng lợi dụng tâm lý phẫn nộ đang làn tràn tại khu vực này là việc Israel chiếm đóng các vùng đất Palestine. Trong một thời gian dài, Al-Qaeda không hề quan tâm tới vấn đề Palestine, và vấn đề này rõ ràng không hề được ưu tiên trong chương trình hành động của tổ chức. Mục tiêu quan trọng của chúng là giành quyền lực tại Ai Cập. Nhưng sự thất bại của tiến trình hoà bình Trung Đông đã vô tình giúp chúng cũng như tất cả những kẻ Hồi giáo cực đoan khác một cơ hội.
Thứ 4, bằng cách gọi cuộc chiến là cuộc xung đột giữa các nền văn minh ngay từ đầu với bài diễn văn mang tựa đề "Tại sao họ ghét chúng ta" của Tổng thống Bush, Mỹ đã tạo điều kiện cho những kẻ cực đoan. Rồi Mỹ tiến hành những cuộc chiến, và chiến tranh rõ ràng tạo ra làn sóng phẫn nộ. Thay vì cô lập mọt tổ chức nhỏ, nhưng bao gồm nhiều thành viên quá khích, Mỹ đã nhằm vào một cộng động đông đúc và làm cho họ có cảm giác phương Tây đang tiến hành cuộc chiến nhằm vào đạo Hồi và người Hồi giáo. Điều này đã làm tăng thêm sức mạnh của những phong trào Hồi giáo.
Chia sẻ quan điểm trên, chuyên gia Brian M. Jenkins, cựu Đại uý Bộ Lục quân Mỹ, tác giả của cuốn: "Quốc gia không thể chinh phục: Hiểu rõ Kẻ thù, tăng cường sức mạnh bản thân" cho rằng 5 năm vừa qua là 5 năm không hề dễ dàng đối với Al-Qaeda. Taliban đã bị lật đổ, các trại huấn luyện của Al-Qaeda đã bị phân tán và một số không nhỏ những kẻ vạch kế hoạch hành động trong tổ chức đã bị tiêu diệt. Nhiều người coi cuộc chiến này là một công việc có hạn chót với những mục tiêu rõ ràng. Nhưng Al-Qaeda lại coi đó là một nhiệm vụ không hồi kết. Và Bin Laden không phải là một nhà lãnh đạo chỉ biết ngồi tổng kết chiến thắng và thất bại.
Thứ hai, việc Mỹ tấn công Iraq đã tạo cho Al-Qaeda một loại hình chiến tranh mà họ chờ đợi từ lâu, đồng thời khiến cho nhiều người Ảrập và Hồi giáo tin rằng Mỹ và phương Tây là những kẻ hiếu chiến.
Thứ ba, sự phẫn nộ của người Ảrập và người Hồi giáo về cuộc xung đột giữa Israel và Palestine đã gia tăng. Một số miêu tả phương Tây là những lực lượng thích xâm lược, và đôi khi Mỹ và đồng minh còn tạo cho họ thêm ấn tượng với những sự vụ như nhà tù Abu Ghraib. Giờ đây, loạt sự kiện diễn ra tại Lebanon lại tạo thêm lý do mới cho người Hồi giáo để tức giận. Tất cả đều được sử dụng để chứng minh một cuộc "thập tự chinh" không khoan nhượng nhằm vào họ.
Thứ 4, theo quan điểm của người Hồi giáo, nhiệm vụ của bin Laden là kích động tâm lý. Trong vụ 11/9, mới có khoảng 5 trang web đề cập tới cuộc thánh chiến. Còn bây giờ thì có tới hàng trăm.
Còn theo ông M.J. Gohel, Tổng giám đốc Asia-Pacific Foundation, một nhóm chuyên gia tình báo và chống khủng bố tại London, dù Al-Qaeda không thể đạt được kết quả như mong muốn, nhưng xét về chương trình nghị sự của mình, chúng không quan tâm xem liệu nó sẽ tốn 10 năm, 20 năm hay 100 năm. Trong khi đó, phương Tây lại cần những giải pháp nhanh chóng. Thực tế là từ sau vụ 11/9, người ta chứng kiến nhiều vụ tấn công xảy ra ở nhiều nước trên thế giới hơn trước đây. Và đáng buồn là có một số lượng lớn những kẻ ủng hộ "lý tưởng" khủng bố. Họ có thể không phải là khủng bố, nhưng họ đang bị lôi kéo vào hệ tư tưởng Al-Qaeda.
Tư tưởng của Osama bin Laden đã tồn tại từ trước khi có cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq vì vậy sẽ là phi lý nếu cho rằng hai cuộc chiến này là nguyên nhân tạo ra vấn đề. Song cần phải nhìn nhận rằng cuộc chiến Iraq đã không đem lại kết quả như mong đợi và bất kỳ thất bại nào trong chính sách đối ngoại cũng sẽ được họ tận dụng.
Theo ông Gohel, đây là cuộc chiến vô cùng quan trọng vì mục tiêu cuối cùng của Al-Qaeda là lật đổ toàn bộ thế giới phương Tây. Đây không chỉ là một cuộc chiến thuần tuý về quân sự, mà là cuộc xung đột giữa hai luồng ý thức hệ. Phương Tây cần những nhân vật ở thế giới Hồi giáo, và những người này phải nhận được sự tôn kính cả ở trong và ngoài thế giới Hồi giáo. Phương Tây cần ai đó giống Gandhi hay Martin Luther King, Jr. những người có thể chống lại Al-Qaeda.
Thêm nữa, ông Gohel cho rằng ở Trung Đông thiếu vắng một bầu không khí dân chủ thực sự. Những người dân ở đây chỉ có một sự lựa chọn là chấp nhận các thể chế độc tài hay lắng nghe các tăng lữ. Truyền thông luôn phát đi nội dung chống phuơng Tây, ngay cả ở những quốc gia đồng minh với phương Tây như Ảrập Xê út. Vì vậy, điều cần thiết là cải tổ.
-
HT - (Theo CS Monitor)