Thủ tướng Thaksin đã thoát hiểm trong gang tấc khi Toà án hiến pháp từ chối điều tra các cáo buộc nhằm vào ông. Nhưng xem ra, cuộc chiến "trụ hạng" của người hùng Thaksin trên chính trường Thái Lan vẫn chưa ngã ngũ.
Thaksin Shinawatra hiện đang là tâm điểm của các vụ biểu tình chống đối và kiện tụng pháp lí nhưng vẫn còn rất nhiều người yêu quý ông. Giữa những tinh hoa của thủ đô Bangkok - các chính trị gia đối lập, các học giả và nhà báo - người ta luôn nghe thấy những lời buộc tội chính quyền của ông là lạm dụng quyền lực, tham nhũng và gia đình trị. Nhưng tại các thị trấn và thành phố nhỏ, đặc biệt là tại các vùng nông thôn, Thaksin vẫn nhận được sự ủng hộ to lớn và được biết đến như một nhà lãnh đạo quyết đoán và quan tâm đến người nghèo.
Nhà lãnh đạo trong mơ
Khi Thaksin Shinawatra được bầu làm thủ tướng lần đầu tiên năm 2001, Thái Lan đang phải chống chọi vượt qua cơn khủng hoảng tài chính Châu Á. Thaksin đã đáp ứng được các yêu cầu trong nước bằng các khoản vay lãi suất thấp và trợ cấp của chính phủ. Vào khoảng năm 2003, Thái Lan đã trở thành nước dẫn đầu trong các "con hổ Châu Á".
Cũng trong năm đó, Thaksin tuyên chiến với nạn buôn bán ma tuý của Thái Lan, phá vỡ rất nhiều đầu mối cung cấp hàng và buôn bán nhỏ lẻ thuốc phiện. Các quan chức chính phủ thông báo hơn 2500 kẻ tội phạm trong số đó đã chết hoặc bị giết bởi sự thanh toán lẫn nhau (Trong khi đó, các nhóm nhân quyền lại cho rằng việc giết chóc này là do chính các lực lượng an ninh Thái Lan gây ra). Chiến dịch này rất được dân thường Thái Lan hoan nghênh bởi họ đã quá chán ghét với cảnh lan tràn chất gây nghiện trong xã hội.
Ngay sau đó, thủ tướng Thaksin lại nhận được những lời nhận xét tốt đẹp nhất về sự lãnh đạo của mình sau vụ sóng thần ngày 26/12/2004 và những nỗ lực của chính phủ trong việc kiểm soát cúm gia cầm. Rất nhiều người như Thamniap Lekchai - lái xe taxi ở Bangkok đã ca ngợi phong cách của ông : "Ông ấy là thủ tướng duy nhất đã đi đến các khu ổ chuột để gặp người dân."
Hào quang biến mất?
Những người ủng hộ tặng hoa cho thủ tướng bên ngoài Toà nhà chính phủ |
Tuy nhiên, một số vầng hào quang của danh tiếng Thaksin đã nhanh chóng mất đi. Tại miền Nam, các tỉnh có người dân chủ yếu theo đạo Hồi đang tan hoang bởi sự gia tăng các cuộc xung đột và bạo lực sắc tộc. Hơn 1000 người đã thiệt mạng trong vòng 2 năm qua.
Thaksin bị chỉ trích đã làm tình hình thêm trầm trọng khi nặng tay dùng quân đội trấn áp bạo động. Ông đặc biệt phải đối mặt với búa rìu dư luận khi báo chí quốc tế trích dẫn việc 78 người Thái đã chết tại đồn cảnh sát sau khi bị bắt giữ tháng 10/2004.
Dẫu vậy, nó không đủ "làm tổn thương" thủ tướng.
Trong thực tế, theo Pasuk Pongpaijitr - đồng tác giả cuốn "Thaksin : Kinh doanh chính trị ở Thái Lan" thì "thủ tướng có thể đã làm mọi việc xấu đi nhưng ông ta lại hưởng lợi từ đó (cảm giác bất an của dân chúng về tình hình an ninh), giống như cái cách tổng thống Bush đã làm với Iraq."
Còn Giles Ungpakorn - chuyên gia phân tích đến từ Đại học Chulalongkorn (Bangkok) lại cảnh báo rằng mọi thứ đều có thể thay đổi : "Nếu bạo động tiếp tục leo thang hoặc có bom ở những nơi khác như Bangkok hoặc có nhiều cảnh sát và binh sĩ thiệt mạng hơn, nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thanh danh của Thaksin."
Gia đình trị và tham nhũng
Không những vậy, các phe đối lập luôn chỉ trích ông Thaksin về việc giao quá nhiều trọng trách quan trọng vào tay những người họ hàng thân thích. Em họ của Thaksin, tướng Chaisit Shinawatra hiện là tổng tư lệnh tối cao của quân đội. Priawpan Damapong, anh rể của thủ tướng cũng là phó giám đốc lực lượng cảnh sát quốc gia.
Và một trong những đòn tấn công được coi có thể "huỷ hoại Thaksin" là các lời cáo buộc tham nhũng. Những khuất tất trong hợp đồng cung cấp máy quét hành lí tại sân bay mới của Bangkok hồi năm ngoái vẫn tiếp tục ám ảnh chính phủ của Thaksin mặc Suriya Jungrungreangkit, Bộ trưởng Giao thông lúc đó (nay là Bộ trưởng Công nghiệp) khăng khăng bác bỏ bất cứ sự không hợp lí nào trong đó.
Những người biểu tình chống đối bao vây Toà nhà chính phủ |
Gần đây nhất những người chống đối lại tập trung vào vụ gia đình thủ tướng bán
tập đoàn Shin Corp cho Temasek Holdings - một Quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore lấy 1,87 tỉ đô la. Khi nhận được lời khiếu nại, các cơ quan quản lí Thái Lan đã nhanh chóng tiến hành một cuộc điều tra các sai phạm trong vụ mua bán "thế kỉ" ở vương quốc này.Quá trình điều tra cho thấy con trai và con gái của thủ tướng đã thu mua 11% cổ phần của Shin Corp thông qua một công ty ở hải ngoại có tên gọi Ample Rich với giá 1 baht/1 cổ phần và bán lại cho Temasek Holdings với giá gấp gần 50 lần. Tuy nhiên, sau đó, chính các nhà chức trách đã tuyên bố rằng vụ mua bán này là hợp pháp vì chính các con của thủ tướng là chủ sở hữu của Ample Rich. Kết luận điều tra chỉ cho thấy Phantongtae, con trai của Thaksin có thể đã không tiết lộ chính xác cổ phần của mình ở một công ty nước ngoài. Nếu đúng như vậy Phantongtae có thể bị xử phạt.
Dù thế nào, bản thân Thaksin cũng "trong sạch". Nhưng vụ mua bán trên đã làm buồn lòng rất nhiều người dân vì một nguồn lợi chính của quốc gia hiện đã nằm trong quyền kiểm soát của một cơ quan nước ngoài. Bên cạnh đó còn có cả những oán hận vì những phần lợi béo bở nhất hầu như đều rơi vào tay gia đình thủ tướng. Thaksin giải thích rằng Shin Corp được đem bán vì "bọn trẻ chỉ muốn bố chúng tập trung hoàn toàn vào chính trị".
Tuy nhiên, Thitinan Pongsudhirak, một nhà phân tích chính trị khác của Đại học Chulalongkorn cho rằng "Vụ mua bán Shin Corp có thể chỉ là bước khởi đầu. Hiện nó đã trở thành mũi tấn công trọng tâm có thể làm Thaksin sụp đổ." Chắc chắn vụ mua bán với Temasek sẽ giúp tạo nên những đám đông xung quanh Sondhi.
Đối thủ của Thaksin là ai?
Khi đối thủ chính của Thaksin - Sondhi Limthongkul (58 tuổi), một cựu trùm truyền thông, gọi tới số di động của thủ tướng thì không có những tràng pháo tay tán thưởng mà là những tiếng thét : "Thaksin ! Cút đi!". Sondhi từng bị cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á vùi dập nhưng đã tìm được cách sống sót nhờ một tài phiệt khác, nực cười thay đó chính là Thaksin.
Sondhi Limthongkul - kẻ luôn muốn lật đổ Thaksin |
Trong những năm đầu thập kỉ 90, Tập đoàn quản lí truyền thông của
Sondhi sở hữu một loạt các tờ báo, tạp chí và kênh truyền hình cáp. Tại Bangkok và một số thành phố khác ở Châu Á, Sondhi đã từng là người rất được trọng vọng trong xã hội. "Lúc đó tôi là người đàn ông trẻ tuổi rất hiếu chiến." Sondhi nhớ lại.Tại Bangkok, ông ta gặp một trùm truyền thông đang lên khác - Thaksin Shinawatra. Như chính lời Sondhi khẳng định, Thaksin và ông ta "chưa bao giờ là bạn, chỉ là chỗ quen biết". Nhưng họ lại sớm làm ăn cùng nhau. Năm 1992, Thaksin đầu tư mua cổ phần của IEC, nhà phân phối điện thoại di động thuộc quyền sở hữu của Sondhi và cũng là công ty bán hàng cho công ty con AIS của Shin Corp.
Năm 1997, khi khủng hoảng tài chính tàn phá Châu Á, tập đoàn truyền thông của Sondhi bị nghiền nát. Và vào khoảng năm 2000, ông ta tuyên bố phá sản. Tuy nhiên, sang năm sau, may mắn đã quay trở lại với Sondhi. Mặc dù tập đoàn cũ vẫn nằm trong tay các chủ nợ nhưng ông ta lại thành lập các công ty mới và giành được các hợp đồng sản xuất các show "giờ vàng" trên truyền hình quốc gia. Có được điều đó là nhờ sự hỗ trợ của Krung Thai Bank thuộc quyền sở hữu của nhà nước.
Sondhi bắt đầu ca ngợi sự lãnh đạo và tài năng kinh tế của Thaksin - việc mà hiện ông ta cho là một sai lầm.
Người ta vẫn không rõ tại sao hai người đàn ông này lại trở nên đối địch, chỉ biết rằng vào tháng 9/2005, một cuộc toạ đàm truyền hình do Sondhi đồng tổ chức đã không được phát sóng trên truyền hình quốc gia sau khi ông ta buộc tội thủ tướng lạm dụng quyền lực.
Kể từ đó, Sondhi bắt đầu các cuộc diễn thuyết ngoài trời thu hút hàng ngàn người tham gia tại một công viên ở Bangkok vào mỗi thứ Sáu. Ông phát đi các lời cáo buộc tham nhũng chống lại Thaksin và gia đình của thủ tướng. Ông cũng khai hoả cho hàng loạt các vụ kiện tụng dân sự và hình sự của Thaksin. Tuy nhiên, các vụ kiện này đều lắng xuống do lời khuyên của Vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej : "Các luật sư khuyên thủ tướng kiện, trừng phát ... Đừng trả đũa. Trừng phạt không tốt chút nào cả."
Hiện Sondhi dường như chỉ có một mục đích duy nhất trong đời : lật đổ Thaksin. Ông nói sẽ biến các cuộc biểu tình đường phố thành "một liên minh vĩ đại" với sự tham gia của những học giả và các thành viên tích cực khác. Trả lời phỏng vấn Time, Sondhi cho biết : "Điều này sẽ trở thành chương trình nghị sự quốc gia."
Dẫu vậy, trong buổi phát biểu hàng tuần trên sóng phát thanh, thủ tướng nói Sondhi đang tấn công ông vì những lí do cá nhân, vì thủ tướng đã từ chối giúp Sondhi trong việc đầu tư kinh doanh mạo hiểm. Ngay lập tức Sondhi trả đũa rằng : "Tôi đang làm điều này theo nguyên tắc ... [Thaksin] đã phản bội lại niềm tin của người dân."
Thaksin sẽ ra đi?
Liệu Thaksin có phải ra đi khi vẫn nhận được sự ủng hộ tại các thị trấn và thành phố nhỏ, đặc biệt là ở các vùng nông thôn |
Thủ tướng nói rằng ông sẽ từ chức chỉ khi nhà Vua và toàn thể dân chúng mong muốn điều đó. Trong khi những sự can thiệp của hoàng gia vào chính trị kiểu như vậy cực kì hiếm khi xảy ra. Và một cuộc thăm dò gần đây cũng cho thấy khoảng 40% người dân Thái Lan vẫn chưa có quyết định gì về tương lai của ông Thaksin.
Do đó, Bangkok sẽ có thể tiếp tục chứng kiến nhiều vụ biểu tình đường phố nữa nhưng nói như James Klein, đại diện Asia Foundation tại Thái Lan "điều này có thể sẽ vượt ra mọi kiểm soát."
Luôn luôn có khả năng là Thaksin sẽ kêu gọi các cuộc bầu cử mới cũng như tìm kiếm sự uỷ thác mới. Hôm 9/2, tại Hội đồng cố vấn kinh tế, xã hội quốc gia, thủ tướng đã phát biểu cứ như là ông đang tiến hành một chiến dịch vận động tranh cử : "Các chính sách của tôi đã khiến nền kinh tế phát triển. Tôi đã khiến tội phạm ma tuý giảm xuống và tôi sẽ xoá nghèo trong vòng 3 năm tới."
Tất cả dường như rõ ràng hơn khi mới đây Thaksin cho biết đang tìm kiếm một người kế nhiệm song cũng không loại trừ khả năng sẽ ra tranh cử nhiệm kỳ 3 bất chấp những lời kêu gọi từ chức. Thaksin biết rõ tình thế hiện thời của mình và dường như đã tìm ra kế sách đối phó thích hợp nhất tại thời điểm nhạy cảm này.
Việc Thaksin bất ngờ "thoát nguy" khi Tòa án Hiến pháp từ chối điều tra các cáo buộc ông vi phạm luật xung đột lợi ích càng làm cho thanh thế của ông tăng lên. Và nhờ đó, biết đâu sẽ có những người chống đối chợt do dự, tự hỏi liệu có quá khắt khe, nhầm lẫn khi nghi ngờ sự "trong sạch" của thủ tướng.
Dù thế nào, cuộc chiến "trụ hạng" của Thaksin vẫn chưa ngã ngũ và công luận vẫn tiếp tục dõi theo những diễn biến mới phức tạp trên chính trường Thái Lan.
-
Thanh Bình (TimeAsia, BBC, BangkokPost, The Nation)