Cơn đột quỵ của Thủ tướng Ariel Sharon có thể sẽ đẩy chính trường Israel và tiến trình hoà bình Trung Đông vào cuộc khủng hoảng.
Thủ tướng Israel Sharon. |
Vài tháng gần đây, không ít người Israel đã dành trọn hy vọng cho vị thủ tướng 77 tuổi này. Bởi đối với họ, ông là vị chính khách ''thích hợp nhất'' vạch đường biên giới cuối cùng, giải quyết tranh chấp với người Palestine.
Vị thủ tướng từng là ''nhà vô địch'' vận động cho việc xây dựng khu định cư Do Thái tại Bờ Tây và Gaza giờ đây đã trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Israel từ bỏ chính những khu định cư đó, tạo cơ sở thành lập một nhà nước Palestine độc lập.
Bước chuyển bất ngờ từ ''hiếu chiến'' sang ''thực dụng'' của ông Sharon đã trao cho Trung Đông một cơ hội trở lại với tiến trình hoà bình sau 5 năm không ngừng đổ máu.
Thủ tướng Israel Sharon bị xuất huyết não | ||
Thủ tướng Sharon hôm 4/1 phải nhập viện khẩn cấp sau khi có triệu chứng cho thấy ông bị xuất huyết não. Quyền lãnh đạo cũng được trao lại cho phó TTg Olmert. |
Dù bạo lực không ngừng gia tăng, bất ổn vẫn tràn lan tại các vùng lãnh thổ Palestine, ông Sharon vẫn bày tỏ hy vọng một sự tiến bộ quan trọng trong tiến trình hoà bình vào năm 2006. Tuy nhiên, thực tế sẽ không có bất kỳ một động thái hoà bình lớn nào diễn ra trước cuộc bầu cử tại Israel vào tháng 3 và cuộc bầu cử nghị viện Palestine vào 25/1 tới.
Cho dù ông Sharon đã làm nên lịch sử khi rút khỏi Dải Gaza và một phần Bờ Tây, nhưng đại đa số người Palestine vẫn coi vị tướng cũ này là kẻ thù bởi những chiến dịch đẫm máu của Israel chống lại du kích Palestine tại Lebanon, Jordan và nhiều nơi khác.
Rõ ràng, việc Sharon rút khỏi chính trường sẽ làm đảo lộn nền chính trị Israel nhưng cũng đồng thời kéo ngược lại những mối quan hệ cá nhân được cho là trọng yếu đối với ngoại giao Trung Đông.
Ông Sharon và Tổng thống Mỹ Bush đã củng cố được mối quan hệ sau bước khởi đầu sóng gió. Giờ đây, ông Sharon đã trở thành vị khách thường xuyên của Nhà Trắng. Vì thế, ông Bush đã nhiệt liệt hoan nghênh kế hoạch rút khỏi Gaza của ông Sharon, ủng hộ hành động cứng rắn đối với các tay súng du kích Palestine và hậu thuẫn cho chiến lược ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào Israel.
Vì những lý do trên, sự rút lui của ông Sharon - dù vì sức khoẻ hay vì bất kỳ lý do nào khác - cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đối với tiến trình hoà bình Trung Đông và làm đảo lộn chính trường Israel.
-
Trần Kiên (tổng hợp)