221
1601
Bình luận quốc tế
binhluan
/thegioi/binhluan/
750351
Liệu Gaza có rơi vào tình trạng vô chính phủ?
1
Article
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
Liệu Gaza có rơi vào tình trạng vô chính phủ?
,

Chính quyền Palestine không thể khẳng định uy quyền tại Dải Gaza sau khi Israel rút đi. Hàng chục cảnh sát đột chiếm cửa khẩu Rafah, đóng cửa biên giới. Liệu Gaza có rơi vào tình trạng vô chính phủ?

Soạn: AM 665643 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Đột chiếm Rafah.

Khi người định cư Do Thái và quân đội Israel rút khỏi Dải Gaza hồi tháng 9 vừa qua, không ít nhà quan sát lạc quan hy vọng, Chính quyền Palestine (PA) sẽ nhanh chóng khẳng định quyền kiểm soát dải đất duyên hải này. Và, đó cũng là bước tiến quan trọng hướng tới việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập.

Tuy nhiên, những diễn biến trong vài tuần gần đây chứng minh một điều, những người bi quan đã đúng. Trong một diễn biến mới nhất xảy ra sáng qua, Khoảng 100 cảnh sát Palestine, trong tâm trạng giận dữ vì hỗn loạn gia tăng ở Dải Gaza, đã đột kích và chiếm giữ cửa khẩu Gaza - Ai Cập, đóng cửa biên giới và ép các giám sát viên EU phải rời đi. Mãi đến chiều tối, quan chức Palestine mới có thể tuyên bố mở lại cửa khẩu dù tình hình vẫn còn rất căng thẳng.

Việc đóng cửa Rafah, dù chỉ trong vài giờ đồng hồ, nhưng cũng được xem là một ''bước thụt lùi'' của Palestine trong nỗ lực chứng minh, trật tự đã được khôi phục và người Palestine vẫn cam kết với tiến trình hoà bình. PA mới chỉ giành quyền kiểm soát Rafah hồi tháng trước theo thoả thuận do Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice làm trung gian. Lúc đó, nó được ''tung hô'' như một động thái biến Gaza thành một nơi thử nghiệm tư cách một nhà nước độc lập của Palestine. Và, nó còn được đánh giá là một bước tiến quan trọng khôi phục nền kinh tế ''ốm yếu'' ở dải đất này. Theo thoả thuận, EU có trách nhiệm giám sát tình hình hoạt động của cửa khẩu.

Vụ đột chiếm cửa khẩu Rafah chỉ là diễn biến mới nhất trong chuỗi các vụ bạo lực xảy ra tại Gaza kể từ khi Israel rút đi. Những tay súng vũ trang đã nhiều lần tập kích vào các toà nhà chính phủ. Cánh quân sự của các đảng chính trị, cảnh sát và những băng nhóm tội phạm thường xuyên đấu súng trên đường phố Gaza...Tất cả đã chứng minh rằng, chính quyền của Tổng thống Abbas không có khả năng thiết lập lại trật tự và tạo nên một môi trường chính trị ổn định. Mới đây, một nhóm vũ trang đã bắt cóc hai giáo viên người nước ngoài tại Gaza.

Mới thứ Tư vừa qua, ba công dân Anh đã bị các tay súng bắt cóc khi họ từ Ai Cập vào dải Gaza qua khu vực biên giới ở miền nam Rafah. Cùng ngày, hơn 20 tay súng Palestine đã bất ngờ tập kích và chiếm giữ các văn phòng bầu cử ở thị trấn Khan Younis, Gaza. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại một văn phòng bầu cử ở thị trấn Rafah.

Tình hình tại Gaza ngày một căng thẳng, đặc biệt vào thời điểm sắp diễn ra cuộc
bầu cử nghị viện dự kiến được tổ chức vào ngày 25/1. Nguyên nhân chính của tình trạng bạo lực bắt nguồn từ những hành động ''khoe sức mạnh'' trong chiến dịch tranh cử.

Trong nội bộ đảng Fatah cũng đã xảy ra cuộc đấu đá kịch liệt giữa một bên là phe thủ cựu - trong đó có TT Abbas - những người tỏ rõ lòng trung thành với cố TT Yasser Arafat - với bên kia là những chính khách trẻ. Trong khi đó, cử tri Palestine cáo buộc đảng Fatah tham nhũng và thiếu năng lực.

Bên ngoài, đảng đối lập Những người Hồi giáo Hamas đã giành thắng lợi tại 3 thành phố quan trọng trong các cuộc bầu cử địa phương, trong đó có cả ''pháo đài'' cũ của Fatah là Nablus ở Bờ Tây. Như vậy, kết quả bầu cử tới có lẽ sẽ là ''hòn đá tảng'' ngáng đường ông Abbas.

Cuộc sống của người Palestine ở cả Bờ Tây và Dải Gaza có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn trong những ngày tới. Dải Gaza - nơi thử nghiệm một nhà nước Palestine độc lập - có thể rơi vào tình trạng vô chính phủ.

  • Trần Kiên (tổng hợp)
     
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,