(VietNamNet) - Giải tán chính phủ thuộc quyền hạn của nhà vua được thừa nhận trong Hiến pháp của Nepal và Vua Gyanendra đã sử dụng nó 2 lần trong gần 4 năm cầm quyền đến nay.
Khác với lần trước, chuyện vốn chỉ là tiểu sự đối với Vua Gyanendra lần này lại trở thành đại sự khi Mỹ, Ấn Độ và các nước EU gây áp lực chính trị đối với Vua Gyanendra. Thật ra thì Hoàng gia Nepal cũng có thể phản bác hành động và thái độ của các đối tác nói trên vì đấy không phải cái gì khác ngoài can thiệp ở mức độ và với hình thức khác nhau vào công việc nội bộ của vương quốc này, nhưng Hoàng gia lại rất khó xử vì những đối tác này đều thuộc diện đặc biệt: Mỹ, Anh và Ấn Độ là những đối tác hậu thuẫn Hoàng gia Nepal đối phó với lực lượng nổi dậy mà họ cho rằng được đối tác bên ngoài hậu thuẫn cả về ý thức hệ lẫn vật chất. Mỹ cung cấp hàng chục triệu đôla; Anh cũng viện trợ quân sự khoảng 12 triệu USD, còn Ấn Độ cũng viện trợ cho quân đội Nepal. Không có sự trợ giúp từ bên ngoài như vậy, Hoàng gia Nepal không thể cầm cự nổi sự chống đối của các lực lượng nổi dậy.
Việc Vua Gyanendra giải tán chính phủ, đứng ra chấp chính và áp dụng một số biện pháp hạn chế quyền dân chủ ở Nepal đã đẩy các đối tác này vào tình thế khó xử vì chiều hướng cho thấy tình hình chính trị - xã hội ở Nepal âm ỉ nguy cơ căng thẳng và bất ổn, xung đột giữa Hoàng gia và lực lượng nổi dậy ngày càng sâu sắc thêm trong khi các đối tác nói trên lại cần sự ổn định trên chính trường Nepal để tập trung đối phó với lực lượng nổi dậy và ngăn cản ảnh hưởng của các thế lực bên ngoài khác hậu thuẫn cho lực lượng nổi dậy ở Nepal. Hơn nữa, họ cho rằng một chính phủ liên hiệp bao gồm nhiều đảng phái chính trị chứ không phải Hoàng gia mới có khả năng lôi kéo lực lượng nổi dậy tham gia vào một giải pháp hoà bình.
Dù là vô tình hay chủ ý của Vua Gyanendra thì cuộc khủng hoảng quyền lực chính trị hiện tại ở Nepal đã trở thành vấn đề đối ngoại lớn và nhạy cảm đối với vị quân vương này. Những đối tác quan trọng của Hoàng gia Nepal không hẳn đều đã quay lưng lại với Hoàng gia, nhưng đều vừa có phần buộc phải, vừa có phần tận dụng cơ hội này để ép Hoàng gia Nepal đáp ứng yêu cầu của họ nếu vẫn muốn tiếp tục được họ hậu thuẫn như cho tới nay và xem ra thì Hoàng gia này gần như cũng chẳng có con đường nào khác.
-
Lục Quán Anh