(VietNamNet) - Cuộc bầu cử được thế giới quan tâm nhiều nhất lặp lại kịch tính và kết quả như bốn năm về trước, với Ohio thay thế Florida và thắng lợi thuộc về ông Bush.
Vậy là ông Bush không phải chịu chung số phận của cha mình. Ông tái cử cho dù chiến thắng của ông không oanh liệt, không vang dội như Reagan hay Clinton khi tái cử. Nhưng điều đó đối với ông Bush thật không còn quan trọng vì đằng nào ông cũng chỉ có thể làm chủ Nhà Trắng được có 4 năm nữa. Nhà Trắng không có gì mới lạ bởi cuộc bầu cử này. Có chăng thì ở Đồi Capitol vì ở đó, Đảng Cộng hoà của ông Bush không những duy trì được, mà còn tăng cường thêm đa số ở cả lưỡng viện lập pháp.
Thắng cử của ông Bush không hẳn có lý do ở tỷ lệ cử tri đi bầu cao, không hẳn ở tình trạng kinh tế chẳng đến nỗi nào hiện nay ở nước Mỹ vì cả hai tác nhân này đều có tác động thuận đối với ông Kerry không kém gì so với ông Bush. Nguyên nhân thắng cử chính của ông Bush là vấn đề an ninh lại trở nên cấp thiết đối với cử tri. Osama bin Laden với bức thông điệp mới đây đã đóng góp không nhỏ vào việc khuấy động lại mối lo sợ khủng bố trong tâm lý dân Mỹ. Cảm nhận về nguy cơ an ninh, bị khủng bố khiến người dân Mỹ thiên về lựa chọn ông Bush trước ông Kerry.
Trong bối cảnh và tâm lý chung như vậy, có bộ phận không nhỏ cử tri Mỹ vốn không muốn bỏ phiếu cho ông Bush, nhưng lại chưa hẳn hoàn toàn tin tưởng ông Kerry sẽ bị xô đẩy đến gần ông Bush và xa ông Kerry hơn. Tiêu chí chi phối quyết định họ bỏ phiếu cho ai là tính cách quyết đoán và kiên định quan điểm của các ứng cử viên. Và ở phương diện này thì cử tri Mỹ ưu ái ông Bush nhiều hơn là thiện cảm dành cho ông Kerry. Vì thế mà ông Bush giành được vài triệu phiếu bầu nhiều hơn ông Kerry.
Bang Ohio với 20 đại cử tri lần này đóng vai trò "làm nên vua" sau khi ông Bush thắng ở bang Florida và ông Kerry thắng ở bang Pensylvinia – là những bang có truyền thống bầu cử "thất thường". Những bê bối ở Florida không lặp lại nhưng mức độ sít sao của kết quả bầu cử cho thấy cuộc bầu cử này không giúp nước Mỹ hàn gắn được sự rạn nứt nội bộ xã hội và phân cực trên chính trường đã bộc lộ từ cuộc bầu cử năm 2000 và sâu sắc thêm từ đó đến nay. Ở những pháo đài của mình, ông Bush và ông Kerry đều giành được tỷ lệ phiếu bầu cao, nhưng còn ở những bang khác thì sự chênh lệch lại rất nhỏ, ai thắng gần như nhờ may rủi. Xem ra có vẻ cử tri Mỹ đã chấp nhận thực trạng ấy và không dùng vấn đề ai có khả năng khắc phục nó làm một tiêu chí khác cho quyết định bỏ phiếu của mình. Ông Bush lần này gặp may hơn cha mình nhờ bối cảnh đó ở nước Mỹ và tâm lý đó của người dân Mỹ. Vì thế mà Nhà Trắng mới chưa có gì lạ.
-
Lục Quán Anh