Baiyun, chợ hàng hiệu đồ da nhái lớn nhất thế giới ở Quảng Châu, Trung Quốc là nơi bạn có thể tìm thấy những chiếc túi giả hiệu với giá rẻ. Hàng nhái từ đây tỏa đi khắp thế giới.
>>> Thâm nhập mạng lưới bán túi Louis Vuitton nhái
Gina, từ chối nêu họ, là một trong những thương nhân bán buôn tới từ Colonia, Uruguay. Kéo một chiếc vali Louis Vuitton lớn, màu xám, qua lối đi hẹp của chợ đồ da cùng bà mẹ 66 tuổi, Gina tìm kiếm một cửa hàng có thể làm túi Louis Vuitton giả da.
"Đừng lo, cô ấy có thể giải quyết được, chúng tôi đã quen với việc này". Gina nói trong khi bà mẹ già bị bệnh khớp của cô từ từ lê bước, kéo theo một chiếc túi chứa đầy khăn và các mặt hàng da được làm nhái trước khi dừng tại một cửa hàng bán túi.
"Tôi không cần da thật, chỉ giả da. Không cần loại 5A, chỉ 2A là đủ rồi", Gina nói với người bán bằng thứ tiếng Anh rất nặng. Gina và mẹ đã đi nửa vòng trái đất tới Baiyun để đích thân tới chợ hàng hiệu đồ da nhái lớn nhất thế giới. "Tôi thường mua hàng từ Trung Quốc qua mạng, nhưng sau một lần tồi tệ, tôi không bao giờ để nó được tái diễn". Gina cho hay, cô đặt mua 800 chiếc túi màu đỏ song thay vào đó cô lại nhận được 800 chiếc túi màu đen.
Gina đang tìm một nhà máy có thể sản xuất 500 chiếc túi mà cô định đưa sang Argentina rồi sau đó lại chuyển tiếp tới Uruguay, nơi cô đang có một cửa hàng ở bãi biển. Việc này làm giảm nghi ngờ khi đưa hàng qua biên giới, từ Argentina thay vì mang trực tiếp từ Trung Quốc về.
Nắm trong tay một loạt giấy tờ về chiếc túi mà cô muốn làm, Gina - một người phụ nữ tóc vàng, với làn da rám nắng và trang sức hàng hiệu, trông giống một nhân vật trong ngành thời trang ở Hollywood hơn là một con buôn hàng giả. "Tôi ở trong ngành này đã 8 năm. Đây là nghề kiếm tiền tốt".
Trên thực tế, trong khi các băng nhóm tội phạm đang ngày càng nhấn sâu vào thương mại hàng giả ở cả Mỹ và Trung Quốc, thì những người thường như Gina và các chủ hiệu mà cô tiếp xúc mới chỉ là bề nổi của ngành kinh doanh hàng giả tại Trung Quốc, giới chức Mỹ cho hay.
Túi hàng nhái được chuyển qua đường bưu điện từ Quảng châu sang Mỹ |
Những cuộc đột kích hời hợt
Đôi khi, nhà chức trách Quảng Châu mới bất ngờ kiểm tra chợ Baiyun, gồm cả ngày mà phóng viên Reuters đến nơi này. Các cửa hiệu, đều được mật báo trước, đã đóng cửa một cách đầy trách nhiệm. Tuy nhiên, chỉ cần gõ cửa, khách hàng có thể kín đáo vào bên trong.
"Họ đang truy quét. Tôi không biết khi nào nó sẽ chấm dứt. Đó là vì Á vận hội", một chủ cửa hiệu nói. Quảng Châu là nơi tổ chức Á vận hội vào tháng 11.
Sau vài phút, cuộc đột kích dường như chấm dứt mà không có vụ bắt giữ nào. Các chủ hiệu lại mở cửa hàng và đứng ra ngoài vẫy khách. Những người này không phục vụ cho du khách nhưng lại bán buôn cho những người như Gina. Mỗi cửa hiệu đều có một nhà máy đứng sau.
Tại tầng hầm của các cửa hiệu là những người chuyển hàng, vốn là những chuyên gia về đóng gói và dán nhãn để hàng hóa có thể đi qua cửa hải quan một cách trót lọt.
"Nếu bạn muốn gửi tới Pháp, sẽ khó hơn một chút vì hàng sẽ bị kiểm tra kỹ. Tuy nhiên, gửi qua UPS có tới 80% khả năng thành công", một người chuyển hàng tên là Chen nói. Hàng hiệu nhái có thể được chuyển qua những cảng ở Trung Đông hoặc châu Phi để tránh bị hải quan ở EU và Mỹ phát hiện.
Ngồi trong một quầy nhỏ ở chợ Baiyun, một thanh niên Congo 30 tuổi, là đại diện cho một nhánh khác của ngành làm hàng nhái - người môi giới. Nói tiếng Quan thoại với một chủ hiệu rồi chuyển sang nói tiếng Pháp với 3 khách hàng châu Phi, anh chàng này đang cố môi giới cho một thỏa thuận làm túi Miu Miu (túi của Italia) nhái.
Người đàn ông này tới Trung Quốc cách đây hai năm để học nhưng hiện giúp các khách hàng châu Âu và châu Phi mua hàng hiệu nhái. "Tôi mua một mớ rồi đóng chúng vào thùng, 10 chiếc/thùng. Sau đó, tôi chuyển hàng sang Anh rồi đưa chúng vào Pháp. Tại đây, khách hàng sẽ nhận đồ", Gary thì thầm "đây là việc kinh doanh nhạy cảm". Anh chàng vừa nói vừa kéo chiếc mũ xuống sâu hơn.
Cũng giống vậy, Nana, 30 tuổi, người Moscow, đã sống tại Quảng Châu được 4 năm. Nana mua quần áo nhái của Tommy Hilfiger và Gucci tại Baiyung. Nana dự định cung cấp hàng cho 20 website ở Nga.
Rất ít người nước ngoài hoặc người địa phương bị bắt hoặc bị kết tội vì buôn bán hàng nhái. Ngành kinh doanh hàng nhái của Trung Quốc tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, người chuyển hàng và chủ hiệu trên toàn quốc. Đây cũng là lý do tại sạo nhà chức trách thường không nhiệt tình thực thi luật lệ.
So sánh hàng nhái với hàng thật trong cửa hiệu |
Tuy nhiên, tuần trước, chính phủ Trung Quốc tuyên bố, sẽ mở cuộc truy quét hàng nhái kéo dài 6 tháng. Trong nửa cuối của năm 2009, hải quan Trung Quốc thu giữ 2,6 triệu món hàng nhái từ kiện hàng bưu điện, Meng Yang, một tổng giám đốc hải quan cho biết tại Thượng Hải tháng trước. Các chuyên gia cho biết, con số trên chỉ là một phần nhỏ số hàng giả từ Trung Quốc xuất đi nước ngoài.
Có bàn tay của băng nhóm tội phạm
Richard Halverson, thuộc Trung tâm phối hợp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ quốc gia Mỹ nhận xét, số tiền thu về từ việc bán hàng nhái quá lớn khiến "chúng tôi thấy các tổ chức tội phạm, băng nhóm buôn thuốc phiện bắt đầu chuyển hướng sang ngành này vì việc buôn bán hàng nhái cho lợi nhuận cao, ít rủi ro hơn".
Mặc dù các cơ quan liên bang Mỹ đã rất nỗ lực trong việc ngăn chặn việc buôn bán hàng nhái qua mạng song nó không diệt được tận gốc vấn đề. Thông thường, sau khi thu thập được bằng chứng, nhà chức trách Mỹ chỉ có thể đóng cửa trang web bán hàng nhái, như trang Ericwhy.
Morton, lãnh đạo ICE - cơ quan điều tra tội phạm lớn thứ hai của chính phủ Mỹ, sau FBI, cho biết: "Hàng giả và hàng nhái ngày càng trở thành trọng tâm của các tổ chức tội phạm. Nó tác động tới mọi khía cạnh của ngành kinh doanh và sản xuất của Mỹ. Các bộ phận động cơ máy bay dởm, thuốc dởm, đồ điện dởm".
Internet khiến các công ty vô đạo đức bán hàng giả, hàng nhái dễ dàng hoạt động hơn nhiều. Bạn không cần tới góc khu Fourth & Main mua túi Gucci giả. Bạn chỉ cần đặt hàng qua Internet, Morton nói.
Hàng nhái ngày càng tinh vi và khó phân biệt với hàng thật. Ngày trước, ông Morton cho hay, ai cũng biết đó là một sản phẩm nhái vì nó giống mẫu hàng rẻ của hàng xịn. Tuy nhiên, hiện giờ, hàng nhái bắt chước hàng thật nhiều nhất có thể để bán giá cao và thu về nhiều lợi nhuận.
-
Hoài Linh (Theo Reuters)