Với mức giá bằng khoảng 1/10 giá túi xịn, túi nhái của thương hiệu xa xỉ nổi tiếng Louis Vuitton được bày bán khắp mọi nơi và cả trên internet. Đằng sau nó là cả một bộ máy đồ sộ.
Phóng viên của hãng Reuter đã cất công làm một cuộc điều tra về hệ thống làm nhái ở Trung Quốc cũng như đường dây phân phối.
Túi Louis Vuitton dởm nhìn khó phát hiện điểm khác biệt với túi thật |
Ngay khi nhìn chiếc túi Lous Vuitton đeo vai, bất cứ ai cũng có thể nhận thấy đó là hàng nhái vì nó được để trong một chiếc hộp từng dùng để vận chuyển ắc quy. Những cảnh báo in phía trong hộp có nội dung: "Nguy hiểm, chứa acid sulfuric" và "Độc - Có thể gây bỏng nặng". Rõ ràng, đây không phải là thông điệp gắn kèm sản phẩm của một trong những thương hiệu xa xỉ nổi tiếng thế giới.
Tuy nhiên, chắc chắn là chiếc túi này rất giống thật. Chiếc túi có màu nâu đậm, quai viền có miếng thẻ kim loại và dòng chữ biểu tượng cho thương hiệu Louis Vuitton in khắp túi.
Tôi đã đặt mua túi từ một website có tên gọi ericwhy để dành cho bài viết đặc biệt với nội dung khám phá những vấn đề ngày càng lớn: hàng giả được bán trên Internet.
Phanh phui từ manh mối công khai
Phóng viên Reuters muốn truy tìm ngọn nguồn của vấn đề từ vai trò một người tiêu dùng ở Washington D.C tới nhà sản xuất giấu mặt tại Quảng Châu, Trung Quốc, nơi một đồng nghiệp của phóng viên là Melanie Lee đã tìm được các xưởng sản xuất và thị trường trái phép cho những món hàng này.
Ericwhy, có trụ sở tại Quảng Châu, gọi những món hàng của họ là "sự lựa chọn khác xuất phát từ những sáng tạo của nhà thiết kế thay cho hàng Louis Vuitton xịn" trên trang web bán hàng của mình. "Chúng tôi không nhận trách nhiệm dân sự hay hình sự nào đối với hành động của những người mua hàng của chúng tôi".
Túi Louis Vuitton nhái bán trên mạng. |
Tuy nhiên, các quan chức hành pháp Mỹ cho biết, trang web trên và nhiều trang tương tự bán một loạt hàng hóa trên mạng như quần áo, đồ điện tử, giày dép, đồng hồ, thuốc đều là bất hợp pháp và họ sẽ mạnh tay với các hoạt động này.
Việc buôn bán hàng giả qua Internet đã tăng mạnh trong vài năm qua, biến nó từ một "nốt ngứa" với kinh doanh trở thành một mối đe dọa nghiêm túc về cạnh tranh, các quan chức hành pháp Mỹ nói. Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế ước tính, số lượng hàng nhái, ăn cắp bản quyền trong thế giới thương mại đã tăng từ khoảng 100 tỷ USD năm 2001 lên 250 tỷ USD vào năm 2007, năm gần nhất mà họ đưa ra ước tính. Trong khi không có một ước tính riêng rẽ về số tiền thu được qua bán hàng nhái trên mạng, giới chức cho biết, nó rất đáng kể.
"Internet đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của vấn đề, khiến nó phức tạp và lan tràn hơn nhiều", John Morton, trợ lý Bộ trưởng phụ trách hải quan và nhập cư nói. "Toàn ngành hiện bị tấn công, không phải từ đường phố mà từ Internet".
Khách hàng ghé vào trang www.ericwhy.com có thể lựa chọn từ hơn 1.800 chiếc túi nhái của Louis Vuitton, từ túi đeo vai màu hồng tới ví cầm tay chỉ có một màu đỏ sáng hoặc loại túi màu nâu cổ điển.
Chiếc túi mà tôi (phóng viên Reuters) đặt mua có giá 122 USD, phí vận chuyển là 40 USD, và theo nhận định của người viết, giá này không hề rẻ. Tuy nhiên, nó cũng đáng kể khi so với những chiếc túi thật bán tại cửa hàng bán lẻ của Louis Vuitton có giá từ 1.000 USD hoặc hơn.
Việc đặt hàng khá đơn giản, tôi điền địa chỉ của mình ở Washington D.C và thông tin thẻ tín dụng, rồi ngay lập tức nhận được thư của công ty thẻ cảnh báo gian lận có thể có với tài khoản của mình. Không lâu sau đó, tôi nhận được lá thư thứ hai, lần này là biên lai của hãng chuyển phát nhanh EMS với thông số mà tôi có thể lần theo gói hàng của mình.
Chiếc túi rời Quảng Châu, Trung Quốc vào ngày 14/9 và xuất hiện trên bàn làm việc của tôi vào ngày 20. Nó được gói trong một chiếc túi màu vàng có logo của Louis Vuitton và mùi da sực nức. Tuy nhiên, có một điểm không chuẩn lắm, dòng chữ bằng tiếng Anh ghi "Louis Vuitton tạo cho bạn sản phẩm da đẳng cấp". Dòng chữ bất ngờ chấm dứt mà thiếu từ túi.
Tôi cầm chiếc túi tới cửa hàng Louis Vuitton tại Chevy Chase, Maryland để so sánh với một chiếc túi xịn. Nhân viên cửa hàng, một nam giới cao lớn mặc vét thanh lịch tỏ ra kiềm chế khi nói: "Chúng tôi chỉ nói về sản phẩm của hãng. Chúng tôi không có chiếc túi nào như thế này". Sự từ chối này cũng dễ hiểu, vì Louis Vuiiton không muốn nhân viên cửa hàng nói rằng các sản phẩm của họ bị làm nhái dễ dàng như thế nào.
Năm ngoái, hải quan và các cơ quan hành pháp khác của Mỹ đã thu giữ gần 15.000 món hàng nhái, 80% xuất xứ từ Trung Quốc. Túi nhái là món hàng bị tóm nhiều thứ ba sau hàng điện tử gia dụng và giầy dép. Theo cơ quan chức năng Mỹ, khi đề cập tới hàng giả và nhái thương hiệu, Trung Quốc chính là công xưởng làm giả của thế giới.
Một xưởng sản xuất hàng hiệu nhái ở Trung Quốc |
Hang ổ sản xuất túi hàng hiệu nhái
Thành phố bẩn thỉu Shiling, cách Quảng Châu một giờ xe chạy, có ngành công nghiệp thuộc da lớn nhất ở Trung Quốc. Những năm 1980, các công ty đa quốc gia từ mọi ngành công nghiệp bắt đầu đồng ý nhận các món hàng da từ tỉnh Quảng Đông.
Tới cuối những năm 1990, các công xưởng nhỏ tại những vùng ngoại ô kín đáo nằm gần các nhà máy làm thuê bắt đầu bung ra làm hàng nhái các sản phẩm mà nhà máy được thuê sản xuất. Ngày nay, hầu hết các sản phẩm da thật của Shiling đều phục vụ cho ngành thương mại hàng nhái.
Tại một công xưởng gần trường phổ thông Shiling, có thể các bà các cô ngồi cắt, khâu da bên cửa sổ. Những người đàn ông cao lêu ngêu la cà bên cạnh làm nhiệm vụ cảnh giới. Những nơi như thế này đôi khi là mục tiêu đột kích của cảnh sát.
Zhou She, một thám tử tư có nhiệm vụ "đánh hơi" các hoạt động làm hàng giả nói với phóng viên Reuters về những nơi này song chúng tôi phải hoạt động lén.
Bước rón rén quanh công xưởng - là ngôi nhà 3 tầng và nhìn những người đàn ông, phụ nữ dập máy móc kim loại lên da ở sân sau, có cảm giác chúng ta đang ở trong hang ổ của bọn cướp. Cảnh sát cho hay, các băng nhóm tội phạm có tổ chức, đôi khi là hội tam hoàng, thường có liên quan sâu tới các vụ làm giả, Zhou nói.
Các hãng nổi tiếng xa xỉ thuê Zhou để thu thập thông tin về địa điểm nhà kho và xưởng sản xuất hàng nhái. Từ đó, họ thu thập bằng chứng để thuyết phục cảnh sát Trung Quốc tiến hành đột kích.
Các công xưởng mua túi xịn và dỡ tung ra để nghiên cứu. Tất cả mọi thứ, từ miếng kim loại tới những miếng da của một chiếc túi Louis Vuitton đều được làm tại Trung Quốc. Sau đó, các phụ kiện được tập trung và ráp thành túi tại một trong những công xưởng tại Shiling, gần Baiyun, sân bay cũ tại bắc Quảng Châu.
Chợ đồ da Baiyun ở Quảng Châu là một trong những trung tâm hàng giả của thế giới khi nói tới việc bán buôn đồ da và phụ kiện, các chuyên gia cho hay.
Túi nhái của những hàng như Louis Vuitton, Gucci, Prada và Hermes nếu được lấy ra từ các cửa hiệu và chất đống ở một chỗ sẽ chiếm hết 5 sân bóng đá. Các cửa hiệu nhỏ cung cấp phụ kiện như túi giấy giả, hóa đơn và catalogue cho cửa hàng bán buôn.
-
Hoài Linh (Theo Reuters)
Kỳ II: Những ổ tội phạm đứng sau những chiếc túi đẹp