Phủ Điền là một "ổ" sản xuất giày đế mềm giả. Các nhà máy ở đây chuyên sao chép đủ loại nhãn hiệu giày nổi tiếng như Nike, Adidas, Puma và Reekok. Chúng tôi xin giới thiệu bài phóng sự điều tra của nhà báo Nicholas Schmidle đăng trên tờ Thời báo New York về thực trạng này.
TIN BÀI NỔI BẬT |
|
---|---|
Một chủ cửa hiệu ở Italy đã đặt một nhà máy giày Trung Quốc ở Phủ Điền sản xuất 3.000 đôi giày thể thao Nike Tiempo màu trắng. Đó là vào đầu tháng 2 năm 2010 và chủ đơn hàng muốn có lô giày này ngay lập tức.
Cả ông ta và Lin, giám đốc nhà máy, đều không được phép sản xuất giày Nike. Họ không có các thiết kế chi tiết hay chỉ dẫn để mà làm theo. Nhưng Li không bận tâm. Anh đã quen với việc bắt đầu từ hai bàn tay trắng.
Một tuần sau đó, Lin - người đã yêu cầu tác giả bài viết chỉ dùng tên gọi này - nhận được một đôi giày Tiempos chính hiệu. Anh ta dỡ nó ra, nghiên cứu cấu trúc và đường khâu của chúng, vẽ bản thiết kế của riêng mình và chỉ đạo, giám sát sản xuất 3.000 đôi giày Nike giả giống y chang. Một tháng sau đó, anh ta chuyển lô hàng này tới Italy.
"Anh ta sẽ đặt hàng thêm khi đã bán hết số ấy", Lin nói với tôi đầy tự tin.
Kể từ khi trưởng thành, Lin dành hầu hết thời gian vào công việc sản xuất giày đế mềm nhưng người đàn ông này chỉ bắt đầu làm hàng giả từ cách đây 5 năm.
"Những gì chúng tôi sản xuất phụ thuộc vào đơn hàng", Li cho biết. "Nếu ai đó muốn giày Nike, chúng tôi sẽ cho ra giày Nike".
Phủ Điền, một "hang ổ" sản xuất giày đế mềm giả như lời một luật sư về sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc, nằm trên địa bàn tỉnh Phúc Kiến, đông nam Trung Quốc. Vào những năm 1980, một kiểu nhà máy mới ra đời chuyên sao chép các nhãn hiệu giày nổi tiếng như Nike, Adidas, Puma và Reekok.
Những người làm hàng giả chơi trò giá rẻ, đút lót lao động tại các nhà máy được cấp phép để họ ăn trộm mẫu mã hoặc sao chép thiết kế chi tiết. Giày thậm chí còn được ném qua tường nhà máy, theo một nhân viên tại một trong những nhà máy giày Nike ở Phủ Điền. Không có gì là bất thường khi thấy các mẫu giả xuất hiện trên kệ hàng trước cả khi mẫu thật được tung ra thị trường.
"Không thể làm như vậy được nữa", Lin nói với tôi, miêu tả các biện pháp an ninh được tăng cường tại các nhà máy "xịn": bảo vệ, máy quay giám sát và cả tường chắn vòng ngoài. "Giờ đây, chúng tôi phải tới một cửa hàng bán giày thật, mua một đôi mang về rồi thiết kế y hệt".
Hàng giả có đủ loại chất lượng, phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ mà họ nhắm tới. Giày từ Phủ Điền được thiết kế chủ yếu để xuất khẩu. Nơi đây nổi tiếng với hàng giả "sành điệu", những đôi giày được sản xuất tinh vi đến nỗi khó có thể phân biệt được đâu là thật, đâu là giả.
Trong năm tài khóa năm ngoái, Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ đã thu giữ một lượng hàng giả trị giá 260 triệu USD. Trong số các hàng giả thu giữ được có DVD, chân phanh, linh kiện máy tính và sữa công thức dành cho trẻ. Nhưng trong 4 năm qua, giày giả đứng đầu về số lượng trong danh sách thu giữ của hải quan.
Trênthực tế, nhu cầu về hàng nhái phản ánh mức cầu về hàng thật. Nike được xem là nhãn hiệu bị nhái nhiều nhất. Một nhân viên Nike ước tính cứ hai đôi giày Nike xịn thì có một đôi giày giả. Tuy nhiên, Peter Koehler - luật sư phụ trách nhãn hiệu và kiện tụng của Nike trên toàn cầu - nói rằng "tính toán số lượng hàng giả, nói thẳng ra, là điều không thể".
Nhà máy của Lin cao 5 tầng, phía trước là một chiếc cổng sắt màu nâu. Đó là một buổi chiều hè khi tôi tới thăm. Lin năm nay 32 tuổi, để ria và có nụ cười dễ mến.
Anh đón tôi bên ngoài nhà máy và dẫn qua cánh cổng. Chúng tôi leo qua hai dãy cầu thang bằng nhôm và bước vào nơi sản xuất ầm ĩ những âm thanh ken két, xì xuỵt. Khoảng vài chục công nhân đang làm việc ở các khâu khác nhau. Các hộp Nike và Adidas xếp thành đống ở một góc, một chồng mũi giày Asics xếp ở góc khác.
Một tấm bảng trên tường bên trong lối ra vào nhà máy đăng tin tuyển nhân viên khâu giày làm ở các ca khác nhau; Bản tin không đả động gì đến sự bất hợp pháp của nhà máy này.
Công việc quản lý một nhà máy sản xuất giày nhái đã đưa Lin vào giữa một doanh nghiệp xuyên quốc gia trị giá nhiều tỷ đôla chuyên sản xuất, phân phối và bán hàng giả.
Sau khi dạo quanh thăm quan dây chuyền sản xuất, Lin và tôi leo lên một cầu thang nữa tới tầng áp mái. Một cơn gió nhẹ ào qua nhánh sông nằm đằng sau tòa nhà.
Tốc độ phát triển ở Phủ Điền, một thành phố khoảng 3 triệu dân, nhanh chóng mặt. Từ cửa sổ khách sạn tôi ở nhìn ra, các nhà chung cư cao tầng đang xây dở giống như một lớp nền mà mỗi buổi sáng lại nhích cao lên.
Chúng tôi ngồi trong văn phòng Lin ở tầng thượng. Lin lau nước vương vãi trên chiếc bàn rồi pha một ấm trà xanh trong khi tính toán lại mẻ giao dịch với chủ hiệu giày người Italy hồi đầu năm. Sau khi rót trà vào chén mời tôi và người phiên dịch, Lin xin lỗi và chạy xuống cầu thang. Anh trở lại với ba mẫu, trong đó có một chiếc Nike Tiempo giả, chiếc đầu tiên trong lô và sẽ được gửi cho vị khách hàng Italy để đảm bảo đáp ứng đủ tiêu chuẩn yêu cầu. Một bên giày có ghi nguệch ngoạc ngày và chữ ký của Lin bằng bút mực xanh.
Lin giải thích rằng có nhiều "mức độ giả mạo khác nhau. Một số là chất lượng kém và trông khác xa hàng xịn. Nhưng nhiều loại có chất lượng cao và giống y của thật. Chỉ có một cách để nói lên sự khác biệt giữa hàng giả và hàng của chúng tôi là mùi keo dán".
Trung tâm Điều phối Quyền Sở hữu trí tuệ quốc gia là cơ quan chống hàng giả của Mỹ. Nằm giữa những tòa nhà văn phòng ở Arlington, Vigirnia, Trung tâm này gồm nhiều đại diện từ ngành hải quan, nhập cư, bảo vệ biên giới, quản lý thực phẩm và dược phẩm, FBI, Văn phòng Nhãn hiệu thương mại và sáng chế, Bưu điện, Cục Điều tra tội phạm quốc phòng, Cục điều tra tội phạm Hải quân cùng nhiều cơ quan chính phủ khác.
J. Scott Ballman, một điệp vụ có mái tóc ngắn và chất giọng Tennessee, là Phó giám đốc Trung tâm. Vì tham gia ngành hải quan từ đầu thập niên 1980, Ballman nắm rõ tiến trình phản ứng của lực lượng thi hành luật trước những kẻ vi phạm sở hữu trí tuệ hơn bất kỳ ai khác. Trong vụ đầu tiên, ông và đồng nghiệp đã điều tra và bắt giữ một nhóm người ở Miami vì lắp ráp đồng hồ giả năm 1985.
Năm 1998, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đã nghiên cứu ảnh hưởng của tội phạm sở hữu trí tuệ và kết luận rằng nỗ lực thi hành luật liên bang không đủ sự phối hợp. Một sắc lệnh được ban ngay sau đó, kết hợp vai trò của Trung tâm Phối hợp Quyền sở hữu trí tuệ quốc gia. Hai năm sau đó, một văn phòng tạm thời được mở ở Washington nhưng sau vụ 11/9, việc truy quét hàng giả không còn là ưu tiên số 1.
"Các nguồn lực và tâm điểm đã thay đổi chỉ trong một đêm. Các mật vụ chuyển hướng vào chống khủng bố và vũ khí hủy diệt hàng loạt".
Đến thời Obama, sở hữu trí tuệ được chú ý hơn. "Tài sản đơn lẻ lớn nhất của chúng ta là sự đổi mới, tài khéo léo và sự sáng tạo của người Mỹ", Tổng thống Barack Obama khẳng định trong một bài phát biểu hồi tháng 3. "Nhưng đó là một lợi thế cạnh tranh nếu các công ty của chúng ta biết rằng ai đó không thể ăn cắp ý tưởng và làm giả chúng bằng những nguồn vào và nhân công rẻ hơn".
Để thực thi chiến lược sở hữu trí tuệ của mình, ông Obama đã bổ nhiệm một người điều phối thi hành sở hữu trí tuệ, trong khi Cục Hải quan và Nhập cư tiếp sức cho Trung tâm Điều phối quyền sở hữu.
Vậy những nỗ lực như vậy có tạo ra một sự khác biệt? Theo Bob Barchiesi, Chủ tịch Liên hiệp Chống Hàng giả quốc tế, chừng nào còn nhu cầu thì khi đó vẫn sẽ có nguồn cung.
Barchiesi vừa trở về sau chuyến đi tới Trung Quốc, điểm khởi nguồn của gần 80% hàng hóa mà cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới thu giữ trong năm tài khóa vừa qua.
Một ngày nọ, Barchiesi chứng kiến các nhà chức trách Trung Quốc quy quét một nhà máy sản xuất quần jean nhái. Nhà máy này, các lao động và trang thiết bị của nó vẫn còn nguyên. Barchiesi gọi cuộc truy quét là một cuộc "trình diễn".
(Còn tiếp)
- Thanh Hảo (Theo NY Times)