Du khách ngoại kể 'cơn ác mộng' sang đường ở phố ta
Cập nhật lúc 14:44, Thứ Năm, 26/08/2010 (GMT+7)
Margie Goldsmith đã từng tới thăm 116 nước trên thế giới. Đến mỗi một quốc gia, cô đều viết về trải nghiệm của mình. Khi ở Việt Nam, cô thốt lên: Làm sao có thể sang đường vì xe nọ tiếp xe kia như mắc cửi, lại chẳng có đèn báo dừng?
Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Margie Goldsmith trên báo Huffington Post về cảnh sang đường ở TP.HCM:
TIN BÀI MỚI |
|
---|---|
Giao thông trên một đoạn đường ở TP.HCM. (Ảnh: AC)
Tôi đang dạo bộ ở TP. Hồ Chí Minh của Việt Nam, nơi người địa phương vẫn quen gọi là Sài Gòn.
Chỉ mới 7h sáng nhưng đã có quá nhiều xe cộ chạy trên đường, chủ yếu là xe máy. Đàn ông thì mặc đồ tây còn phụ nữ phủ kín người bằng những chiếc áo dài tay, găng tay và khẩu trang. Một số còn đội nón trùm chiếc mũ xe máy trên đầu họ.
Tôi bước qua một đám người ăn sáng ngay trên vỉa hè. Họ ngồi trên những chiếc ghế nhựa màu đỏ nhỏ xíu. Ai nấy đều chén Phở (một tô nước súp mì truyền thống kèm với thịt bò và gia vị). Họ dùng đũa, xì xụp từng sợi phở trắng mỏng. Một bé trai ngồi khom dưới đất đánh giày.
Tôi bay từ New York tới đây đêm qua và ngủ lại ở khách sạn Caravelle. Người hướng dẫn sẽ đến trong vòng nửa tiếng nữa để đưa tôi đi tham quan thành phố, nhưng tôi vẫn muốn ra ngoài để tận hưởng không khí buổi sáng sớm nơi này.
Mặc dầu vẫn còn rất sớm nhưng cứ vài phút lại có một người đến chào mời tôi lên một loại xe có tên gọi xích lô. "Thưa bà, bà có cần một người dẫn đường không?" hoặc "Bà muốn đi đâu? Tôi sẽ chở bà".
Thêm một bác xế xích lô nữa xuất hiện? "Có hướng dẫn viên chưa?" - "Hướng dẫn viên của tôi sắp đến", tôi trả lời. "Vậy tôi sẽ chở bà đi khoảng 10 phút nhé", người đàn ông này đề nghị. Tôi lắc đầu nói Không.
Tôi bước tới một quần hàng ghi "Bánh bao + hamberger". Có Hambuger ở đây ư? Tôi vừa chụp một kiểu ảnh thì một người đàn ông đạp xích lô tiến lại và nói: "Muốn chụp ảnh đẹp không? Lên xe, tôi sẽ dẫn đi". Tôi tò mò. Ảnh đẹp là gì vậy?
Anh ta đỡ cánh tay tôi, nhưng tôi từ chối lên xích lô. "Nào, chúng ta chuẩn bị sang đường". Anh ta nói gì vậy? Làm sao có thể sang đường vì xe nọ tiếp xe kia như mắc cửi, lại chẳng có đèn báo dừng?
Người đàn ông đưa tôi qua bên kia xích lô để chiếc xe bảo vệ tôi. Dòng xe máy, xe ôtô tiếp nối không ngừng, như một đàn linh dương đầu bò đang di trú với những tiếng bíp bíp vang lên từ mọi hướng.
Tôi nhẹ cả người khi được người đàn ông cùng chiếc xe xích lô che chắn khỏi luồng xe cộ đông đúc. Tôi nghĩ mình phải trả công xứng đáng cho anh ta. Anh ta đã đưa tôi sang đường an toàn.
"Anh làm thế nào vậy?", tôi hỏi. - "Bà phải bước rất chậm, hoặc bà đặt tay vào đây và bước nhanh" - anh ta trả lời và đặt tay lên tim mình.
Anh đưa tôi tới một công viên nhỏ ở giữa một vòng xoay nhưng không thấy có gì hay để chụp ảnh. Tôi quay lại và tìm người hướng dẫn, nhưng anh ta đã đi rồi.
Ôi, giờ tôi phải tự mình sang đường. Thật là một cơn ác mộng. Tôi liều thử. Một chiếc xe máy lao thẳng vào tôi. Tôi nhảy phắt về vỉa hè. Người lái xích lô ban nãy đâu rồi? Tôi sẽ trả anh gấp đôi để anh dẫn tôi sang đường.
Tôi nín thở và thử liều một lần nữa nhưng một chiếc ôtô vọt lên, cảm tưởng như nó đè cả lên người tôi. Trời ạ, sẽ không bao giờ xe ngừng chạy. Tôi sẽ kẹt ở đây cả buổi sáng mất thôi. Bỗng nhiên, tôi nhìn thấy một cảnh sát. Anh từ đâu đến vậy? Tôi ra hiệu và anh nắm lấy cánh tay tôi, lịch sự đưa tôi qua đường. Thật hạnh phúc.
Hai ngày sau đó, tôi tới Nha Trang. Khách sạn Sheraton mà tôi ở nhìn ra bãi biển, nhưng muốn tới đó, bạn phải vượt ngang một con đường lớn, y như ở Sài Gòn, cũng chẳng có đèn giao thông trong khi xe cộ chạy nườm nượp.
Nhưng sau đó, tôi phát hiện ra rằng, sang đường ở Nha Trang không phải là một vấn đề, bởi vì Sheraton đã thuê một người chuyên giúp những người yếu bóng vía như tôi sang đường, từ 7h sáng đến tận đêm.
- Thanh Hảo (gt)
,