Liệu những lợi ích hiện tại và dài hơi thu được từ việc đăng cai World Cup có bù đắp được hàng tỷ đôla mà Nam Phi đã đổ vào để phục vụ cho sự kiện này?
TIN BÀI LIÊN QUAN |
|
---|---|
Sân vận động Green Point khi còn xây dở.
Tính đến khi tiếng còi World Cup đầu tiên cất lên ở Nam Phi, các công tác chuẩn bị cho ngày hội bóng đá thế giới này đã ngốn hết hơn 6 tỷ USD tiền từ FIFA và các quỹ công của nước chủ nhà.
Trong âm thanh ầm ĩ inh tai của hàng triệu cây kèn vuvuzela, liệu Nam Phi gặt hái được những gì khi đăng cai World Cup để chứng minh rằng "châu Phi có thể đưa ra lời hứa, giữ đúng lời hứa và thực hiện chúng?".
Rõ ràng, World Cup làm thay đổi hoàn toàn những khái niệm cũ rích về "lục địa đen" bên cạnh một Nam Phi tiếp tục nhận được sự chú ý của toàn cầu. Những lợi ích này là vô giá song nhưng trong nhiều thập niên nữa những người đóng thuế ở Nam Phi sẽ vẫn phải oằn lưng trả cho World Cup 2010.
Những người hoài nghi đặt câu hỏi là liệu Pretoria, thủ đô hành chính của Nam Phi, có dám chi 1 tỷ USD cho các dự án về kinh tế xã hội như chi cho 10 sân vận động hoành tráng phục vụ World Cup nếu Nam Phi không được đăng cai ngày hội thể thao thế giới?
Hầu hết dân chúng ở Nam Phi, nền kinh tế lớn nhất châu Phi, vẫn phải sống rất lam lũ. Họ cần nhiều trường học hơn sân vận động, cần hệ thống vệ sinh tốt hơn là những bảng điện tử ghi kết quả các trận cầu. Họ cũng cần các bệnh viện tốt hơn với nhiều thuốc men hơn và chi phí chữa trị rẻ hơn là những con tàu cao tốc, những khu chung cư tốt hơn là những khách sạn tráng lệ dành cho thể thao.
Vậy, những lợi ích về kinh tế và tâm lý thu được từ việc tổ chức "Đợt trình diễn lớn nhất hành tinh" này có đảo chiều được những ảnh hưởng của 40 năm chính sách giáo dục Apartheid?
Tỷ lệ mù chữ ở Nam Phi hiện ở mức 24% dân số tuổi từ 15 trở lên trong khi đội ngũ giáo viên được đào tạo rất kém, theo báo cáo của tổ chức Phát triển Con người Liên Hợp Quốc. Tỷ lệ bỏ học trên 50% và bất chấp chính phủ đã chi 20% ngân sách cho các chương trình giáo dục, khoảng 30% những người trưởng thành (tương đương 6-8 triệu dân) vẫn không biết chữ. Và theo thống kê, cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người thất nghiệp.
Để xóa bỏ những bất bình đẳng do chủ nghĩa Apartheid để lại, vào năm 2008, chính phủ Nam Phi đã thực hiện chiến lược tăng trưởng BEE để bù đắp cho những người thua thiệt thông qua chuyển nhượng quyền sở hữu, quản lý và kiểm soát tài chính của các công ty, công bằng về việc làm và mua ưu đãi.
Một nửa trong tổng số 50 triệu dân Nam Phi vẫn phải sống dựa vào chưa đến 1,25 USD mỗi ngày. (Ảnh: Reuters)
Nhưng một nửa trong tổng số 50 triệu dân Nam Phi vẫn phải sống dựa vào chưa đến 1,25 USD mỗi ngày. Theo báo cáo Phát triển nhân quyền Liên Hợp Quốc năm 2009, Nam Phi xếp thứ 129 trong tổng số 182 nước về Chỉ số Nghèo (HPI) - một chỉ số về các tiêu chuẩn sống của một quốc gia.
Đất nước Cầu vồng còn có tỷ lệ tội phạm thuộc hàng cao nhất trên thế giới, theo Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của LHQ (UNODC). Nước này đứng thứ 1 về nạn hành hung, thứ hai về giết người (Johannesburg được mệnh danh là thủ đô án mạng của thế giới) và hãm hiếp tính theo đầu người. Ước tính có khoảng 500.000 vụ cưỡng dâm được báo cáo hàng năm.
Nam Phi cần đạt được rất nhiều mục tiêu về kinh tế - xã hội, trong đó có cuộc chiến chống HIV/AIDs và bệnh lao. Ngay ở thành phố Khayelitsha - nơi có sân vận động Green Point hoành tráng với 64.100 ghế ngồi - chỉ có 3 bệnh viện công trong khi nước sinh hoạt không đủ cung cấp cho dân số hơn 1,5 triệu người.
LHQ xếp Nam Phi vào hàng có thu nhập trung bình với nhiều nguồn lực dồi dào, cơ sở hạ tầng về giao thông, năng lượng, thông tin liên lạc và tài chính phát triển tốt. Nước này nằm trong top 20 thị trường chứng khoán trên thế giới.
Nhưng Mthobeli Zona, phó chủ tịch một tổ chức ở Khayelitsha, nhận xét trên báo Sowetan của Nam Phi rằng "Chúng tôi đang phải sống ở những nơi hôi hám và bẩn thỉu. Chúng tôi không có việc làm. Cuộc sống thì tệ hại. Không có nhà vệ sinh. Không có điện".
Hiện chưa rõ Nam Phi sẽ sử dụng các sân vận động xây cho World Cup 2010 vào việc gì ngoài các sự kiện thể thao? (Ảnh: AP)
Hiện chưa rõ Nam Phi sẽ sử dụng các sân vận động xây cho World Cup 2010 vào việc gì ngoài các sự kiện thể thao?
Tuy nhiên, FIFA đã tính đến nhiều yếu tố trước khi trao cho nước này quyền đăng cai World Cup. Trong số đó có khả năng tiếp đón 450.000 du khách, các hệ thống giao thông, lòng mến khách, công nghệ thông tin và các cơ sở thể thao đủ tiêu chuẩn quốc tế.
Để đáp ứng yêu cầu của FIFA, chính phủ Nam Phi đã chi 1 tỷ USD vào việc xây mới và nâng cấp các sân vận động, 8 triệu USD vào hệ thống giao thông công cộng trong khi an ninh, nơi ăn chốn ở, xây dựng thương hiệu và marketing ngốn hết 2 tỷ USD, theo Danny Jordaan, Chủ tịch Ban tổ chức World Cup Nam Phi.
Các khoản chi khổng lồ này mang lại cho Nam Phi một số lợi ích về kinh tế. World Cup đã góp phần tạo ra 160.000 việc làm mới, theo ông Jordaan. Chẳng hạn, 8.000 sĩ quan cảnh sát bổ sung và 2.000 dân thường đã được huy động để bảo vệ an ninh trong khi các nhà thầu và nhà cung cấp "mỉm cười" suốt quãng đường tới ngân hàng.
Theo hãng kiểm toán Deloitte Worldwide, các nước đăng cai World Cup trung bình được hưởng mức tăng ít nhất 0,3% GDP trong thời gian diễn ra các vòng thi đấu chính. Nhưng đăng cai World Cup không nhất thiết biến thành phát triển kinh tế.
Khi Mexico đăng cai World Cup năm 1970, kinh tế nước này tăng 6,9% nhưng giảm xuống còn 4,2% sau khi sự kiện này kết thúc, theo số liệu trên trang web Soccerphile. Tây Đức không khá hơn. Italy rơi vào tình trạng tương tự sau Italia’ 90 với mức tăng trưởng giảm 0,6% từ mức 2% (còn 1,4%). Mỹ cũng vậy. Nền kinh tế lớn nhất thế giới lao dốc từ mốc 4% xuống còn 2,4% sau World Cup 1994.
Chỉ có Argentina và Tây Ban Nha là lần lượt hưởng mức tăng trưởng nhảy vọt từ -3,4% lên 7,1% và 1,2% lên 1,8% sau khi đăng cai World Cup 1978 và 1982. Mexico cũng nâng được con số này từ -3,7% tới 1,7% sau World Cup 1986.
Thế nhưng, những lợi ích hậu World Cup như vậy vẫn chưa thấy rõ ở Nam Phi.
- Thanh Hảo (Theo The Citizen)