Công ty dầu khí Na Uy Statoil ngày 21/5 tuyên bố chấp thuận bán cho Tập đoàn Sinochem của Trung Quốc 40% cổ phần (trị giá 3 tỉ USD) mỏ Peregrino ở ngoài khơi Campos của Brazil.
Tin bài mới
Tuyên bố về Peregrino đưa ra tiếp theo thông tin khác từ tháng 3 khi một công ty dầu khí quốc doanh lớn của Trung Quốc - China National Offshore Oil Company (CNOOC) – giành được 50% (3,1 tỉ USD) trong liên doanh với Bridas Energy Holdings Ltd của Argentina.
Khai thác dầu khí ngoài khơi Brazil (Ảnh Wordpress)
Những thương vụ trên cho thấy nỗ lực khôi phục các hoạt động của Trung Quốc tập trung vào Mỹ Latin, đánh dấu bằng sự hiện diện cùng số cổ phần sở hữu ngày một lớn của các tập đoàn. Mối quan tâm lớn hiển hiện của Trung Quốc trong khu vực minh chứng cho chiến lược địa chính trị của Bắc Kinh nhằm đảm bảo sự đa dạng hoá trong nguồn cung cấp năng lượng, cũng như mở ra quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ Latin.
Theo Hoàn cầu Thời báo, tại Brazil, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB), Tập đoàn Hoá dầu Trung Quốc (Sinopec) và đại gia năng lượng Brazil Petroleo Brasileiro SA (Petrobras) đã ký thoả thuận “vay đổi dầu” quy định, Petrobas sẽ cam kết cung cấp dầu trong 10 năm (khoảng 200.000 thùng/năm) cho Sinopec để đổi lại khoản vay trị giá 10 tỉ USD từ CDB trong 10 năm tới.
Ở Argentina, Chủ tịch CNOOC Dương Hoa bình luận: "Bridas, với một danh mục tài sản dầu khí đẳng cấp thế giới, là vị trí đầu cầu rất tốt để chúng tôi tiến vào Mỹ Latin. Thông qua thương vụ này, chúng tôi sẽ thiết lập sự hiện diện tốt trong khu vực, để đảm bảo tăng trưởng sản xuất và trữ lượng của công ty trong tương lai”. Bridas cũng có các hoạt động khai thác và sản xuất tại Bolivia và Chile. Theo một tài liệu của CNOOC tại sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong, hãng này sở hữu 40% cổ phần của Pan American Energy LLC, một chi nhánh của BP Plc.
Tại Venezuela, trong tháng 4, Trung Quốc đã thông qua mở rộng các khoản vay trị giá hơn 20 tỉ USD cho Caracas (chia thành khoản 10 tỉ USD và một khoản 70 tỉ nhân dân tệ - 10,25 tỉ USD). Trung Quốc và Venezuela sẽ sớm thông báo một liên doanh hoạt động tại Lô Junin-4 ở vành đai giàu dầu mỏ Orinoco, ước tính mang lại khoảng 2,9 tỉ thùng dầu trong thoả thuận kéo dài 25 năm.
Theo Vương Bằng, một nhà nghiên cứu Mỹ Latin tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, ý nghĩa của các khoản vay là: “Quỹ trị giá 70 tỉ nhân dân tệ sẽ là cách kiểm nghiệm tính quốc tế hoá của đồng nhân dân tệ. Quỹ này được chi vào những vùng trữ lượng dầu khí lớn nên thoả thuận ký kết sẽ tăng vị trí của đồng tiền Trung Quốc trong giao dịch dầu khí”.
Để giảm bớt tổn thất do giá cầu tăng cao, Trung Quốc đã đẩy mạnh nỗ lực “ve vãn” Mỹ Laitin và coi đây là một trong ba nguồn cung cấp năng lượng lớn của mình (cùng Nga/Trung Á và Trung Đông/châu Phi). Trong khi nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc từ Mỹ Latin thấp hơn so với lượng nhập khẩu từ các khu vực còn lại, nước này vẫn duy trì các cam kết tại Argentina, Brazil và một số quốc gia khác.
Những thương vụ gần đây cũng chứng tỏ, sự hiện diện của Trung Quốc tại Mỹ Latin là không giới hạn để đảm bảo sự tiếp cận với các thị trường và nguồn cung sản phẩm quan trọng cho phát triển kinh tế. Đó cũng là chiến lược. Không ngạc nhiên khi thấy Brasilia và Buenos Aries nổi lên như những “trung tâm” của nỗ lực chinh phục khu vực mà Trung Quốc theo đuổi.
Các tiến triển trong thương mại, đầu tư, chính trị và hợpt ác quân sự thường liên quan tới hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. Trên thực tế, cả Brazil và Argentina đều có một ngành công nghiệp hạt nhân mạnh mẽ, công nghiệp không gian vũ trụ phát triển và cơ sở hạ tầng viễn thông tốt...
Đi ngược lại với nền tảng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các hoạt động của Trung Quốc tại Mỹ Latin ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng khiến nhiều nền kinh tế phương Tây không thể “kiểm soát” tình hình, và độ sâu của mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Quốc và các nước Mỹ Latin đang trở nên rõ ràng khi Tủng Quốc ngày càng tin tưởng và quyết đoán hơn trong việc tiến hành các chính sách đối ngoại của mình.
Thực tế đặt ra yêu cầu Washington cần quan tâm nhiều hơn tới Mỹ Latin và duy trì sự hữu nghị trong cả khu vực khi sức hút của nó đang chuyển dần về phía đông.
-
Kỳ Thư (Theo Atimes)