Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vừa tổ chức một cuộc họp khẩn về vụ biệt kích Israel tấn công các tàu chở hàng viện trợ nhân đạo tới Dải Gaza hôm 31/5. Trong khi đó, người Palestine và khối Ảrập đòi thế giới lên án và mở một cuộc điều tra độc lập.
TIN LIÊN QUAN
Việc Israel tấn công đoàn tàu chở hàng viện trợ tới Gaza ở hải phận quốc tế đang gây bức xúc trong dư luận thế giới. (Ảnh: Reuters)
Người Palestine và người Ảrập - được sự ủng hộ của một số thành viên Hội đồng Bảo an, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ - cũng yêu cầu Israel dỡ bỏ lệnh phong tỏa Gaza, ngay lập tức trả tự do cho các tàu viện trợ và các nhà hoạt động nhân đạo, đồng thời cho phép họ phân phát hàng viện trợ.
Trợ lý Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Oscar Fernandez-Taranco nói rằng, cuộc đụng độ chết người sớm 31/5 có thể tránh được "nếu như những lời kêu gọi liên tục đòi Israel chấm dứt phong tỏa Gaza được chú ý".
Ngoại trưởng Ahmet Davutoglu của Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh Hồi giáo của Israel, gọi vụ việc là "ăn cướp và không tặc" trên biển và "vụ án mạng do một nhà nước tiến hành". Ông đề nghị Hội đồng Bảo an thông qua một bản tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều nhà hoạt động trên tàu viện trợ là người Thổ.
Văn bản dự thảo ban đầu yêu cầu Hồi đồng Bảo an lên án vụ tấn công của binh lính Israel, "bằng những ngôn từ gay gắt nhất", là vi phạm luật quốc tế, bày tỏ sự chia buồn sâu sắc về sự thiệt hại nhân mạng và kêu gọi Tổng thư ký Ban Ki-moon tiến hành "một cuộc điều tra quốc tế độc lập... để xác định vụ đổ máu xảy ra như thế nào và đảm bảo những người thực hiện phải chịu trách nhiệm" và xem xét bồi thường.
Dự thảo này cũng yêu cầu Israel dỡ bỏ lệnh phong tỏa Gaza và ngay lập tức trả tự do cho các tàu hàng cũng như dân thường mà nước này đang cầm giữ.
Sau các thông điệp của 15 thành viên hội đồng, cùng với Israel và phía Palestine, Hội đồng đã tiến hành thảo luận kín để xem xét hành động có thể. Các cuộc thảo luận sau đó diễn ra ở một nhóm nhỏ hơn gồm Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Lebanon, nước đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an.
Các thành viên Hội đồng đã quyết định sẽ nhóm họp lần nữa và bàn bạc lại về dự thảo mới nhất.
Riyad Mansour, một quan sát viên của LHQ, cho rằng sẽ có nhiều thay đổi nữa đối với văn bản nói trên.
Mansour gọi vụ tấn công của Israel nhằm vào thường dân không vũ trang trên tàu nước ngoài ở hải phận quốc tế là một "tội ác chiến tranh". Ông tuyên bố "những đoàn tàu như vậy sẽ tiếp tục kéo tới cho đến khi nào lệnh phong tỏa vô nguyên tắc chấm dứt và người dân không còn phải chịu đựng đau khổ".
Đại sứ Pháp tại Liên Hợp Quốc Gerard Araud cũng đề nghị mở một cuộc điều tra "độc lập, tin cậy" phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Ông kêu gọi chấm dứt phong tỏa Gaza.
Trong khi đó, phó Đại sứ Mỹ Alejandro Wolff - không đề cập đến một cuộc điều tra quốc tế - nói: "Chúng tôi trông đợi một cuộc điều tra tin cậy và minh bạch, và mạnh mẽ kêu gọi chính phủ Israel điều tra vụ việc một cách đầy đủ".
- Thanh Hảo (Theo AP)