Để được tác nghiệp tại Nhà Trắng, một phóng viên cần đáp ứng nhiều tiêu chuẩn bao gồm cả việc được cấp thẻ báo chí quốc hội của Uỷ ban phóng viên thường trực Mỹ, sự phê chuẩn của cơ quan Mật vụ Mỹ, ....
TIN BÀI NỔI BẬT
Hàng loạt yêu cầu
Phòng họp báo của Nhà Trắng chỉ có đủ ghế ngồi cho 50 người. (Ảnh: FP)
Mới đây, sau 50 năm bám mảng tin tức Nhà Trắng, cây bút bình luận kỳ cựu của tờ báo Hearst - Helen Thomas, 89 tuổi đã tuyên bố nghỉ hưu. Động thái này diễn ra sau khi một đoạn video ghi lại những bình luận gây tranh cãi của bà Thomas về Israel bị phát tán rộng rãi trên Internet và gây ra làn sóng phẫn nộ trong một bộ phận công chúng.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Robert Gibbs gọi phát biểu của bà Thomas rằng "người Do Thái ở Israel nên quay trở lại Đức và Ba Lan" là "mang tính xúc phạm và đáng bị chỉ trích". Một câu hỏi đặt ra ở đây là: Nếu bà Thomas không tự ý rút lui thì liệu Nhà Trắng có thể buộc bà rời khỏi đội ngũ báo chí tác nghiệp ở đây hay không?
Câu trả lời rất đơn giản: Có thể là không. Để được chính thức chấp nhận tới Nhà Trắng tác nghiệp, một phóng viên trước tiên cần có sự phê chuẩn của Uỷ ban phóng viên thường trực (do các nhà báo được cấp phép bầu chọn) để nhận được một thẻ báo chí quốc hội.
Trong thực tế, một ngoại lệ trứ danh cho nguyên tắc này là Jeff Gannon - đại diện của trang web bảo thủ Talon News, người nhiều lần được phép đặt các câu hỏi, thường là thân thiện, trong những cuộc họp báo của Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush bất chấp việc ông chưa từng được trao thẻ báo chí quốc hội. Sự hiện diện của Gannon trong phòng họp báo trở thành một bê bối nhỏ khi những blogger tự do hé lộ rằng, nam phóng viên này đã cho đăng tải những bức ảnh khiêu dâm của bản thân lên Internet và từng làm một vệ sĩ đồng tính.
Trong số các tiêu chuẩn khác, phóng viên nghị trường cần phải thể hiện rằng họ làm việc cho một cơ quan báo chí có "tôn chỉ hoạt động chính là hàng ngày phổ biến tin tức và quan điểm nguyên gốc được một bộ phận đông đảo công chúng quan tâm" và "được biên tập một cách độc lập, không chịu sự áp đặt của bất kỳ tổ chức, cơ quan hay nhóm lợi ích nào đang vận động hành lang chính phủ liên bang".
Nhà Trắng cũng yêu cầu một sự kiểm tra lý lịch phóng viên bổ sung của cơ quan Mật vụ Mỹ. Hiệp hội Phóng viên Nhà Trắng (WHCA), một tổ chức của các nhà báo chuyên theo sát tổng thống, không liên quan đến quá trình xét duyệt tiêu chuẩn. Các phóng viên Nhà Trắng cũng không được yêu cầu là thành viên của WHCA.
Một khi bạn được cấp thẻ, bạn có thể xin cấp mới nó mỗi năm mà không cần trải qua quá trình thẩm tra kỹ lưỡng bổ sung. Hơn 2.000 phóng viên đã vượt qua vòng kiểm tra khắc nghiệt để tới Nhà Trắng, mặc dù đa số họ không tác nghiệp bên ngoài toà nhà này mỗi ngày và phòng họp báo của Nhà Trắng chỉ có đủ số ghế cho 50 người và chỗ đứng cho gần 30 người khác.
Do các chính quyền Mỹ nhìn chung không muốn bị đánh giá có vai trò quyết định ai là một phóng viên đủ hoặc không đủ phẩm chất, nên chúng ta chưa bao giờ nghe thấy việc một phóng viên bị đình chỉ do chất lượng đưa tin hoặc hành vi của mình. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp nổi tiếng về các phóng viên bị cấm tác nghiệp tại Nhà Trắng vì những lí do an ninh.
Một số trường hợp điển hình
Phóng viên Robert Sherrill của báo The Nation từng bị Mật vụ bác bỏ dưới chính quyền Lyndon Johnson, với lí do ông tạo nên một hiểm hoạ về thể chất đối với tổng thống. Căn nguyên của quyết định này là, hồi mới vào nghề, Sherrill từng dính líu tới một số vụ ẩu đả với các quan chức chính phủ.
Tuy nhiên, nam phóng viên này đã được báo The Nation tiếp tục giao nhiệm vụ bám mảng tin tức Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống Jimmy Carter và Ronald Reagan bất chấp việc bị cấm tiếp cận toà nhà chính phủ. Ngay cả sau khi Hiệp hội Giải phóng nhân quyền Mỹ thành công trong việc lật lại lệnh cấm Sherrill ở toà án liên bang, ông cũng không quan tâm tới việc được cấp thẻ và tuyên bố bản thân còn nhiều việc đáng để làm hơn là "chỉ ngồi chờ đợi kẻ ngớ ngẩn nào đó tiến hành họp báo".
Một phóng viên khác cũng không vượt qua được các quy định an ninh của Nhà Trắng là Trude Feldman, một cây bút tự do kỳ cựu từng cộng tác với nhiều tờ báo của người Do Thái và theo sát mọi tổng thống từ John F. Kennedy tới George W. Bush. Bà Feldman nổi tiếng vì phong cách phỏng vấn kiểu đưa đẩy. Nữ phóng viên này đã khiến những đồng nghiệp khác phải cáu tiết khi thực hiện một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với cựu Tổng thống Bill Clinton đúng vào đỉnh điểm của bê bối Monica Lewinsky và hỏi ông những câu hỏi moi móc kiểu "Ngài sẽ cố gắng để trở thành một tổng thống tốt tốt cũng như một lãnh đạo toàn cầu như thế nào?".
Các phóng viên đang giơ tay xin đặt câu hỏi tại một buổi họp báo ở Nhà Trắng. (Ảnh Know4Life)
Feldman đã bị đình chỉ tác nghiệp tại Nhà Trắng trong 90 ngày năm 2001 sau khi các camera an ninh chộp được cảnh bà lục lọi bàn làm việc của một trợ lý báo chí chính phủ vào một tối muộn. Sau đó, nữ phóng viên kỳ cựu này trở lại công việc bình thường và cuối cùng nghỉ hưu vào năm 2007.
Nhà Trắng có thể không tán thành việc xúc phạm nhưng việc tấn công các phóng viên đồng nghiệp rõ ràng là không thể được dung thứ. Một người nổi tiếng lập dị tại phòng họp báo Nhà Trắng - Naomi Nover - đã thừa hưởng thẻ phóng viên nghị trường từ chồng, một cựu nhà báo của tờ Denver Post, năm 1973 và tự trả tiền cho hầu hết các chuyến đi theo tổng thống công du nước ngoài cho tới khi qua đời vào năm 1995 dù chưa bao giờ thực sự làm bất kỳ công việc đưa tin nào.
Một lần, dưới chính quyền Carter, bà Nover bắt đầu dứ dứ chiếc túi xách tay về phía Carl Leubsdorf - phóng viên của báo Baltimore Sun vì nghĩ anh này đã cười nhạo bà. Một vài năm sau, với chiều cao chỉ 1,5 mét, bà Nover đã dùng một cái ô để đánh phóng viên ảnh Bernie Boston của tờ Los Angeles Times vì bị anh này che mất tầm nhìn Tổng thống Ronald Reagan và Mẹ Theresa.
Trong số những thành viên kỳ cựu đáng ngờ khác của đội báo chí Nhà Trắng còn có người dẫn chương trình Les Kinsolving của đài phát thanh Baltimore, người chuyên đưa tin về Nhà Trắng cho website WorldNetDaily. Trong những dịp hiếm hoi được mời đặt câu hỏi, ông Kinsolving nổi tiếng là chuyên đưa ra những ý kiến chỉ trích kịch liệt nhưng thỉnh thoảng mới dưới dạng câu hỏi. Mới đây, Kinsolving trở nên quan tâm tới tính xác thực của giấy khai sinh của Tổng thống đương nhiệm Barack Obama. Trên trang web cá nhân, Kinsolving tự gọi mình là "một trong số ít những người đủ dũng cảm đặt các câu hỏi điều tra và thậm chí mang tới sự giải khuây khôi hài".
Một trường hợp ngồi lỳ bất bình thường khác là nhà báo Ấn Độ Raghubir Goyal, người bám mảng tin tức Nhà Trắng cho báo India Globe, một cơ quan xuất bản mà website của họ chẳng chứa nội dung gì. Goyal được đông đảo biết tới là người luôn đặt những câu hỏi dài lê thê về chính sách Ấn Độ, đặc biệt đối với vấn đề Kashmir, dù điều gì khác đang diễn ra trên thế giới.
Ông Goyal cũng nổi tiếng với biệt danh "Goyal người làm nền" dưới thời cựu Tổng thống Bush vì Thư ký báo chí Nhà Trắng Scott McClellan có thói quen gọi đến ông khi đối mặt với những câu hỏi hóc búa từ những phóng viên khác. Goyal mới đây khiến một số người phải nhướn mày khi hỏi Thư ký báo chí Nhà Trắng đương nhiệm Gibbs về quan điểm của chính quyền Obama đối với yoga.
-
Thanh Bình (Theo FP)