Dân đồng tính Mỹ đòi quyền hiến máu
Cập nhật lúc 10:38, Thứ Hai, 14/06/2010 (GMT+7)
Những người đồng tính nam tại Mỹ đang hi vọng sẽ được tự do hiến máu cứu người khi chờ đợi phán quyết cuối cùng của Cục quản lý dược, thực phẩm liên bang (FDA).
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ảnh minh họa |
Các nhóm vận động đang thúc đẩy việc bãi bỏ lệnh cấm vận do tình trạng thiếu hụt lượng máu dự trữ. Một nghiên cứu mới đây tại Viện Williams trường đại học luật UCLA đã ước tính, nếu lệnh cấm đối với người đồng tính nam được bãi bỏ, hàng năm sẽ có thêm 219.000 panh (tương đương với 127.020 lít) máu dự trữ.
Hiệp hội những người đồng tính xem điều luật này là sự phân biệt đối xử một cách bất công với những người đồng tính và lưỡng tính nam. Họ cũng chỉ ra rằng, những người đàn ông có quan hệ với gái mại dâm hoặc những người đã nhiễm HIV chỉ bị cấm hiến máu trong vỏn vẹn 12 tháng.
Những người đồng tính thường xuyên bị kì thị ở nhiều nơi khi họ muốn tham gia hiến máu, kể cả ở trường học hay nơi họ làm việc. Sean Cahill, giám đốc điều hành tổ chức vì sức khoẻ của người đồng tính nam cho biết : “Chúng tôi đề nghị FDA và chính quyền phải xem xét lại cách thức bảo vệ nguồn máu hiện nay.” Ông cho biết tại Ý, Pháp và Tây Ban Nha, những điều luật đều quan tâm đến hành vi tình dục chứ không phải là xu hướng tình dục. Trong khi đó, tại Argentina, Úc và Nhật Bản cũng có điều luật áp dụng với tất cả mọi người trong thời hạn 1 năm.
Hội Chữ thập đỏ cũng đồng tình với quan điểm trên và cho rằng lệnh cấm năm 1985 là thiếu khoa học. Điều luật nên được áp dụng một cách công bằng và nhất quán cho tất cả mọi người trong việc tham gia hiến máu. Họ đưa ra đề nghị một điều luật mới, chỉ cấm vận trong vòng 1 năm hoặc trong một thời gian nhất định.
Tuy nhiên FDA đã lý giải điều luật hiện hành và chỉ ra, từ năm 1977, những người có quan hệ đồng tính nam có tỷ lệ nhiễm HIV cao gấp 60 lần so với người chỉ quan hệ nam nữ. Theo đó, điều luật này đã giúp bảo vệ chặt chẽ nhất cho nguồn máu.
Đầu năm nay, Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm đi lại và nhập cư đối với người nhiễm HIV suốt 22 năm qua, góp phần chấm dứt sự phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.
- Hạnh Lê (theo MSNBC)
,