Huyền thoại bóng đá Diego Maradona từng hứa hẹn nếu đội tuyển Argentina do ông dẫn dắt đăng quang tại Nam Phi lần này, ông sẽ trần truồng diễu hành khắp Obelisk – trung tâm thủ đô Buenos Aires. Nếu “màn thoát y” đó trở thành hiện thực, chắc chắn nó sẽ làm nhẹ đầu cộng đồng quốc tế vốn đang điên đầu với hàng loạt vấn đề nóng khác như cấm vận Iran, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, xung đột Israel – Palestine, châu Âu suy thoái kinh tế, sự nổi lên của Trung Quốc hay thảm họa tràn dầu BP trên vịnh Mexico.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chiếc kèn Vuvuzela, vật dụng cổ vũ quen thuộc của CĐV Nam Phi |
Trước hết, cần làm rõ rằng, đó không phải là bóng đá như cách người Mỹ gọi. Mà nó là bóng đá theo cách của chính người Anh sản sinh ra nó – dù người Trung Quốc hay một ai đó có nói rằng chính họ mới là người sút quả bóng đầu tiên cách đây những 5.000 năm. Và thứ bóng đá do người Anh nghĩ ra ấy đang là liều “ma túy” dụ mị loài người trên khắp hành tinh hăm hở mở hầu bao. Nhà lịch sử người Anh có tên Eric Hobsbawm từng miêu tả các màn trình diễn bóng đá là hiện thân của cuộc xung đột mang tên toàn cầu hóa: một mối quan hệ rất phức tạp giữa chủ nghĩa trọng thương và một thứ tình cảm sâu đậm mà bất kỳ người hâm mộ cuồng nhiệt nào của môn túc cầu cũng có.
Sự xung đột này không gì đáng nói nếu đơn thuần là các cổ động viên bóng đá theo dõi trận đấu trên sân cỏ. Nhưng giờ đây nó giống như những chuyện ngoài lề khi các World Cup bây giờ hóa ra là một màn trình diễn siêu hạng, được truyền hình trực tiếp cả tháng trời, và các ngôi sao sân cỏ được tung hô, cuồng nhiệt không khác gì các minh tinh màn bạc Hollywood. Bóng đá hiện đã hóa thân thành ngành công nghiệp giải trí lớn nhất toàn cầu, kể cả mãnh lực thu hút các hoạt động rửa tiền phi pháp.
Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2010 Lionel Messi đáng giá bao nhiêu? 150 triệu USD, 200 triệu USD hay 300 triệu USD? Và còn các hảo thủ khác như Cristiano Ronaldo, Didier Drogba, Wayne Rooney…giá bao nhiêu?
Ở khắp các nước đang phát triển, trên toàn lãnh thổ châu Âu…bóng đá chính là môn thể thao được toàn cầu hóa sâu rộng nhất, đánh bại tầm ảnh hưởng của các giá trị Mỹ như Hollywood, nhạc Pop, các chương trình truyền hình. Chỉ mình sức mạnh Mỹ không thể khỏa lấp niềm mong mỏi của cả thế giới được cùng “cuồng nhiệt tập thể mang tính nghi lễ tối thượng. Chơi là để chơi, chơi mang nghĩa ẩn dụ của bản thân cuộc sống, và chơi cũng là chiến đấu. Trong bóng đá, 5 thành viên thường trực của “Hội đồng bảo an Liên hợp quốc” – có quyền phủ quyết - chắc hẳn phải là những cái tên Brazil, Italia, Argentina, Đức và một số nước tranh nhau vị trí thứ 5 gồm Anh, Hà Lan, Tây Ban Nha và thậm chí cả Bờ Biển Ngà.
Một cách khoan dung, bóng đá cho phép quan niệm bản sắc dân tộc được tái tạo – chiến tranh bằng những phương tiện khác. Lắng nghe âm thanh của triệu chiếc kèn vuvuzelas như thể một phông nền bằng âm thanh của cuộc chơi – trò chơi chiến tranh bỗng trở thành tên của trò chơi trên sân chơi Nam Phi. Nhưng ở chừng mực nào đó, những cảm giác khó chịu vẫn còn đó, như thể khi trận chiến kết thúc, luôn có cùng một người chiến thắng trên mình bê bết máu.
Anh chơi, Tôi thu
Nhà văn Uruguay Eduardo Galeano từng nói, "FIFA là IMF của bóng đá”. Cũng giống như Quỹ tiền tệ quốc tế, Liên đoàn bóng đá thế giới rất lắm tiền, cực kỳ quyền lực và hoạt động như một câu lạc bộ hoàn toàn độc quyền.
FIFA được thành lập năm 1904. Chỉ có 310 làm việc tại đại bản doanh ở Zurich và khoảng 1.000 nhân viên rải khắp 208 quốc gia thành viên (lưu ý, Liên hợp quốc cho đến nay mới chỉ có 192 thành viên nhưng có tới hơn 40.000 nhân viên). 24 thành viên Ủy FIFA, mỗi người được trả lương 50.000 USD/tháng để dành thời gian quý báu chu du khắp thế giới ký hợp đồng với chính phủ hay các tập đoàn. Giống như IMF, chuyện bị lật đổ hầu như không có. Hầu hết các quan chức chóp bu của FIFA giữ ghế của mình hơn 15 năm.
FIFA chịu trách nhiệm thương mại hóa bất kỳ sản phẩm nào dính dáng tới bóng đá chuyên nghiệp, tài trợ, bản quyền truyền hình. Nó nằm ngay tâm chấn của thị trường trị giá 250 tỷ USD. Năm 2009, FIFA kiếm được 1 tỷ USD. Với World Cup ở Nam Phi lần này FIFA thu về 3,8 tỷ USD.
Là biểu tượng của chủ nghĩa tư bản hoang dã, FIFA không bao giờ mất tiền. Nó được bảo hiểm hoàn toàn. World Cup lần này và lần tới vào năm 2014 ở Brazil, chi phí ước tính khoảng 650 triệu USD. Đối với các chính phủ, thỏa thuận không có gì là ngọt ngào. Chính phủ Nam Phi đã từng lên kế hoạch chi 450 triệu USD cho World Cup, nhưng chi phí thực tế tăng mạnh không dưới 6 tỷ USD và còn tăng nữa. Chi phí bao gồm xây mới 5 sân vận động và cải tạo 5 sân khác.
Tuyến tàu điện cao tốc từ Pretoria tới Johannesburg bị hoãn, chỉ mở một nhánh giữa sân Johannesburg và Sandton – nơi có nhiều người da trắng giàu có ở và cũng là nơi 200 quan chức FIFA trú ngụ. Chủ tịch FIFA Sepp Blatter ngủ ở tòa tháp Michelangelo, được 5 vệ sĩ bảo vệ, được tận hưởng phòng tắm Disneyesque, bar mini…
Bất kỳ quốc gia nào muốn tổ chức World Cup thực sự đều phải “đầu hàng” trước quy định của FIFA – bao gồm cả việc thay đổi luật quốc gia. 4 năm trước, Quốc hội Nam Phi đã phải thông qua điều luật đặc biệt trao quy chế “sự kiện được bảo vệ” cho World Cup. Nước đăng cai phải buông nhiều quyền cho FIFA như chiến dịch quảng bá, marketing, kiểm soát khu vực bao quanh sân vận động (FIFA thực tế là nhà nước tuyên bố chủ quyền xung quanh bất kỳ sân vận động nào ở Nam Phi). Chẳng khác gì IMF, FIFA không có bất kỳ cơ quan nhân đạo nào. Đối với các tập đoàn liên kết, vai trò của FIFA là mở cửa thị trường – châu Phi đang là một ví dụ. Hãy xem cách mà FIFA làm:
Sân Athlone, một kiến trúc vĩ đại, đầy mầu sắc nằm ngay vùng ngoại ô nghèo khó ở Cape Town. Khi xây dựng sân này đáng nhẽ đã cung cấp việc làm cho rất nhiều người trong khu vực, trải nhựa đường xá, xây nhiều nhà mới, cải thiện giao thông công cộng. Thay vì đó, FIFA ưu tiên sân Green Point – nằm giữa biển và danh lam núi Table Mountain, cách khu hạng sang chỉ 5 phút và gần với sân gôn, và kinh phí xây sân tất nhiên từ ngân sách của Nam Phi..
Một thanh tra FIFA từng tiết lộ với báo giới rằng, hàng tỷ người xem có thể không muốn ngắm khu ổ chuột và cảnh nghèo khó trên TV. World Cup như thể không phải đang diễn ra ở một đất nước có gần 40% người dân thất nghiệp, và nửa dân số sống ở mức dưới 1 đô la/ngày.
Nhiều học giả đều đồng ý với nhau rằng, đối với quốc gia đăng cai World Cup, điều hợp lý nhất là xây dựng những cái mình cần cho cơ sở hạ tầng chứ không phải dồn của cải vào một sự kiện chỉ mang lại lợi ích cho các nhà tổ chức và các tập đoàn tài trợ. Tất cả các sản phẩm được cấp giấy phép bán ở Nam Phi trong dịp diễn ra World Cup đều nhập khẩu từ Trung Quốc. Và khi World Cup kết thúc vào ngày 11/7 tới, ít nhất 150.000 nhân công Nam Phi sẽ bị thất nghiệp.
-
Hồng Hà (Theo Atimes)