Nhiều ngư dân gốc Việt Nam và Campuchia ở Louisiana, Mỹ hiện không có việc làm vì sự cố tràn dầu BP trong khi không ít người trong số họ vẫn gánh chịu hậu quả từ cơn bão khủng khiếp Katrina năm 2005.
TIN BÀI MỚI: |
---|
Trong khi việc tràn dầu từ vụ nổ giàn khoan Deepwater Horizon đã làm hàng trăm tàu cá ở vùng duyên hải Louisiana phải thất nghiệp, thảm họa đã gây tổn thất đặc biệt nghiêm trọng đến một cộng đồng ngư dân đánh bắt tôm gắn bó người Việt và người Campuchia ở xứ đạo Plaquemines Parish, gần New Orleans.
"Tôi không biết làm cách nào để trả tiền bảo hiểm xe hơi", Cung “Kim” Tran, thủy thủ làm việc trên một tàu cá thương mại, tuyên bố tại một cuộc gặp của cộng đồng hôm thứ năm ở nhà hàng China Sea tại thị trấn Buras. "Tôi không biết làm cách nào để trả tiền thế chấp mua xe hơi và nhà. Các ông có thể nói cho tôi biết phải làm gì hay không?".
Ngư dân Can Van Nguyen cùng các bạn đồng nghiệp người Việt và Campuchia đang cố gắng thu nhận thông tin tại cuộc gặp gỡ ở nhà hàng China Sea tại Buras, Louisiana. (Ảnh: Reuters)
Cuộc gặp đặc biệt do Spencer Aronfeld, một luật sư chuyên về các vụ phi pháp và làm tổn thương cá nhân từ Miami, Florida, đứng ra tổ chức với sự tham dự của các đại diện BP, quan chức trong giáo xứ, một giám đốc khu vực của công ty United Way và hơn 100 ngư dân địa phương.
"Khi đọc được trên báo về các hợp đồng mà BP yêu cầu người dân ký vào trước khi họ xúc tiến giải quyết vụ việc, tôi không thể ngồi yên và để chuyện đó xảy ra. Tôi cảm thấy có trách nhiệm phải giúp đỡ. Tự tôi đã liên lạc với BP và mời cả United Way vào cuộc, với lý do tất cả chúng ta cần gặp gỡ và bắt đầu chu cấp cho mọi người", ông Aronfeld nói.
Hợp đồng ông Aronfeld nhắc tới là một giấy khước từ nghĩa vụ pháp lý mà BP đề nghị các cư dân địa phương ký vào nhằm tham gia vào các quá trình an toàn và xử lý chất nguy hiểm để đổi lấy những công việc được trả công bao gồm việc kiểm soát và dọn sạch dầu tràn. Văn bản này đã gây ra sự phẫn nộ và bối rối lớn ở Plaquemines Parish. Nhiều người đã nghĩ họ sẽ ký từ bỏ các quyền được khiếu kiện về vụ tràn đầu, và tờ hợp đồng nhanh chóng bị xé bỏ.
Việc liên lạc với các ngư dân người Việt và Campuchia trong vùng đặc biệt khó khăn đối với công ty dầu mỏ Anh BP. Mặc dù BP có trong tay các phiên dịch tham gia hầu hết các cuộc gặp gỡ, phiên bản đầu tiên của các tờ giấy khước từ nghĩa vụ pháp lý chỉ được viết bằng tiếng Anh.
Rào cản ngôn ngữ
"Tôi không cho là, BP, nếu có thiện chí, lại yêu có thể yêu cầu những người nhập cư không nói tiếng Anh ký từ bỏ các quyền của họ trong một hợp đồng chỉ được viết bằng tiếng Anh, đặc biệt đối với những công việc nguy hiểm như thế này", Aronfeld tuyên bố.
Ông Aronfeld, người đã công khai chỉ trích cuộc gặp trên đài phát thanh địa phương, nằm trong số hàng chục luật sự đã tới khu vực nam Louisiana kể từ khi thảm họa tràn giếng dầu bắt đầu.
Hồi đầu tuần này, một ban hội thẩm liên bang ở Washington đã được yêu cầu hợp nhất ít nhất 65 vụ kiện thay mặt tập thể tiềm năng nhằm đòi bồi thường tổn thất kinh tế từ sự cố. Các ngư dân, thuyền trưởng tàu dịch vụ, chủ doanh nghiệp và những người đi nghỉ dưỡng đã đệ đơn kiện dọc vùng duyên hải Vịnh Mexico nhằm tìm kiếm các khoản bồi thường có thể lên tới hàng chục tỉ USD.
Trong khi báo đài địa phương tràn ngập các quảng cáo của những luật sư tìm kiếm khách hàng bị ảnh hưởng từ vụ tràn dầu, Aronfeld đã đứng ra nhận vai trò của người tổ chức cho các dân thường trong cộng đồng người nhập cư châu Á tại Plaquemines Parish.
"Tôi cảm thấy đau xót khi chứng kiến họ đã kiếm sống như thế nào. Nhiều người trong số họ vẫn bị bỏ ngoài danh sách giúp đỡ sau thảm họa Katrina của Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp Liên bang (FEMA). Họ là một cộng đồng dân cư đang tự hào, từng chống chịu rất nhiều. Tuy nhiên, họ hiện đang tổn thất và cần được quan tâm. Tôi không chắc mình đang hành động như một luật sư hay một nhà hoạt động nhân quyền".
BP lại xin lỗi
Tại cuộc gặp cộng đồng ở Buras, các bà lão bế cháu nhỏ và đám đông ngư dân sốt ruột đứng nghe trong những đôi ủng lao động cao su khi David Kinnaird, phát ngôn viên tiếp cận cộng đồng của BP, bày tỏ lời xin lỗi vì bất kỳ sự phiền phức nào mà công ty đã gây ra với các tờ giấy khước từ nghĩa vụ pháp lý.
"Chúng tôi nhận ra mình đang gặp các vấn đề trong giao tiếp với người dân ở xứ đạo này. Tôi ở đây để đảm bảo rằng mọi người đều được bày tỏ và lắng nghe", Kinnaird nói trong khi phát biểu của ông được hai cư dân địa phương dịch sang tiếng Việt và tiếng Campuchia.
Các quan chức giáo xứ và đại diện United Way cũng cung cấp những địa chỉ trong xứ đạo, nơi các tổ chức từ thiện đang phân phát lương thực, thực phẩm. Họ cho biết, một nhà thờ thuộc Hội giám lý của địa phương sẽ sớm phát chẩn các tờ 100 USD cho những gia đình bị làm thất nghiệp. Đại diện United Way cũng thành lập một cơ sở hỗ trợ ngư dân trong vùng.
Cả phòng hợp vẫn yên lặng khi những ngư dân tham dự được hỏi liệu có ai trong số những người hiện diện còn phải lo lắng về cái ăn trong buổi tối hôm đó. Tuy nhiên, cơn phẫn nộ nhanh chóng bùng phát nhằm vào Aronfeld, người bắt đầu phiên hỏi - đáp bằng lời khuyên răn người dân địa phương không nên giữ thái độ thù địch, la hét hoặc đe đọa về các vụ khiến kiện hay đòi bồi thường.
"Chúng tôi chỉ là những người bình thường! Chúng tôi không phải là con vật! Hãy nói với chúng tôi như con người!", một ngư dân rõ ràng đã bị làm thất vộng hét vào mặt Aronfeld, vị luật sư đã đưa ra vô vàn lời xin lỗi.
Bất chấp các lời hứa lặp đi lặp lại của BP về việc nhanh chóng giúp đỡ các ngư dân trong khu vực, rất nhiều người có mặt tại cuộc họp than phiền bị kẹt trong một hoàn cảnh trớ trêu của tệ quan liêu. BP chỉ chấp nhận những khiếu nại về tổn thất kinh tế từ các chủ thuyền, chứ không phải từ hững thủy thủ, và công ty chỉ thuê các ngư dân có thể chứng minh họ là cư dân chính thức của địa phương để dọn dẹp dầu tràn.
Rất nhiều người nhập cư châu Á đã làm việc ở xứ đạo Plaquemines suốt nhiều thập niên qua, không mua nổi một con thuyền cho riêng họ. Nhiều người cũng đã chuyển tới New Orleans sau khi mất nhà cửa trong cơn bão Katrina nhưng vẫn quay trở lại Plaquemines hàng ngày để làm việc.
Ảnh hưởng vĩnh viễn của Katrina
"Kể từ khi xảy ra bão Katrina, nơi đây không còn trường học cho con cái chúng tôi, vì vậy chúng tôi đã chuyển tới New Orleans", ngư dân đánh bắt tôm Houston Le, 40 tuổi thổ lộ. "Tuy nhiên, tôi vẫn tới đây hàng ngày, thậm chí bây giờ khi việc đánh bắt đã tạm ngưng, tôi vẫn sẽ tới. Đáng tiếc BP tuyên bố chỉ thuê những người mà họ nói đang sống ở Plaquemine".
Phát ngôn viên BP Kinnaird khẳng định, ông sẽ nhận các câu trả lời, đồng thời nhắc các ngư dân về số điện thoại khiếu nại của BP và nhấn mạnh các phiên dịch luôn sẵn sàng phục vụ trên đường dây miễn phí. Thoai Tong, một ngư dân tạm đóng vai trò như phiên dịch của luật sư Aronfeld, ước tính rằng trong số 3.000 người nhập cư từ Đông Nam Á, đang sống và làm việc ở Plaquemines, chỉ có khoảng 10% thông thạo tiếng Anh.
"Khi bạn nói với họ rằng ’BP trao cho bạn một cơ hội’, họ sẽ đáp lại "cơ hội đó là gì", Tong, người tới Mỹ năm 1980 từ một trại tị nạn ở Thái Lan từ khi còn 2 tuổi, cho biết.
Một vệt dầu trôi nổi trên biển do vụ tràn dầu BP ở ngoài khơi bang Louisiana ngày 7/5. (Ảnh Reuters)
Nhiều ngư dân đang làm việc bên ngoài bến thuyền Buras gần đó, nơi thuyền của họ dập dềnh thảnh thơi trên sóng nước. "Thuyền là nhà, là cuộc sống của tôi ngay ở đây", Toan Nguyen bộc bạch từ trên boong thuyền đánh bắt tôm của ông. "Ở đây không có dầu nhưng họ không để chúng tôi đánh bắt hải sản".
Khi giá bán sỉ tôm giảm xuống 50 cent một pound (0,454kg) vòa mùa năm ngoái, Nguyen và những người đánh bắt tôm khác đã đình công. Tuy nhiên, việc làm này chẳng có mấy tác động do sự tràn ngập mặt hàng nhập khẩu giá rẻ châu Á. Với những lời đồn đại về sự thông đồng làm giá của những người bán sỉ, giới quan chức địa phương đã cam kết với các ngư dân về giá cao hơn trong năm nay. Tuy nhiên, mùa thu hoạch đã bị hủy hoại trước khi bắt đầu vì sự cố tràn dầu.
"Năm ngoái, rất nhiều người đã vỡ nợ, vì vậy năm nay tất cả mọi người đều đang trông chờ vào vụ này để kiếm tiền", Nguyen tiết lộ.
Gần 5 năm sau thảm họa Katrina, Buras vẫn là một cộng đồng bị cô lập, không bác sĩ, không trường học, không hiệu bán thuốc và không cửa hàng tạp hóa. Sau cơn bão, giáo khu đã đóng cửa nhà thờ Thiên Chúa giáo mà nhiều người thuộc cộng đồng dân nhập cư châu Á từng hay đi lễ.
"Nếu tình cảnh này tiếp tục khi công việc đánh bắt tạm ngưng, mọi người sẽ phải chuyển tới New Orleans và sẽ chẳng còn ai lưu lại đây", phiên dịch Tong nhận định. Anh vẫn chờ một khoản tài trợ để tái xây dựng ngôi nhà lợp ván từ cơn bão 2005 của mình ở Buras.
Cơ hội kiếm cơm của vô số luật sư
Dù các ngư dân Việt và Campuchia đang gặp khó khăn trong việc giao tiếp với BP nhưng họ chẳng vấp phải vấn đề gì khi tìm luật sư đối thoại với công ty dầu mỏ.
"Họ đến đây và tới các cuộc gặp gỡ. Họ lái xe loanh quanh, đi bộ khắp nơi và hỏi bạn xem có cần luật sư đại diện cho mình. Spencer là một luật sư và chúng tôi muốn được thấy ông ấy thực sự giúp đỡ cộng đồng, và khi đó có thể chúng tôi sẽ ký hợp đồng với ông ấy", Tong cho biết.
Khu vực này từng có kinh nghiệm trước đó với việc kiện tụng liên quan đến những vụ tràn dầu nhỏ hơn. Trong cơn bão Katrina, gần một triệu ga-lông dầu đã đổ tràn ra biển từ các đường ống nứt vỡ ở khu vực Empire lân cận thuộc bang Louisiana, một sự cố sau đó đã trở thành một phần của vụ khiếu kiện đại diện tập thể quy mô lớn hơn.
"Nhiều người ký giấy tờ với luật sư và họ chưa bao giờ nhận lại được thứ gì. Bạn hỏi họ luật sư đại diện mình là ai, họ không biết, họ thậm chí không có một danh thiếp. Bạn hỏi họ tại sao lại ký vào hợp đồng và họ trả lời ’ồ, mọi người khác đều đang ký’", Tong nhớ lại.
-
Thanh Bình (theo SCM)