Quan sát từ căn hộ tầng 20 của mình, một nha sĩ trông thấy một thi thể nằm ở vỉa hè bên dưới tòa nhà, máu từ đầu nạn nhân tuôn ra lênh láng. Lửa bùng lên đây đó trên các con phố chính mà thường ngày vẫn chật cứng khách du lịch và người mua sắm. Khách sạn thì đầy binh lính và cảnh sát hiện diện khắp các hành lang.
TIN LIÊN QUAN
Bạo lực ở thủ đô Thái Lan có nguy cơ kéo dài. (Ảnh: Getty Images)
Ở thủ đô của một quốc gia vốn tự nhận là "Đất nước của những nụ cười", cuộc chiến đô thị đang hoành hành bên ngoài các khu trung tâm buôn bán. Cư dân nơi đây - những người vẫn chưa đi lánh nạn - tự khóa mình trong bốn bức tường với hy vọng bạo lực chỉ diễn ra bên ngoài cánh cửa ngôi nhà họ.
"Tôi chẳng dám lại gần cửa sổ nữa", Teerawat Tussranapirom, vị nha sĩ sống trên tầng 20, bày tỏ. Anh đã chụp xác chết nằm trên vỉa hè và đưa ảnh lên Facebook. "Tôi không dám rời tòa nhà", Teerawat kể trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. "Tôi trữ thực phẩm và nước đủ dùng cho 2 ngày. Nếu hết thì tôi không biết sẽ phải làm gì".
Ra khỏi nhà là một điều mà ít ai ở Bangkok nghĩ đến trong những ngày này, khi mà nhiều khu vực thuộc Bangkok ác liệt chẳng khác gì chiến trường, với triền miên những tiếng súng và tiếng nổ inh tai.
Binh lính đã bắn chết 30 người và làm bị thương hơn 220 người khác kể từ khi họ mở cuộc trấn áp nhằm vào lực lượng Áo Đỏ hôm 13/5. Không có dấu hiệu cho thấy bạo lực sẽ chấm dứt, nhất là khi chính phủ tuyên bố rằng con đường duy nhất để khôi phục hòa bình là kiên định trấn áp biểu tình.
Ở một thành phố được nhiều người biết đến bởi những nụ cười dịu dàng ấm áp, chẳng ai có thể hình dung các vấn đề chính trị của Thái Lan lại tồi tệ đến mức này.
Nhiều đại lộ ở Bangkok giờ không một bóng người đi lại. Trên vỉa hè, các tay súng bắn tỉa của quân đội núp sau những túi cát còn người biểu tình đốt lốp xe và ôtô của cảnh sát. Các thi thể đầy máu được kéo xuống vỉa hè chờ xe cứu thương.
Teerawat sống ở khu vực Ratchaprarop, khu thương mại nằm ở phía bắc địa điểm biểu tình chính vốn là nơi chứng kiến giao tranh khốc liệt nhất. Quân đội đã tuyên bố đây là "Vùng Đạn thật".
"Tôi hoảng hốt mỗi khi thức dậy và có nhiều thi thể người Thái nằm trước tòa nhà của tôi", Teerawat tâm sự trên Facebook.
Người biểu tình đang yêu cầu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva từ chức và tiến hành các cuộc bầu cử mới.
Người biểu tình đốt lốp xe trên đường phố Bangkok. (Ảnh: Reuters)
Cảnh sát và binh lính đã được điều tới phong tỏa các tuyến đường quanh khu vực biểu tình rộng chừng 3 km2. Tuy nhiên, các nhóm người hỗn loạn đổ vào các con phố gần kề có nhiều tòa đại sứ.
Khu vực chịu đụng độ và bị phong tỏa giờ trải rộng khoảng 20km2, trong đó có khu thưonưg mại trung tâm của Bangkok. Gần như mọi thứ đều ngưng hoạt động: nhà hàng, siêu thị, các phòng xoa bóp bấm huyệt, thậm chí cả các quán rượu trên đường Patpong, một trong những trung tâm sex bar nổi tiếng nhất Bangkok. Nơi này giờ đây chật cứng các xe vòi rồng và xe quân sự.
"Ở đây chẳng khác nào một nghĩa địa. Toàn là chết chóc" - trích lời Thanin Somboonsiri, người đang ngồi bên ngoài một quán bar có tên Super Girls. "Cả ngày hôm qua tôi toàn nghe thấy tiếng súng nổ. Chẳng có khách nào đến, kể cả ban đêm".
Binh sĩ và cảnh sát hiện diện ở khắp mọi nơi, chốt giữ trong các khách sạn và ngủ cạnh những bể bơi ngoài trời ở các tòa nhà trong khu vực. Tác nghiệp tại vùng nóng, các phóng viên phải mặc áo chống cháy và đội mũ chống đạn. Đến thời điểm này đã có ít nhất 4 phóng viên bị thương vì súng đạn.
Một số cư dân Bangkok đã phải rời thành phố này đi lánh nạn. Chính phủ tuyên bố ngày 17 và 18/5 là ngày nghỉ lễ để không ai phải vượt qua vùng nguy hiểm đi làm.
Bên ngoài trung tâm thành phố, cuộc sống diễn ra bình thường đôi chút. Người dân đi mua tạp phẩm, chạy bộ buổi sáng hoặc nhâm nhi tách cà phê ở những quán ngoài trời. Nhưng có rất nhiều phiền phức - Skytrain vẫn đóng cửa trong ngày thứ 3 liên tiếp còn toàn bộ trường học đều ngưng hoạt động trong ít nhất một tuần kể từ 17/5.
Căng thẳng dâng cao khiến nhiều người lo ngại bạo lực có thể lan rộng và không biết có thêm bao nhiêu người nữa phải bỏ mạng nếu như tình hình hiện nay tiếp diễn.
Và để xoay sở cuộc sống, nhiều người quyết định tránh xa khu trung tâm Bangkok.
Anna Khendry, 47 tuổi, đã cấm hai con trai cô đi chơi buổi tối dù họ sống ở xa khu xung đột, vì theo như người phụ nữ Ấn Độ này thì "bạn vẫn có thể lĩnh một viên đạn lạc". Với lý do đó, nhiều người đã sơ tán tới nơi ở tạm.
"Giờ chúng tôi an toàn, Ơn Chúa, chúng tôi ra đi kịp thời", Manisha Trivedi, một giáo viên trường mẫu giáo nói. Cô và gia đình đã đi lánh nạn ở Sukhumvit từ hôm 13/5 khi bạo lực tái diễn.
- Thanh Hảo (Theo AP)