Nhiều công ty Trung Quốc đang tìm thuê người ngoại quốc da trắng tham gia các cuộc gặp với đối tác, đàm phán quan trọng trong vài ngày với mức thù lao hậu hĩnh.
TIN BÀI NỔI BẬT: |
---|
Juergen Kremer đã không chuẩn bị bất kỳ thứ gì cho cuộc gặp gỡ vào buổi sáng hôm đó. Diện một bộ vét trang nhã kèm cà vạt, anh bước vào phòng họp của ban giám đốc công ty X. cùng với các đồng nghiệp người Trung Quốc.
Đây là một cuộc gặp quan trọng. Công ty X. đã thuê anh với hy vọng sẽ đánh bại các đối thủ và giành được hợp đồng từ chính quyền một thành phố ở miền nam Trung Quốc.
Kremer bắt tay các quan chức tiếng tăm của địa phương trong phòng và tự giới thiệu bản thân bằng tiếng Anh. Sau khi tất cả cùng ngồi xuống, các cuộc đàm phán được xúc tiến bằng tiếng Trung. Kremer không nói một lời trong suốt cuộc đối thoại nhằm ủng hộ công ty thuê mình mặc dù anh có thể nói tiếng Trung tương đối tốt.
Những người tuyển dụng lao động Trung Quốc muốn thuê người nước ngoài để công ty họ có vẻ "quốc tế", "toàn cầu". Ảnh: CFP
"Họ đã dặn tôi: Đừng nói gì. Chỉ giả vờ như bạn không hiểu tiếng Trung. Tôi chỉ phải lộ diện. Đó là một chủ đề chuyên môn và tôi không biết thứ gì về nó", Kremer kể.
Chiến lược marketing
Bạn của Kremer gọi điện lại vài ngày sau đó và nhờ anh giúp một tay trong một cuộc gặp làm ăn khác. Một công ty Trung Quốc đã thuê anh vì anh "có đôi mắt to hơn và mũi dài hơn" người bản xứ.
Kremer cho biết: "Tất cả các đối thủ cạnh tranh khác đều có đại diện người nước ngoài tham gia cuộc gặp nhưng công ty này thì không. Vì vậy, họ cảm thấy đây là một điểm bất lợi. Tôi thậm chí không biết liệu những người ngoại quốc kia có thực sự làm việc cho các công ty đối thủ hay không".
Kremer nhận được một chuyến đi miễn phí tới một thành phố miền nam và thù lao 3.000 NDT cho công việc kéo dài 2 ngày - số tiền mà một viên chức văn phòng chăm chỉ ở Bắc Kinh kiếm được trong một tháng.
Sau đó, Kremer còn giúp người bạn một lần nữa ở Bắc Kinh. Anh đã làm công việc tương tự - đóng vai một doanh nhân nước ngoài thành đạt - cho một công ty khác. Mặc dù điều này có thể bị xem là lừa đảo ở nơi khác nhưng được coi là một chiến lược marketing ở Trung Quốc.
"Tôi muốn phô bày tính xác thực của loại rượu do mình bán trước khách hàng", Jessica Hu, một thương nhân bán lẻ tuyên bố rượu do bà phân phối được nhập trực tiếp từ Áo, cho biết. Bà đã thuê hai cô gái ngoại quốc tóc vàng để quảng cáo sản phẩm tại một buổi lễ tiếp tân xa xỉ ở thủ đô Trung Quốc.
"Các khách hàng mục tiêu của tôi là giới sành điệu ở Bắc Kinh. Những người nước ngoài này minh họa cho văn hóa của công ty rất tốt và cũng minh họa cho đẳng cấp các sản phẩm của chúng tôi trước khách hàng", bà Hu bộc bạch.
Hai phụ nữ trẻ người Australia diện đầm dạ hội chưa bao giờ tới Áo trước đó và cũng không thể nói được một từ nào bằng tiếng Đức. Điều đó không ngăn cản họ tiếp thị cho loại rượu đích thực của Áo. Dẫu sao, hầu hết mọi người trong phòng đều không nói tiếng Đức và trong bất kỳ trường hợp nào, họ cũng chẳng quan tâm tới việc những cô gái ngoại quốc xinh đẹp này đến từ đâu.
Bữa tiệc diễn ra cạnh một bể bơi được trang trí cầu kỳ. Đèn sân khấu nhấp nháy trên mặt nước khi nhạc công piano chơi bản Waltz cung Mi thứ của Frederic Chopin. Với sự xuất hiện của hai người da trắng, những người Trung Quốc trong phòng đang tận hưởng một bữa tiệc theo phong cách phương Tây.
Không ai thử đặt câu hỏi đối với hai phụ nữ tóc vàng da trắng, mặc dù ngay ở cửa có dán một bản thông báo bằng tiếng Trung: "Hãy thưởng thức rượu Áo đích thực với một người đẹp Áo".
"Tôi nghĩ điều này thật tuyệt. Việc dùng người bản địa quảng bá cho chính rượu của họ rất tốt", một người đàn ông trung niên họ Phương cầm lấy một cốc rượu và nhận xét. Ông Phương nói được một chút tiếng Anh nhưng không đủ để nhận ra sự khác biệt giữa người Australia và người Áo.
Theo một giáo viên người Mỹ gốc Phi, nhiều công ty Trung Quốc thích thuê người da trắng, tóc vàng. Ảnh: CFP
Thị trường tiềm năng
"Nhiệm vụ chỉ là có màu da trắng", Bill Marcus, một người Mỹ đến từ vùng ngoại ô New York tiết lộ. Một công ty thiết kế kiến trúc có tên Cotik ở Hồng Kông đã thuê anh làm "giám đốc phát triển kinh doanh" trong vòng một ngày ở Thượng Hải. Anh chẳng phải làm gì nhiều ngoài việc đọc nội dung một bản trình chiếu PowerPoint bằng tiếng Anh do vị giám đốc phát triển kinh doanh thật đã chuẩn bị sẵn. Thù lao cho việc này khoảng 2.500 NDT.
Theo Marcus, có một thị trường đặc biệt cho những người da trắng, nói tiếng Anh. Một số công ty thuê họ vì màu da, chứ không phải khả năng. Anh trích dẫn trường hợp một phụ nữ Bắc Âu đã được một công ty Trung Quốc thuê "chỉ để ngồi bên một chiếc bàn".
"Họ tạo cho cô ấy chức danh ’trợ lý giám đốc’, nhưng cô ấy chỉ phải ngồi đó và tham dự các cuộc gặp để có vẻ như trong công ty luôn có sự hiện diện quốc tế. Cô ấy đi làm hàng ngày", Marcus tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Trong khi các hãng môi giới Trung Quốc thường chủ động tiếp cận người nước ngoài da trắng, những người ngoại quốc khác với khả năng và điều kiện phù hợp nhận thấy họ thậm chí không thể tìm được việc làm.
Vào một đêm mùa hè oi bức ở Thâm Quyến năm 2004, Virginia Hunt - công dân Mỹ sinh ở Boston, rời chuyến bay từ Thượng Hải với hai va ly đồ đầy ắp của mình. Cô háo hức được bắt đầu công việc mới: quản lý một trại hè tiếng Anh.
Hunt đã được thuê qua điện thoại và ký một hợp đồng với công ty Thâm Quyến. Cô từng dạy ở hai trường tiếng Anh khác tại trung Quốc trước khi thành công trong việc xin việc làm này.
"Tại sân bay, tôi đã gặp người đàn ông Trung Quốc thuê mình. Ngay sau khi nhìn thấy tôi, ông ta hỏi ’Cô đến từ đâu?’. Tôi đáp ’Tôi đến từ Mỹ’. Ông ta hỏi lại tôi ’Không, không, không, cô thực sự đến từ đâu?’, Hunt kể. Cô đã phải hy sinh một cơ hội khác ở Thưọng Hải để nhận việc quản lý trại hè.
"Đó là sự ngu dốt. Một sự ngu dốt nhất định nào đó... Rõ ràng là ông ta không hiểu nước Mỹ", Hunt, một người Mỹ gốc Phi, nhận xét.
Theo quan sát của Hunt, những người mà các công ty Trung Quốc thuê dường như thường tóc vàng và phải phù hợp một hồ sơ sắc tộc nhất định. Hunt đã bị sa thải ngay tại sân bay và buộc phải bắt chuyến bay tiếp theo trở về Thượng Hải.
Bất công bằng
Trung Quốc có luật cấm phân biệt đối xử dựa trên giới tính, sắc tộc hoặc tôn giáo. Trong thực tế, những người thuê lao động luôn đăng các quảng cáo tuyển người với những yêu cầu cụ thể.
"Các giáo viên của chúng tôi đều là người Mỹ da trắng. Điều này có thể giúp con của bạn học được tiếng Anh đích thực", một giáo viên thuộc Trường Anh Mỹ của Chicago Dan tại quận Fengtai, Bắc Kinh quảng bá về trường trước các học sinh và bậc phụ huynh tiềm năng.
Một hội chợ việc làm ở Trung tâm Triển lãm quốc tế Trung Quốc tại Bắc Kinh ngày 25/3. Khoảng 400 công ty đăng tuyển dụng hơn 7.000 vị trí tại hội chợ. Ảnh: CFP
Wang Zhenyuan cùng cậu con trai 12 tuổi của cô đã tới trường vào sáng thứ bảy để được học tiếng Anh "đích thực". "Tôi nghĩ thật tốt khi có các giáo viên da trắng. Các phương pháp giáo dục hệ thống của họ có thể giúp con tôi có bước khởi đầu nhảy vọt. Tôi không biết nhiều lắm về người da đen nhưng người da trắng trông đáng tin cậy hơn", bà nội trợ Wang bộc bạch.
Không chỉ người da đen mà cả người châu Á và châu Âu cũng bị đánh giá theo màu da của họ.
Zhang Feifei, 29 tuổi, đã chuyển tới Canada cùng với gia đình từ khi 2 tuổi. Sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành thương mại ở Đại học Carleton tại Ottawa, Canada, anh quyết định trở về nơi chôn rau cắt rốn và tìm kiếm các cơ hội.
Tuy nhiên, Zhang không thể tìm nổi một công việc trong chuyên môn của mình. Cuối cùng, anh mở công ty riêng, một công ty tư vấn cho những học sinh Trung Quốc muốn đi du học. Nói về kinh nghiệm tìm việc của mình, Zhang cho biết: "Nó rất khó khăn. Các công ty không muốn trao cho tôi những đề nghị tương tự như họ dành cho các ứng viên Mỹ tương đương, ý tôi là người da trắng. Điều đó không công bằng".
Theo Wang Yu - một chuyên gia luật cấp cao tại Juzhuo, một văn phòng tư vấn về marketing ở Bắc Kinh, tất cả những sự bất công bằng ở trên liên quan tới việc xây dựng thương hiệu.
"Các công ty Trung Quốc muốn thể hiện tính toàn cầu và họ phải có một hình ảnh quốc tế kiểu nào đó, trong phạm vi vi mô có nghĩa là thuê lao động người nước ngoài. Nhìn chung, các khách hàng Trung Quốc thích thuê một ai đó mang vẻ ngoại quốc theo khuôn mẫu có sẵn hơn, tốt nhất là người Mỹ da trắng".
"Tôi nghĩ đó là vì người Mỹ da trắng đại diện cho cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới hiện nay và vì vậy, họ có hình ảnh đẹp hơn so với những chủng tộc khác. Tuy nhiên, tôi cảm thấy hiện trạng này đang thay đổi trong thời gian gần đây vì sự toàn cầu hoá. Người Trung Quốc ngày nay ngày càng hiểu biết hơn về các quốc gia khác".
Kremer cũng nhất trí là tình trạng phân biệt đối xử đang thay đổi ở Trung Quốc ngày nay, đặc biệt đối với những người trẻ tuổi. Anh nhận định: "Tôi không cho là đối với những người Trung Quốc được học hành cẩn thận hoặc tầng lớp trung lưu trở lên, người da trắng mang một hình ảnh tốt đẹp đặc biệt. Tôi nghĩ nó hoàn toàn bình thường đối với họ. Bên cạnh đó, thế hệ trẻ hơn - nhiều người trong số họ đã tới các nước khác, đã học tập hoặc làm việc ở nước ngoài - và họ hiểu rõ các nước khác".
Có thể mọi việc đang thay đổi, ít nhất thông qua một quảng cáo của chính quyền địa phương ở Wuxi, một thành phố tương đương cấp quận cũ thuộc tỉnh Triết Giang. Thay vì người da trắng, chính quyền địa phương muốn thuê "một người da đen và có thể là người Nhật hoặc Hàn Quốc" để tham dự "lễ hội văn hoá Wu của Wuxi" năm 2010 với tư cách "một nhiếp ảnh gia nước ngoài" hoặc "người bạn ngoại quốc".
"Chúng tôi sẽ chi trả toàn bộ cho việc di chuyển và ăn ở của bạn trong lúc các bạn lưu lại tham gia hoạt động này", trích một bức thư điện tử của nhà tổ chức gửi tới các ứng viên tiềm năng.
Bức thư tuyển dụng cũng nhấn mạnh, đội ngũ nhân viên của chính quyền địa phương sẽ đón tiếp và chăm sóc tốt cho người được tuyển chọn. Wang Jiasheng - đại diện liên lạc của lễ hội tại Bắc Kinh khẳng định: "Chúng tôi hiện đã có đủ các gương mặt da trắng. Tuy nhiên, chúng tôi rất cần một người da đen đại diện cho châu Phi. Chúng tôi có thể trả 6.000 - 8.000 NDT cho sự hiện diện của người này. Hãy báo ngay cho tôi nếu bạn biết ai đó phù hợp".
-
Thanh Bình (Theo Global Times)