Núi lửa hoạt động ngày càng mạnh khiến khắp châu Âu ban bố khu vực cấm bay trong hôm nay (17/4). Các nhà khoa học Iceland cảnh báo, hoạt động của núi lửa không hề có dấu hiệu giảm bớt khiến giao thông hỗn loạn lớn hơn.
Tin bài mới
"Các hoạt động trở nên rất mạnh trong suốt đêm qua, cột tro bụi ngày một lớn”, nhà địa chất học Iceland Magnus Tumi Gudmundsson nói. “Thật không may là nó chưa có dấu hiệu chấm dứt”.
Núi lửa khiến giao thông hàng không đình trệ (Ảnh AP)
Mây bụi mịt mù bao phủ nhiều phần phía tây châu Âu, lệnh cấm bay làm rất nhiều người mắc kẹt khắp toàn cầu.
Theo Văn phòng Địa chất Iceland, mây tro bụi sẽ tiếp tục tràn về phía nam và đông nam. Các chuyên gia hàng không cảnh báo, núi lửa phun khiến giao thông hỗn loạn chưa từng có trước nay tại châu Âu.
"Tôi đã từng bay 40 năm nhưng chưa từng chứng kiến cảnh tượng tương tự hiện nay ở châu Âu”, phi công người Thuỵ Điển Axel Alegren, sau khi hạ cánh tại sân bay Munich nói. Ông dự định tới Frankfurt nhưng phải chuyển hướng.
Các hành khách mắc kẹt, lo lắng cùng nhau trao đổi những kế hoạch bị lỡ như đám cưới, tốt nghiệp, nhập học, nghỉ ngơi vì núi lửa phun. Thậm chí, nhiều lãnh đạo thế giới đã phải huỷ dự kiến tham dự tang lễ vợ chồng cố tổng thống Ba Lan vào ngày mai.
Tính tới nay, các đoàn đại biểu từ Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, New Zealand và Pakistan đã phải huỷ lịch tới Ba Lan tham gia tang lễ. Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn giữ kế hoạch có mặt. Còn Tổng thống Slovenia Danilo Turk thì quyết định tới Ba Lan bằng ô tô.
Hầu hết không phận phía bắc và trung châu Âu đều đóng cửa, khiến các sân bay từ New Zealand tới San Francisco đều ảnh hưởng. Ngày hôm nay, Thủ tướng Pháp quyết định tiếp tục đóng cửa không phận ở phía bắc cho tới sáng thứ Hai. Không phận Anh và Đức vẫn đóng cửa tới ít nhất 7h sáng mai. Hãng hàng không Anh huỷ toàn bộ chuyến bay ngắn tới và đi từ các sân bay London. Bỉ và Thuỵ Sĩ tiếp tục duy trì lệnh cấm bay tới tối nay.
Các hành khách mắc kẹt đã ngủ tại sân bay do làm thủ tục rời khỏi khách sạn. "Tôi đã ở khách sạn nhưng giờ phải đi và không biết nên làm gì, nguồn tài chính của tôi ở đây có hạn”, Anthony Adeayo, 45 tuổi dự kiến đi từ Anh tới Nigeria với máy bay của British Airways cho biết.
Nhiều chủ cửa hàng đã được cảnh báo các chuyến bay liên tục không thực hiện được có thể gây ra tình trạng thiếu hoa quả tươi nhập khẩu.
Cục quản lý hàng không Italia đã đóng cửa không phận tại phía bắc. Hãng hàng không Iberia của Tây Ban Nha tuyên bố hoãn hầu hết các chuyến bay châu Âu.
Ít nhất 45 chuyến bay giữa châu Âu và châu Á đã hoãn trong hôm nay. Hãng Qantas của Australia huỷ mọi chuyến bay đến châu Âu và chưa biết khi nào có thể nối lại. Cathay Pacific cũng huỷ một số chuyến bay rời Hong Kong tới châu Âu trong ngày mai.
Núi lửa Eyjafjallajokull ở phía nam Iceland bắt đầu hoạt động trở lại lần thứ hai trong tháng từ hôm thứ Tư, phun cột tro bụi cao nhiều km vào không khí. Gió mang tro bay khắp phía nam và đông từ Anh, Britain, Ireland, Scandinavia tới trung tâm châu Âu.
Hiệp hội vận chuyển Hàng không Quốc tế cho hay, núi lửa gây tổn thất cho ngành công nghiệp này ít nhất 200 triệu USD/ngày.
Nhiều đoàn xe lửa được tăng cường ở Amsterdam nhưng dòng người mua vé dài tới nỗ công ty đường sắt phải cung cấp cà phê miễn phí.
Núi lửa khiến nhiều lịch trình hoạt động của các nguyên thủ châu Âu bị ảnh hưởng. Thủ tướng Đức Angela Merkel phải tới Bồ Đào Nha thay vì Berlin sau một chuyến thăm Mỹ. Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg buộc phải tới Madrid sau khi rời New York và chưa rõ khi nào có thể trở về nước.
Quân đội cũng có sự điều chỉnh. Năm lính Đức bị thương tại Afghanistan tới Thổ Nhĩ Kỳ thay vì Đức. Quân đội Mỹ cũng phải tạm thời ngừng sử dụng các căn cứ không quân ở Anh và Đức.
Iceland, đất nước của 320.000 dân, nằm ở điểm nóng núi lửa của Đại Tây Dwong. Một trong những thảm hoạ tồi tệ nhất là núi lửa phun trào năm 1783 làm hàng chục nghìn người thiệt mạng.
-
Kỳ Thư (Theo AP)