Hồi cuối tháng 4/2007, Mike Penner xuất bản một bài báo khác hẳn với hàng ngàn bài viết trước đó anh từng đăng trên Los Angeles Times.
Tin bài mới |
---|
Mike cũ, Christine mới. Ảnh LA Times.
Đó là một bài viết ngắn, chỉ 823 từ, nằm ở trang 2 trong phần Thể thao – chuyên mục anh viết trong 23 năm liền tại toà báo này.
Bài báo đó có tiêu đề là "Mike cũ, Christine mới" trong đó Penner trình bày ý định sẽ chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ, một quyết định “thấm đẫm nước mắt và chấn động tâm can", theo lời của Mike.
“Tôi là một phóng viên thể thao chuyển giới tính. Phải mất đến 40 năm trời với hàng triệu giọt nước mắt và hàng trăm giờ đồng hồ trị liệu tâm lý tôi mới đủ can đảm viết ra những dòng này. Tôi biết nhiều độc giả và đồng nghiệp sẽ bị sốc”, Penner viết.
Trong bài báo nổi tiếng đó, Penner bộc bạch: “Làm sao để chia sẻ sự thật quan trọng nhất của bạn – cái sự thật mà bạn đã dùng cả đời mình để chôn giấu kỹ càng – cho cả thế giới biết, nhất là khi ai cũng đã quen với vẻ bề ngoài xưa nay của bạn?”.
“Không hề dễ dàng gì. Nhưng khi trở thành một phụ nữ, sẽ có những niềm vui và cuộc sống mới của giới tính mới”, bài báo của Mike hồi đó có viết, “Đó có thể là một khởi đầu tốt đẹp với nhiều mối quan hệ tốt đẹp”.
Và rồi, một cách thầm lặng, Mike Penner đã ra đi. Thay vào đó là một Christine Daniels.
Con người mới này ngay lập tức bắt tay vào một cuộc cách mạng để cổ suý cho những gì mình đã quyết định và theo đuổi. Cô đi khắp đất nước, dùng tiếng tăm sẵn có của mình để cổ suý cho cuộc cách mạng về quyền tự do chuyển đổi giới tính. Và rất nhanh chóng, cô gái này trở thành biểu tượng của quyền tự do chuyển đổi giới tính.
Nhưng chỉ một năm sau đó, đột nhiên Christine Daniels biến mất và người đàn ông Mike Penner quay lại làm việc như thường, tiếp tục viết báo dưới bút danh nam tính của mình. Penner không lý giải gì cho thay đổi đó của mình.
Lần này, người ta thấy một con người có vẻ gì đó cay đắng trên khuôn mặt. Để rồi sau đó, Penner tự kết liễu đời mình ở tuổi 52.
Rõ ràng, cuộc đời 2 mặt, 2 giới tính của con người nổi tiếng này đã có nhiều vị đắng, buồn đau sầu thảm.
Cần lưu ý, Penner là một người được giáo dục tử tế trong trường dòng. Con người này khá đa tài. Ngoài viết lách, anh còn là một cầu thủ bóng đá khá và thường tham gia các trận bóng vào ngày cuối tuần.
Đó là một người cao ráo, vai rộng, mặt mũi tóc tai đều dễ nhìn.
Trong nghiệp báo, anh từng bao sân ở nhiều mảng thể thao, từ thể thao học đường, tennis, bóng rổ. Nhưng danh tiếng của anh in đậm khi viết các bài phân tích sâu về mảng bóng đá tại Olympics và World Cup.
Penner cũng có vợ như đa phần những người đàn ông khác. Vợ anh, Lisa Dillman, cũng là một cây bút chuyên về thể thao của tờ báo Times.
Theo nhiều bạn bè thì cặp đôi này sống với nhau rất hoà hợp trong 20 năm chung sống, dù không có con với nhau.
Nhưng cả vợ lẫn bạn bè đều không nhớ tự bao giờ, Penner bắt đầu có ý định chuyển giới tính từ một người đàn ông mẫu mực như thế thành một người phụ nữ.
Chỉ biết là vào tầm hơn 40 tuổi, Penner bắt đầu ăn mặc có phần nữ tính ở những nơi kín đáo, ít người nhìn thấy. Và thêm một bước sâu hơn, anh gia nhập các câu lạc bộ của những người chuyển đổi giới tính tại Mỹ và tham gia nhiệt tình các hoạt động của hội.
Tự tin hơn, sau đó cây bút thể thao này đã mạnh bạo hơn và cùng một số người đã chuyển đổi giới tính ra quán ăn, trang phục phụ nữ hoàn toàn.
"Lần đầu ra phố với trang phục phụ nữ, Christine rất lo lắng và bối rối, nhìn ngược nhìn xuôi khắp nơi vì sợ ai đó bắt gặp”, một người bạn chuyển đổi giới tính của Christine nhớ lại.
Tuy nhiên, sau đó tại nhà hàng, những người phục vụ vui vẻ đối xử với cả tôi và Christine như hai người phụ nữ bình thường mà không hề có nghi ngại gì. Điều đó động viên rất nhiều đối với Christine", người bạn này nói thêm.
Sau đó, Penner quyết định chuyển đổi giới tính thông qua phẫu thuật. Để đảm bảo, bệnh viện yêu cầu anh sống hoàn toàn 1 năm với tư cách phụ nữ rồi mới phẫu thuật. Penner đã làm theo và sau đó vẫn kiên định ý nguyện đó.
Sau đó, Christine vẫn được toà soạn chấp nhận cho ở lại làm việc và tiếp tục được đối xử như một người thân trong gia đình, giống Penner ngày nào.
Độc giả của Penner đã đón chào Christine nhiệ tình và phản ứng rất tích cực, coi đó là sự động viên tuyệt vời cho quyền con người.
Khi siêu sao người Anh David Beckham tới gia nhập đội bóng Mỹ Los Angeles Galaxy hồi tháng 7/2007, Daniels cũng có mặt trong buổi họp báo. Đó là lần xuất hiện đầu tiên một cách chính thức với tư cách nữ giới của cây bút thể thao này.
Tuy vậy, một số người, trong đó có cả những đồng nghiệp, cho rằng họ không quen với một Penner mới dưới lốt Christine. Nhiều người còn phát biểu rằng “Rõ ràng đó không phải là một người phụ nữ dễ thương”.
Một số người đưa ra những tấm ảnh mới của cây bút này và bình rằng: “người đàn ông trong chiếc váy” thay vì công nhận Christine là phụ nữ đích thực.
Và rõ ràng, Daniels không thể không bị tổn thương bởi những ý kiến trái chiều đó.
Sau đó, Daniels có lần tỏ ra bực tức với cộng đồng những người chuyển đổi giới tính mà mình đang sinh hoạt, cho rằng họ lợi dụng danh tiếng của mình để gây quỹ cho hội. Những rạn nứt và mâu thuẫn, phức tạp bắt đầu xảy đến với cô.
Và rồi, Mike Penner đã tự tử tại nhà riêng ở Los Angeles hôm 28/11/2009 ở tuổi 52, khép lại 25 năm làm việc trung thành cho ban thể thao của tờ Los Angeles Times.
“Đó là một trong những cây viết xuất sắc nhất mà tôi làm việc cùng. Anh ấy rất lịch lãm và tốt bụng. Cái chết của Mike quả là một bi kịch”, biên tập viên trang thể thao của Los Angeles Times Mike James viết trên trang báo này.
Cây bút này cũng được tưởng nhớ như là người có công cổ suý cho cuộc cách mạng về quyền tự do chuyển đổi giới tính
"Những gì Christine làm không chỉ cho riêng ai”, một người bạn chuyển đổi giới tính như Christine nói, "Cô ấy đã làm vì tất cả chúng ta".
- Nhật Vy (Theo LA Times)