Các cuộc đàm phán nhằm hoàn tất một hiệp ước vũ khí hạt nhân mới giữa Nga và Mỹ đã bị đình hoãn trước yêu cầu của Nga về quyền được đơn phương rút khỏi thoả thuận này nếu Moscow xác định rằng kế hoạch phòng thủ tên lửa của Washington đe doạ lực lượng tên lửa hạt nhân liên lục địa của họ.
Tin liên quan:
Các điều khoản về "quyền tuyên bố đơn phương" tương tự từng được đưa vào các hiệp ước kiểm soát vũ khí trước đó. Năm 2002, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Bush cũng từng sử dụng điều khoản này để huỷ bỏ Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo đã ký với Liên Xô cũ năm 1972.
(Ảnh: TopNews)
Tuy nhiên, chính quyền Obama hiện nhất quyết bác bỏ yêu cầu của Nga vì e ngại nó có thể khiến việc giành phiếu ủng hộ của các nghị sĩ Cộng hoà tại Thượng viện nhằm phê chuẩn thoả thuận vũ khí hạt nhân mới trở nên khó khăn hơn. Hiệp ước mới dự kiến sẽ hạn chế số đầu đạn hạn nhân tối đa mà mỗi nước Mỹ và Nga có thể triển khai là 1.500 - 1.600, giảm so với con số 2.200 trước đây.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Obama đã cố gắng giải quyết vấn đề lá chắn tên lửa Mỹ qua điện đàm với người đồng cấp Nga Dmitri Medvedev nhưng thất bại. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng không thành công trong việc tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề thông qua một cuộc điện đàm khác với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov.
Đoàn đàm phán của Mỹ do Trợ lý Ngoại trưởng Rose Gottemoeller dẫn đầu đã trở về Washington hôm 1/3 để tham vấn các quan chức cấp cao trong chính quyền Obama nhằm phá vỡ thế bế tắc.
Các đại diện Mỹ và Nga đã nỗ lực hoàn tất đàm phán thoả thuận mới trước khi Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược 1991 (START) hết hạn vào 5/12/2009. Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề bất đồng đã gây trở ngại cho quá trình thương thuyết.
Rắc rối chính liên quan đến quyết định của ông Obama về việc triển khai các tên lửa phòng thủ của Mỹ ở Romania, thay thế cho kế hoạch triển khai một trạm radar ở Ba Lan và 20 tên lửa đánh chặn ở Cộng hoà Séc của người tiền nhiệm Bush. Nga cực lực phản đối cả hai dự án này.
-
Thanh Bình (Theo McClatchy, Reuters)