Ngày 8 tháng 3, trong lúc cảnh sát nhà ga Trấn Giang đang cố thuyết phục người ăn xin chuyên nghiệp có tên là Xiong Mou trở về tỉnh An Huy, anh này đã vô tình để lộ ra cuốn sổ tiết kiệm của mình trong đó ghi rõ khoản thu nhập trong vòng hai tháng mà anh ta kiếm được lên tới 9500 nhân dân tệ. Số tiền này không khỏi khiến cảnh sát tò mò vì nó còn cao hơn thu nhập của họ!
>>>Tin liên quan |
---|
Góp gió thành bão
Cảnh sát nhà ga Trấn Giang cho hay, vào lúc 10 giờ 40 phút ngày 8 tháng 3 họ nhìn thấy Xiong Mou đang đứng ở điểm dừng xe taxi tại trạm xe lửa Trấn Giang. Nhìn thấy khách vừa bước xuống xe, anh ta lao ra như tên bắn để mở miệng xin xỏ. Vì đang có lệnh cấm ăn mày ở khu vực sân ga nên các cảnh sát lập tức gọi Xiong Mou về đồn cảnh sát và khuyên anh ta nên trở về quê sinh sống.
Trước những lời lẽ thuyết phục thấu tình đạt lý của các cảnh sát, Xiongmou đã đồng ý về quê nhà ở An Huy. Trong lúc cảnh sát mua vé tàu cho Xiong Mou, anh ta đã để lộ ra một cuốn sổ tiết kiệm khi đang sửa soạn lại đồ đạc. Cuốn sổ này không ngăn nổi sự tò mò của cảnh sát và họ đã thật sự bất ngờ mà thốt lên rằng: “Thu nhập của gã ăn mày này còn cao hơn cả thu nhập của mình!”.
Hoa đơn tiền gửi tiết kiệm của cái bang ăn mày. |
Quyển sổ tiết kiệm được mở tại một chi nhánh bưu điện ở gần nhà ga vào ngày mùng 4 tháng 11 năm ngoái. Số tiền gửi trong ngày mở tài khoản là 700 nhân dân tệ. Mặc dù lãi suất rất cao nhưng cứ cách dăm ba ngày Xiong Mou mới gửi tiền vào tài khoản một lần, lần ít nhất gửi 500 nhân dân tệ, lần cao nhất gửi 800 nhân dân tệ. Tổng số tiền gửi lên tới 9500 nhân dân tệ.
Cảnh sát cho biết họ đã tiến hành hỏi Xiongmou về nguồn gốc số tiền này và được biết đây là “những đồng tiền trong sạch” mà anh ta kiếm được nhờ ăn xin (chưa kể số tiền đã chi cho sinh họat hằng ngày). Khi cảnh sát điều tra về thời gian gửi tiền của Xiongmou họ đã phát hiện ra rằng trên sổ ghi là số tiền 9500 nhân dân tệ được gửi trong vòng 4 tháng kể từ ngày mở tài khoản nhưng thực tế không phải Xiongmou “hành nghề” ở Trấn Giang trong thời gian đó. Xiongmou đã “nghỉ ngơi” trong vòng 20 ngày từ ngày 10 tới ngày 30 tháng 11 năm 2009. Như vậy trừ thời gian “nghỉ ngơi” đi, tính ra trong vòng hai tháng “thu nhập hợp pháp” của Xiongmou lêm tới gần 10.000 nhân dân tệ (khoảng 28 triệu đồng).
Không xin được, đánh
Có thể nói, Xiong Mou là một “lão làng” trong cái bang ở nhà ga Trấn Giang. Xiong Mou và một vài người khoảng 50 tới 60 tuổi đã hành nghề ăn mày ở nhà ga này khá lâu và họ đều là những người ngoại tỉnh. Họ thường tập trung ở điểm dừng taxi, đợi có khách bước xuống là tức tốc lao đến. Họ quan sát xem khách ngồi ở chỗ nào, sau đó dùng tay phải để giúp khách mở cửa, tay trái giơ một chiếc bị (hoặc một chiếc bát) ra trước mặt khách, mồm lẩm nhẩm xin tiền. Vì khu vực Trấn Giang không quá rộng nên chỉ mất khoảng tám đến chín nhân dân tệ để đi taxi tới nhà ga, hầu hết khách hàng đều được bù lại một hoặc hai nhân dân tệ tiền xu. Khi nhìn thấy những người ăn mày giơ bị ra trước mặt mình xin tiền cộng thêm được mở cửa xe miễn phí nên họ cũng chẳng ngần ngại mà tiện tay bỏ luôn vài xu lẻ đó vào bị của những người ăn mày.
Trạm trưởng trạm cảnh sát, ông Xu Dun Yong cho hay, những ăn mày chuyên nghiệp ở đây không chỉ biết ăn mày mà còn biết gây chuyện. Ngày 4/11/2009, có một cô bác sĩ trẻ từ Bắc Kinh tới Trấn Giang. Khi cô gái vừa bước ra khỏi xe đã nhìn thấy có người chìa bát ra trước mặt mình để xin tiền, cô liền quay sang nói với người ăn xin đó rằng tại sao có đủ chân đủ tay mà không chịu lao động kiếm sống lại đi ăn xin như thế này. Không ngờ, mấy gã ăn mày nghe thấy cô gái nói giọng ngoại tỉnh lại là con gái liền ném bát về phía cô gái, một lúc sau có thêm vài người cùng hội “cái bang” đồng hương An Huy tới “đánh hội đồng”. Sau khi sự việc xảy ra, cảnh sát đã nhanh chóng tới can thiệp và bắt những tên hành hung người về trạm cảnh sát và trừng trị theo pháp luật hiện hành.
Vừa đếm tiền vừa chửi khách
Cảnh sát Trấn Giang luôn đề cao cảnh giác với những người ăn mày chuyên nghiệp, khi phát hiện thấy những người ăn mày lảng vảng trong khu vực nhà ga, họ một mặt tìm cách ngăn cấm, mặt khác khuyên những người ăn mày nên trở về quê làm ăn sinh sống.
Trạm trưởng Xu Dun Yong cho biết, vì chưa có một chính sách trừng phạt cụ thể nào đối với những người ăn mày nên họ không thấy sợ khi gặp cảnh sát. Cảnh sát cũng thường xuyên đi tuần tra để bảo vệ an ninh trật tự cho khu vực nhà ga, khi thấy cảnh sát, những người ăn mày sẽ trốn vào một chỗ nào đó, khi cảnh sát đi khuất thì họ lại tiếp tục hành nghề. Nắm rõ được đường đi nước bước trong “trò chơi trốn tìm” của đám ăn mày này nên cảnh sát đã mặc thường phục để đi tuần, vì vậy mà lượng ăn mày ở nhà ga Trấn Giang đã giảm đi rõ rệt. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số phần tử không muốn rời đi trong đó có Xiong Mou.
Theo điều tra, cảnh sát được biết một số người ăn mày vẫn có nhà có cửa, họ về quê được một thời gian rồi lại quay trở lại đây ăn xin. Trạm phó Zhang Dai Wen vốn là một người đã có nhiều năm tiếp xúc với những người ăn mày cho chúng tôi biết: “Thực tế thì những người ăn mày có đời sống không phải là thấp, chúng tôi thường xuyên chứng kiến cảnh những người ăn mày sau khi “hành nghề” xong miệng phì phèo thuốc lá, tay cầm chai rượu, tay xách rau xanh đi về chỗ ở. Vì những người ăn mày có rất nhiều tiền lẻ nên các siêu thị quanh nhà ga thường tìm họ để đổi tiền, nhân viên siêu thị còn thường xuyên phải nghe họ quát mắng. Khi cảnh sát hỏi họ tại sao lại mắng người, một người ăn mày đã nhanh nhảu trả lời rằng mắng vài câu để lấy lại “tâm lý cân bằng”. Đến cả những nhà hảo tâm cũng bị ăn mày mắng, tôi thiết nghĩ chắc trong mơ họ cũng không thể nghĩ tới điều này”.
-
Sầm Hoa (Theo Xinhuanet)