Chuyện tình Romeo và Juliet thời hiện đại ở dải Gaza là một minh chứng rõ ràng rằng, sự cô lập phong tỏa, cuộc sống bị phá hủy bởi chiếm đóng và chiến tranh cũng không thể phá hủy nổi tình yêu, nó trường tồn bằng mọi giá.
-
Tin bài mới:
Mohammed và May Warda. |
Đêm cuối cùng chuẩn bị bước sang năm mới, Gaza kỷ niệm ngày bị Israel chiếm đóng. Xung đột khiến hàng nghìn người Palestine thiệt mạng. Không khí thù địch bao trùm, cuộc phong tỏa dải Gaza của Israel làm dấy lên những cuộc biểu tình phản đối toàn cầu.
Giữa thực tế ấy, câu chuyện tình Romeo và Juliet thời hiện đại nảy nở với đôi trẻ người Palestine/Israel. Chàng sống ở Gaza, nàng sống ở Bờ Tây. Chuyện tình cảm lãng mạn của họ ngày một thấm đượm qua internet, qua thư điện tử và điện thoại. Nhưng chuyện tình của họ bị cản trở bởi tình hình chính trị ở chính nơi kiểm soát họ.
Mohammed Warda, tâm sự: “Chúng tôi nhiều lần đề nghị chính quyền Israel cho phép vợ chưa cưới của tôi tới Gaza. Nhưng đề nghị của chúng tôi luôn bị bác bỏ. Vì thế, cuối cùng, tôi nói với cô ấy tới Ai Cập và từ đó, đi qua những đường hầm đến Gaza”.
Đây là một quyết định nguy hiểm vì vợ chưa cưới của anh, May, biết rõ cô có thể phải trả giá bằng chính cuộc đời của mình. Đầu tiên, là lực lượng bảo vệ biên giới Ai Cập luôn cố gắng phá hủy đường hầm bằng lựu đạn, sau đó là máy bay chiến đấu Israel oanh tạc vì cho rằng đường hầm chính là dòng vận chuyển vũ khí trái phép. Hàng chục công nhân làm việc ở đường hầm đã thiệt mạng trong vài tháng nay. Và cuối cùng, đơn giản hơn nhưng nguy hiểm hơn, là đường hầm có thể sập bất cứ lúc nào. May phải bò khoảng 500 mét, mắt nhắm chặt vì cát dội xuống từ phần mái.
“Trong hầm, bạn phải lết bằng bụng. Nó rất chật, không có phòng để đứng lên hay đi", May Warda - cô dâu đường hầm - nhớ lại. “Bạn không thể ngẩng đầu lên. Không khí bên trong rất ẩm ướt. Tôi cảm thấy sợ hãi, nhất là khi nghĩ rằng, nó có thể sập bất cứ lúc nào".
Lần đầu tiên Mohammed nhìn thấy bạn đời của mình là lúc cô như bao bọc trong cát. Cô mất bốn ngày trải qua hàng nghìn km để tới với anh. Điều này thật giá trị, nhất là ở một nơi tỉ lệ thất nghiệp quá cao, và trung bình thu nhập chỉ ở mức 2 USD/ngày.
“Tôi phải trả gần 1.500 USD để cô ấy đi qua những đường hầmI", Mohammed Warda cho biết. “Chuyến đi của cô ấy từ Bờ Tây tới Ai Cập mất khoảng 1.000 USD nữa. Nhưng sự dũng cảm của cô ấy vượt xa mọi phí tổn”.
Gaza bị Israel phong tỏa kể từ khi nhóm Hamas nắm quyền kiểm soát khu vực này năm 2007. Một triệu rưỡi dân cư sống ở đây có hệ thống đường hầm là đường nối duy nhất giữa họ với thế giới bên ngoài. Và trong trường hợp này, đường hầm mang lại cơ hội hạnh phúc cho đôi trẻ. Nhưng chương tiếp theo câu chuyện tình này dường như khá ảm đạm. Họ không thuộc về một quốc gia, một đất nước nào. Họ là nạn nhân của những xung đột ngay trong những người Palestine cũng như xung đột giữa người Israel và Palestine.
Israel khẳng định không có chọn lựa nào khác và vẫn duy gì việc vây hãm chặt chẽ Gaza. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas gần đây tuyên bố sẽ không tham gia tranh cử ở cuộc bầu cử tổng thống, viễn cảnh hòa bình, dỡ bỏ phong tỏa lần nữa trở nên xa vời hơn bao giờ hết.
-
Kỳ Thư (Theo RT)