Cách thác nước Yosemite không xa và ở giữa khu rừng cây gỗ đỏ của California, các băng nhóm thuốc phiện đang âm thầm trưng dụng đất công của Mỹ để trồng hàng triệu cây cần sa và sử dụng những lao động nhập cư trái phép để chăm sóc cây.
Tin bài mới
Việc trồng trọt này đã diễn ra trên các khu đất công nhiều thế kỷ qua, nhưng những kẻ buôn lậu người Mexico đã nâng công việc lên mức độ cao hơn: sử dụng lực lượng canh phòng có vũ trang và dây bẫy để bảo đảm các mảnh đất dọc ngang, mà trong một số trường hợp cho ra được tới 30 tấn cần sa mỗi năm.
Một đại diện hạt Fresno đi ngang qua đường ống tưới tiêu dọc ngọn đồi từng là địa điểm trồng thuốc phiện tại rừng quốc gia Sequoia. (Ảnh: AP)
Brent Wood, một giám sát của Cục Phòng chống ma túy thuộc sở Tư pháp California nói: "Cũng giống như người Mexico giành quyền kiểm soát thương mại chất kích thích, chúng đã trở thành những ’khu vườn quỷ’ siêu lớn". Ông nói rằng những kẻ buôn lậu người Mexico đã gây dựng được hệ thống thương mại cần sa "ngoại cỡ".
Các cuộc phỏng vấn do AP tiến hành với các quan chức tư pháp trên khắp nước Mỹ cho thấy các băng nhóm Mexico có đóng góp lớn cho việc các trang trại cần sa quy mô lớn cứ ngày càng mở rộng ra trong vài năm qua.
Các nhân viên điều tra địa phương, tiểu bang và liên bang đã phát hiện thêm khoảng hơn 1 triệu cây cần sa mỗi năm trong giai đoạn 2004-2008. Trong khi đó, các nhà chức trách cho biết, con số ước tính 75-90% các trang trại cần sa mới có liên hệ với các băng nhóm Mexico.
Ít rủi ro và chi phí thấp hơn
Riêng năm 2008, theo lực lượng phòng chống ma túy Mỹ (Drug Enforcement Administration), cảnh sát trên toàn lãnh thổ đã tịch thu hoặc phá hủy 7,6 triệu cây cần sa từ khoảng 20.000 khoảng đất trồng cần sa.
Trồng cần sa tại Mỹ có thể giúp những kẻ buôn lậu hạn chế được rủi ro và chi phí vận chuyển sản phẩm qua biên giới và cho phép "sản phẩm" của chúng sản xuất ra gần hơn với thị trường địa phương.
Phân phối cũng trở nên ít rủi ro hơn. Một khi cần sa được thu hoạch và sấy khô trên các trang trại bí mật, các băng nhóm thuốc phiện có thể đưa tới các thành phố lớn, nơi cần sa được phân phối tới các nhà buôn đường phố và bán cùng với cần sa trồng tại Mexico.
Các chuyên gia nói, rủi ro duy nhất đối với những kẻ chủ trại người Mexico là khả năng người leo núi hoặc thợ săn, có thể tình cờ phát hiện cánh đồng "ẩn" của chúng.
Các khoảng đất trồng ở khu vực xa xôi ẩn mình dưới tấm màn che phủ tự nhiên dày như tại Công viên quốc gia Sequoia, hay được giấu ở nơi cao hơn tại dãy núi Sierra Nevada dù gồ ghề nhưng màu mỡ, hoặc sâu hơn vào các dải đất hoang vu ở Texas.
Tất cả những địa diểm này đều xa "tầm với" của pháp luật, nơi người trồng có đủ thời gian cần thiết để trồng cả những loại cần sa mạnh hơn nhiều. Nông dân của các cánh đồng này sử dụng phân bón trái phép để giúp trồng cây lớn nhanh, và sử dụng các cây nhân bản vô tính cái để làm giảm lượng trên hoa.
Những băng nhóm này có thể được phân biệt với người trồng trong nước, những người thường canh tác trên các cánh đồng nhỏ hơn, với khoảng 100 cây và không có các biện pháp an ninh.
Một vài cánh đồng "thuộc" các băng nhóm thuốc phiện có tới 75.000 cây, mỗi cây có thể cho ra ít nhất 1 pound cần sa mỗi năm (0,453 kg), theo số liệu liên bang do AP tổng hợp.
Được bảo vệ bằng chất nổ và lính canh
Rừng quốc gia Sequoia tại miền trung California cách một đoạn lại có các cánh đồng cần sa che phủ, đa số được giấu kín dọc các thung lũng hẹp hay dòng suối, xa những đường mòn leo núi. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại các vườn quốc gia gần đó như Yosemite, Sequoia và Redwood.
Ngay cả khi có nhân sự tại vùng hoang vu rộng lớn, thì chính quyền cũng chỉ biết than, địa hình và điều kiện thời tiết khiến họ không thể phát hiện ra các trang trại, trừ trường hợp tình cờ bắt gặp.
Nhiều cánh đồng được cài các chất nổ thô xung quanh và được lính canh có vũ trang súng AK-47 bảo vệ.
Các trang trại này ngày càng phát triển tinh vi được các công nhân nhập cư trái phép chăm sóc, nhiều trong số đó được đưa sang từ bang Michoacan, Mexico.
Người chăm sóc thường ngủ luôn bên cạnh các cây, nhưng nhiều người cũng có lều trại đàng hoàng, có khu vực bếp, phòng khách riêng, cách trang trại khoảng 1 dặm.
Wood nói: "Cách chúng thay đổi cách làm ăn khiến chúng ta phải bất ngờ. Đó là lãnh địa của chúng".
Các ổ nhóm thuốc phiện còn đưa về những chuyên gia về cần sa, công nhân không có tay nghề để giúp tìm ra vùng đất tốt nhất hay xây dựng hệ thống tưới tiêu, Wood nói.
Moyses Mesa Barajas vừa từ bang Michoacan của Mexico tới miền tây Washington thì được đề nghị đến làm việc tại một vùng trồng cần sa. Anh gần như ngay lập tức được đưa tới một trang trại bí mật lớn tại rừng quốc gia Wenatchee, nơi ông quản lý việc tưới tiêu cho cây.
Ông bị bắt năm 2008 trong một chiến dịch truy quét và lĩnh án 6 năm tù giam. Một số tên khác đã ngụy trang và rời đi trước khi cảnh sát kịp chặn lại.
Ông nói với AP trong cuộc phỏng vấn tại nhà giam: "Tôi nghĩ chuyện này hết sức dễ dàng. Tôi không cho rằng đó lại là một tội lớn".
Scott Stewart, chủ tịch tình báo chiến lược tại Stratfor, một công ty tình báo toàn cầu tại Austin, Texas, nói, các "nhà tuyển dụng" tìm kiếm người vẫn còn gia đình tại Mexico, để chúng có thể sử dụng làm con bài bắt các công nhân làm việc - và bịt chặt miệng họ.
Khi thu hoạch xong, các nhà điều tra nói, công nhân trang trại cần sa vận chuyển sản phẩm đựng trong các túi rác tới các điểm tập kết, mà thường cũng là nơi họ được nhận lại lương thực và nhiên liệu.
Các nhân viên điều tra thường tìm thấy những thứ bị bỏ lại tại các trại khi họ phát hiện các cánh đồng cần sa. Thường ít khi tìm thấy xoong và nồi, các quân bài và sổ sách, các túi thức ăn còn dở, và vỏ chai bia.
Nhưng các công nhân trang trại này còn để lại những thứ còn đáng lo ngại hơn. Họ thường sử dụng các chất độc mà họ sử dụng để giết các động vật, có thể làm ô nhiễm nguồn nước suối và nước ngầm của những nông dân và chủ trang trại hợp pháp.
Vì cho cây che lấp, nông dân trồng cần sa có vũ trang có thể tấn công lực lượng tuần tra trước khi họ kịp nhìn thấy.
"Họ thông thuộc địa hình hơn chúng tôi", thiếu tá Rick Ko, nhà điều tra ma túy của văn phòng cảnh sát tại Fresno, California nói. "Thậm chí trước khi chúng tôi phát hiện ra họ, họ có thể đã bắn chúng tôi rồi".
Tại Wisconsin, số cây được phát hiện tăng gấp 6 lần từ năm 2003-2008, lên hơn 32.000 cây năm 2008. Cảnh sát Wisconsin trước đây từng tìm thấy vài chục cây cần sa trên đất rừng quốc gia. Nhưng giờ đây, có lần họ phát hiện hàng trăm hay thậm chí hàng nghìn cây.
Cảnh sát Michigan, thiếu tá Dave Peltomaa nói: "Nếu chúng ta bắt được 40-50% số cánh đồng này, thì tôi nghĩ, chúng ta đang làm tốt. Nhưng thực sự, tôi không nghĩ chúng ta đã phát hiện được tới 50%. Chúng ta không có đủ nguồn lực".
Lượng lớn cần sa vẫn được vận chuyển trái phép từ Mexico vào Mỹ. Các quan chức liên bang báo cáo rằng, mỗi ngày có tới hàng trăm tới vài nghìn pound bị bắt giữ dọc biên giới. Nhưng các nhân viên điều tra nói rằng việc trồng cần sa bùng nổ trong nước là dấu hiệu "đa dạng hóa" của những kẻ buôn lậu.
Các quan chức cho biết, các vụ bắt giữ nông dân là rất hiếm, dù văn phòng cảnh sát tại Fresno đã tóm được hơn 100 kẻ tình nghi trong 2 tuần diễn ra chiến dịch truy quét mùa hè năm ngoái. Nhưng khi những nông dân này bị bắt giữ, đa số đều chỉ tiết lộ với các nhà chức trách về công việc cụ thể của mình.
Khi được hỏi về việc ai đã thuê mình, Mesa khẳng định với phóng viên AP rằng, "tôi không thể nói cho ông biết".
Cảnh sát tuần tra tiểu bang Washington, thiếu tá Richard Wiley nói, những người làm thuê không biết chủ mình là ai hoặc tỏ ra sợ hãi nên không chịu tiết lộ chi tiết.
Wiley nói về những người tuyển lao động và những kẻ chuyên đưa nông dân trồng cần sa vào Mỹ: "Họ sợ chuyện không lành có thể xảy ra với họ nếu họ tiết lộ thông tin về những tên này. Đó là loại tội phạm có tổ chức".
- Đình Ngân (Theo AP)