Bình Nhưỡng đã đề cập tới một cuộc tấn công quân sự mạnh mẽ nếu Mỹ và Hàn Quốc xúc tiến cuộc tập trận chung vào tháng tới.
Tin bài mới:
Lính Hàn Quốc trong một cuộc tập trận (Ảnh AP) |
Lời cảnh báo đưa ra hôm nay (25/2) thậm chí còn bóng gió tới khả năng dùng hạt nhân.
Trước mỗi cuộc tập trận quân sự của Hàn Quốc và Mỹ, Triều Tiên thường đưa ra lời đe doạ. Động thái hôm nay xuất hiện sau vài giờ khi đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Barack Obama về vấn đề Triều Tiên tới Seoul làm việc.
Giới phân tích quân sự thế giới cho rằng, Bình Nhưỡng có đủ plutonium để chế tạo ít nhất sáu quả bom nguyên tử. Năm ngoái, Triều Tiên đã rút khỏi bàn đàm phán sáu bên về vấn đề giải trừ hạt nhân. Nước này còn thực hiện một vụ thử hạt nhân ngầm.
Trung Quốc, Mỹ và nhiều quốc gia liên quan tới đàm phán sáu bên đã nỗ lực thuyết phục Bình Nhưỡng trở lại hội đàm.
Đặc phái viên Mỹ Stephen Bosworth hôm nay đã có cuộc gặp với Wi Sung-lac của Hàn Quốc sau khi tới Bắc Kinh hội đàm với đặc phái viên về vấn đề hạt nhân của Trung Quốc, Vũ Đại Vệ. Trong chuyến công du tới Bắc Kinh, Bosworth đã kêu gọi nỗ lực nhanh chóng nối lại đàm phán hạt nhân với Triều Tiên. Ngày mai, ông sẽ tới Tokyo.
Bình Nhưỡng đưa ra yêu cầu dỡ bỏ lệnh cấm vận và hoà đàm với Mỹ trước khi họ trở lại đàm phán.
"Chúng tôi tin rằng, hội đàm sáu bên có một cơ hội tốt để thoát khỏi tình trạng tiến thoái lưỡng nan”, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói với báo giới.
Hàn Quốc và Mỹ - nước hiện duy trì 28.500 quân tại Hàn – có kế hoạch thực hiện cuộc tập trận quân sự thường niên bắt đầu từ 8/3. Bình Nhưỡng coi đây là độngn thái chuẩn bị cho một cuộc xâm chiếm nhưng Washington và Seoul lại khẳng định, cuộc tập trận chỉ có tính chất phòng thủ.
"Nếu Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung, chúng tôi sẽ phản ứng lại họ với khả năng quân sự mạnh mẽ, và nếu cần thiết là huy động mọi biện pháp bao gồm cả ngăn chặn hạt nhân để phá tan cuộc xâm lược”, Hhãng thông tấn Trung ương Triều Tiên dẫn lời một phát ngôn viên quân đội nước này như vậy.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hiện chưa có bình luận nào.
Về mặt kỹ thuật, hai miền Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh vì cuộc xung đột giữa hai bên chỉ chấm dứt bằng một thoả thuận ngừng bắn chứ không có hiệp ước hoà bình.
-
Kỳ Thư (Theo AP)