221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1264150
Bác sĩ ăn tiền bệnh nhân - bệnh trầm kha ở Romania
1
Article
null
Bác sĩ ăn tiền bệnh nhân - bệnh trầm kha ở Romania
,

Nạn ăn hối lộ ở Romania diễn ra ở mọi nơi, bạn không thể thoát được. Tuy nhiên, trong ngành y tế nó là trầm trọng nhất. Việc tặng quà để đền ơn chăm sóc đã trở thành tập tục.

Lãnh hậu quả vì chi không đủ

Alina Lungu, 30 tuổi, cho biết, cô đã làm đủ mọi thứ cần thiết để đảm bảo cho một ca sinh nở an toàn tại Romania. Alina ăn thực phẩm hữu cơ, bơi hàng ngày và mỗi tháng lại bí mật trao cho bác sĩ sản khoa một phong bì trắng đựng 225USD.

Ngoài ra, Alina trả cho một y tá 35 USD để đảm bảo được gây tê màng cứng và thậm chí còn chi thêm 13 USD cho người hộ lý để chắc rằng anh ta không đánh rơi cáng.

Tuy nhiên, vào ngày lâm bồn, Alina nói, bác sĩ sản của cô không tới. 12 tiếng đau đẻ, Alina bị bỏ nằm một mình trong phòng suốt cả tiếng. Cuối cùng, một bác sĩ cũng xuất hiện và phát hiện ra thai nhi bị dây rốn quấn hai vòng quanh cổ và đứa trẻ gần như chết ngạt. Con trai của Alina chào đời nhưng bị mù, điếc và não bị thương tổn nặng nề.

Hiện giờ, Alina và chồng là Lonut đang tuyệt vọng. Họ nhận thấy rằng số tiền hối lộ mà họ bỏ ra không đủ để ngăn chặn sự cẩu thả gây hại cho con trai họ - bé Sebastian. "Tại Romania, các bác sĩ đã quen với việc nhận tiền hối lộ và hiện giờ bạn phải trả nhiều hơn để được họ quan tâm", Alina nói.

Con của Alina sẽ sống thực vật cả đời vì sự cẩu thả của bác sĩ (Ảnh NyTimes)

Romania, một quốc gia Balkan nghèo với 22 triệu dân, gia nhập Liên minh châu Âu (EU) cách đây hai năm, đã cố gắng cắt đứt với văn hóa tham nhũng, vốn xảy ra suốt nhiều thập niên trước đó, khi người Romania phải chịu cảnh xếp hàng dài để có được những nhu yếu phẩm cơ bản như trứng, sữa và phải hối lộ để có những sản phẩm hiếm.

Cảnh báo được đưa ra ngày càng nhiều tại Brussels rằng Romania và những nước mới gia nhập EU khác đang hủy hoại những quy định luật pháp của khối này. Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan chấp hành của EU, năm 2009 đã công bố một báo cáo chỉ trích Romania thụt lùi trong việc thực hiện những thay đổi pháp lý cần thiết để chống tham nhũng. Tổ chức minh bạch quốc tế - cơ quan giám sát chống tham nhũng đóng tại Berlin, Đức, đã xếp Romania là nước tham nhũng lớn thứ 2 trong tổng số 27 quốc gia thành viên EU, đứng sau nước láng giềng Bulgaria.

Những nhân vật đối mặt với cáo buộc tham nhũng tại Romania trong các năm gần đây có cả một cựu thủ tướng, hơn 1.100 bác sĩ và giáo viên, 170 nhân viên cảnh sát và 3 vị tướng, các nhân viên điều tra chống tham nhũng Romania nói. 

Thực trạng mục ruỗng trong ngành y tế

Người Romania nói, việc đút lót và nhận hối lộ mỗi ngày đã làm tàn lụi cuộc sống của họ và không ở đâu tình trạng lạm dụng lại kinh khủng như ở hệ thống chăm sóc sức khỏe được xã hội hóa.

Phỏng vấn các bác sĩ, bệnh nhân và nhà đạo đức học thì họ đều cho rằng văn hóa hối lộ đã nhiễm vào mọi tầng lớp của hệ thống xã hội Romania, đôi khi khiến các bệnh nhân tuyệt vọng. Một bác sĩ cho hay, một bệnh nhân từng đề nghị tặng ông một chuyến du lịch mua sắm miễn phí ở Dubai nhưng ông đã từ chối.

Vấn đề tham nhũng trong y tế ở Romania đã thu hút sự chú ý của cả nước này hồi tháng 1/2009 khi một người đàn ông 63 tuổi, tên là Mihai Constantinescu qua đời vì đau tim trong phòng chờ ở một bệnh viện tại Slantina, miền nam Romania. Mihaela Ionita, nữ y tá đã đẩy ông Mihai từ phòng này sang phòng khác để tìm bác sĩ nói, cô tin rằng người đàn ông này bị các bác sĩ bỏ mặc vì trông có vẻ nghèo và không có tiền đút lót. Bệnh viện trên thì cho rằng trường hợp của ông Mihai không phải là khẩn cấp.

Bác sĩ Vasile Astarastoae - hiệu trưởng trường y Romania, nơi đại diện cho 47.000 bác sĩ, cho rằng việc ăn hối lộ là do lương tháng quá thấp 510 USD, khiến các bác sĩ phải nhận đút lót.

"Các bệnh nhân không muốn tới gặp một bác sĩ có cách nghĩ khác. Tôi sẽ nuôi con hay trả tiền thuê nhà như thế nào...Vì vậy, có một âm mưu giữa bác sĩ và bệnh nhân đút lót". Theo bác sĩ Astarastoae, không giống như nhiều nước phương Tây, nơi bác sĩ được tôn trọng và được trao thưởng sau nhiều năm nghiên cứu công phu, các chuyên gia y tế tại Romania chỉ nhận được sự gièm pha từ các lãnh đạo thời đó (cách đây vài thập niên), những người chỉ coi các công nhân trong nhà máy là anh hùng.

Kết quả một cuộc nghiên cứu năm 2005 do Ngân hàng thế giới tiến hành với Bộ Y tế Romania cho thấy, cái gọi là y phí không chính thức lên tới 360 triệu USD/năm. Khi một người bệnh cần chữa trị, họ phải hối lộ một khoản tiền tương đương thu nhập 3/4 tháng của gia đình, nghiên cứu cho thấy.

Một số bác sĩ cho biết, văn hóa hối lộ đã trở thành bệnh địa phương nên khi họ từ chối ăn của đút lót, một số bệnh nhân trở nên quẫn trí và lầm tưởng rằng đó là dấu hiệu cho thấy bệnh của họ đã hết thuốc chữa.

Các bác sĩ và bệnh nhân tại Romania cho hay, việc hối lộ diễn ra theo một bộ những quy định bất thành văn. Số tiền đút lót dựa vào căn bệnh cần chữa, từ 127 USD cho cắt bỏ ruột thừa tới 6.370 USD cho phẫu thuật não. Giá hối lộ theo bệnh được truyền miệng hoặc được công bố trên blog, các trang web.

Bệnh viện liên kết ăn hối lộ

Victor Alistar, giám đốc tổ chức Minh bạch quốc tế chi nhánh ở Romania cho hay, các bệnh viện công thường trao đổi danh sách "phụ phí" định kỳ để đảm bảo rằng các mức giá đưa ra là giống nhau.

Tùy theo bệnh nặng bệnh nhẹ, bệnh nhân sẽ phải "lót tay" bác sĩ số tiền tương ứng. (Ảnh Guardian)

Tiến sĩ Adela Salceanu, chuyên gia tâm thần học, người chủ trương chống tham nhũng kể lại chuyện một người bạn của ông, luật sư 42 tuổi, gần đây bị gãy hai chân khi đang chơi bóng rổ và được đưa tới bệnh viện để chữa trị. Do không đút tiền cho bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình đang trực, ca phẫu thuật bị hoãn cả tuần. Cuối cùng, vị luật sư này cũng được chữa trị, nhưng chỉ sau khi ông đút lót cho bác sĩ 510 USD.

Mugur Ciumageanu, nhà tâm lý học từng làm việc ở các bệnh viện công tại Bucharest nói, khi ông còn là bác sĩ trẻ, một bác sĩ kỳ cựu đã cấm ông nói chuyện với các bệnh nhân trong 3 tháng. Bác sĩ kỳ cựu trên cho rằng do ông dành nhiều thời gian và có vẻ quan tâm tới bệnh nhân hơn bà ta nên ông có thể làm ảnh hưởng tới số thù lao dưới gầm bàn mà bà ta kiếm được.

Marilena Tiron, 26 tuổi, mới tốt nghiệp trường y tại Bucharest nói, vấn đề ăn của đút lót không được đề cập trong lớp đạo đức nghề y của cô tại trường đại học Bucharest vì chính các giáo viên cũng nhận đút lót.

Tiến sĩ Astarastoae, trường y Romania thừa nhận, cần phải đào xới tận gốc nạn ăn hối lộ. Ông cho biết, trường này có quyền thu hồi giấy phép hành nghề bác sĩ của những người ăn hối lộ. Tuy nhiên, ông nói thêm, có rất ít bệnh nhân dám tố cáo bác sĩ vì sợ bị những bác sĩ khác lảng tránh họ.

Bộ Y tế Romania đã thực hiện một số biện pháp để thay đổi văn hóa ăn hối lộ. Gần đây, bộ này đã thiết lập một đường dây miễn phí cho các bệnh nhân thông báo các trường hợp lạm dụng. Chỉ trong vòng một giờ, vô số các cuộc điện thoại đã đổ về. Các bệnh viện cũng trưng đầy những băng rôn chống tham nhũng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Liviu Manaila cho rằng văn hóa biếu tiền, quà này không thể thay đổi triệt để cho tới khi các bác sĩ được tăng lương. Theo ông, trong khi ngân sách của chính phủ quá hạn hẹp để tăng lương, thì hệ thống y tế xã hội hóa ở Romania phải được cải tổ để bệnh nhân phải chia sẻ gánh nặng chi phí. Số tiền này có thể dùng để tăng lương cho các bác sĩ.

Alina Lungu, mẹ của Sebastien thì cho rằng dù có bao nhiêu thay đổi được thực hiện thì nó nên bắt đầu ngay lúc này, trước khi những đứa trẻ khác phải chịu cảnh như con cô, vốn sẽ sống trong cảnh thực vật suốt đời.  

Đập tan văn hóa đút lót trong ngành y tế

Với việc các bác sĩ được chi trả chính thức để phục vụ trong ngành y tế như một cách để ngăn chặn ăn hối lộ, vậy chính phủ Romania sẽ có hành động trừng phạt nào để đối trọng với khuyến khích này?

Kế hoạch áp dụng một hệ thống chi trả cho bệnh nhân tới khám ở các bác sĩ nhà nước của Bộ Y tế nên trở thành một biện pháp khuyến khích với các thầy thuốc để ngừng ăn hối lộ. Các cơ sở y tế có thể bỏ túi một tỷ lệ phần trăm trên số tiền y phí mà bệnh nhân chi trả, khiến họ khó có thể đòi thêm các khoản phí ngầm khác. Đây là một biện pháp khuyến khích nhằm ngăn chặn việc bác sĩ ăn hối lộ song nó cần có sự hỗ trợ của những biện pháp mạnh để loại trừ vấn đề ung nhọt này.

Hầu hết các tổ chức phi chính phủ tin rằng không nên bỏ tù các bác sĩ ăn hối lộ. "Nếu bắt 10 bác sĩ trở lên, chính quyền chỉ có thể ngăn chặn nạn ăn hối lộ của 10% số bác sĩ", Victor Alistar, giám đốc điều hành tổ chức Minh bạch quốc tế tại Romania nói. "Nhưng nếu thêm 10 bác sĩ nữa bị bắt thì nó chỉ khiến thêm 1% bác sĩ nữa chùn tay. Đây là một vấn đề mang tính hệ thống và nó cần một giải pháp mang tính hệ thống".

Alexandru Cumpanasu, chủ tịch Hiệp hội thực thi dân chủ - cơ quan cố vấn cho Bộ Y tế Romania lập luận rằng bỏ tù không phải là giải pháp tối ưu nhất. "Cách hay nhất là sa thải và hạn chế khả năng hành nghề y của họ".

Có một số biện pháp có thể ngăn chặn việc bệnh nhân biếu tiền, quà để đổi lấy sự chú ý của các thầy thuốc.

Trao quyền cho bệnh nhân: Đây là một cách hạn chế việc nhận hối lộ. Hiện giờ, trên internet có rất nhiều diễn đàn nơi các bệnh nhân có thể chỉ trích nhân viên y tế và thảo luận họ cần hối lộ một bác sĩ nào đó bao nhiêu tiền. Điều này có thể là điểm khởi đầu cho việc làm trong sạch hệ thống y tế, thông qua việc trao thưởng cho các bác sĩ trung thực và phơi bày cái xấu. Ngoài ra, chính phủ cũng cần tạo ra một công cụ chính thức, nơi bệnh nhân có thể lên tiếng mà không cần nêu danh tính. Việc này có thể thực hiện như lập một đường dây Xanh, nơi các bệnh nhân có thể gọi tới để thông báo về những trường hợp nhận hối lộ. Hiện nay, đường dây Xanh là nơi tiếp nhận cáo buộc sai trái chứ không được quảng bá là nơi chỉ điểm các bác sĩ nhận hối lộ.

Sức mạnh địa phương: Một chương trình thí điểm để phân quyền bệnh viện hiện đang được triển khai ở Bucharest và nên được phổ biến rộng khắp cả nước trong 5 năm tới. Chương trình này có thể đưa ra một mức trách nhiệm giải trình mới hoặc tạo độc lập hơn nữa đối với giải quyết nạn tham nhũng.

Laura Stefan, điều phối viên chống tham nhũng tại Viện xã hội Romania nói, "Vấn đề ở chỗ nếu một cơ quan được phân quyền trong khi lại không có một hệ thống trách nhiệm giải trình hoặc quy định, hay một cơ chế chống tham nhũng, thì nó có thể tạo ra một ông trùm không thể đụng chạm tới được trong giáo dục, y tế và ở chính quyền địa phương".

Việc phân quyền từ cấp quốc gia xuống cấp địa phương thực sự có tác dụng tại một số thị trường mới nổi. Tại châu Á, ban điều hành dựa vào cộng đồng vốn hỗ trợ cho bệnh viện, đã trở thành một cơ chế giải trình tuyệt vời. Nếu có quá nhiều trường hợp nhận hối lộ xảy ra, các bệnh nhân có thể trực tiếp tới ban điều hành cộng đồng và họ sẽ can thiệp, ông Yazbeck, giám đốc y tế thuộc ban phát triển con người của WB về khu vực châu Á và Trung Á nói.

Điều tra việc thu mua: Có một vấn đề thường xảy ra trong các bệnh viện, đó là quy trình mua thuốc và các vật liệu thường không minh bạch. Đó là cánh cửa mở với các vụ tham nhũng lớn, vốn chưa được giải quyết, Cumpanasu, chủ tịch Hiệp hội thực thi dân chủ nhận xét.

Có nghi ngờ rằng một số giám đốc bệnh viện đã ký thỏa thuận với các công ty dịch vụ y tế để nhận lại quả. Tiếp đó, bệnh nhân sẽ là người hứng chịu khi một số bác sĩ không có được loại thuốc hay thiết bị đúng chủng loại. Theo ông Cumpanasu, cần phải kiểm tra sự liêm chính ở cấp độ quản lý tại các bệnh viện, gồm cả việc đảm bảo rằng các thiết bị được mua đúng giá. 

  • Hoài Linh (Tổng hợp)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
Cuộc sống dưới cống ngầm của những người dân Mông Cổ
Cuộc sống dưới cống ngầm của những người dân Mông Cổ

Mùa đông ở Ulan Bator rất khắc nghiệt, nhiệt độ có thể xuống dưới - 25 độ C. Thế nhưng đối với những người vô gia cư thì mua đông lại càng khó khăn hơn gấp vạn lần.

Rợn người xem những ly cocktail cho lễ Halloween
Rợn người xem những ly cocktail cho lễ Halloween

Các nghệ nhân đã chế ra những loại cocktail đặc biệt, với tạo hình rùng rợn chỉ dành riêng cho lễ hội ma Halloween.

Xem thi múa cột toàn nước Mỹ
Xem thi múa cột toàn nước Mỹ

Múa cột có thể bị kết tội là xấu nhưng tại cuộc thi Vô địch múa cột hàng năm toàn nước Mỹ lần thứ nhất, đó là môn thể thao về sức mạnh, nhanh nhẹn và mềm dẻo.

Chiêm ngưỡng ngày hội ma tại Hollywood
Chiêm ngưỡng ngày hội ma tại Hollywood

Từ hóa trang tới đục bí ngô, các sao Hollywood đã tìm được một cách để đắm mình trong tinh thần ngày lễ Halloween.

,
,
,