- Quan hệ Trung - Mỹ đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách cũng như giới học giả bởi tầm quan trọng có tính chất quyết định của nó đối với sự định hình của trật tự thế giới mới.
Dù suy yếu tương đối nhưng vị trí siêu cường của Mỹ vẫn tiếp tục chi phối sâu sắc đời sống kinh tế, chính trị, quân sự,…của thế giới. Trong khi đó, sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng đã, đang và sẽ ngày càng có tác động lớn tới các nước khác, trước hết là các nước trong khu vực, bao gồm cả các quốc gia trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN).
Ảnh AP.
Quan hệ Trung - Mỹ luôn bao gồm cả hai mặt hợp tác và cạnh tranh. Tuy nhiên, những động thái mới đây trong quan hệ Trung - Mỹ cho thấy mặt cạnh tranh giữa hai trung tâm quyền lực của trật tự thế giới thế kỷ 21 đang có chiều hướng lấn lướt. Cạnh tranh được thể hiện trong một loạt các vấn đề chưa được giải quyết trên các lĩnh vực như kinh tế (Mỹ phản đối Trung Quốc giữ tỷ giá đồng nhân dân tệ ở mức thấp khiến cán cân mậu dịch nghiêng hẳn về phía Trung Quốc, chỉ trích Trung Quốc trong vấn đề bảo vệ bản quyền, kiểm soát chất lượng sản phẩm,…), chính trị và quân sự (vấn đề hạt nhân ở Bắc Triều Tiên và Iran, vụ va chạm máy bay ở đảo Hải Nam năm 2001 hay vụ chạm trán giữa các tàu Trung Quốc và tàu Impeccable của hải quân Mỹ trên vùng biển Đông, việc Trung Quốc tăng cường khả năng quân sự…), nhân quyền, tự do ngôn luận (kiểm duyệt mạng internet),…
Câu hỏi đặt ra cho các nước ASEAN trong bối cảnh này là hành động ra sao, hành động như thế nào để đảm bảo tối đa lợi ích của mình.
Trước hết, cần khẳng định rằng ASEAN chưa phải là một trung tâm quyền lực của thế giới mà mới chỉ là một “người chơi” trong bản đồ chính trị thế giới và khu vực. Vai trò “người chơi” của ASEAN ở khu vực thể hiện rõ nét nhất không phải về quân sự hay kinh tế mà là ở việc tổ chức này có tác dụng “định hướng” những “ông kẹ” quyền lực như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản,… chấp nhận những quy tắc ứng xử, những khuôn khổ pháp lý cho cuộc chơi chung ở châu Á, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á. Việc Trung Quốc ký Tuyên bố chung ASEAN – Trung Quốc về ứng xử của các bên ở biển Đông hay việc Mỹ tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á sau nhiều lần trì hoãn là những minh chứng cho ảnh hưởng của ASEAN trong vai trò “lôi kéo” những “người chơi lớn” vào cuộc theo những quy định của mình. Bằng cách này, ASEAN nỗ lực đảm bảo an ninh và ổn định trong khu vực, giúp các nước thành viên tập trung phát triển kinh tế, xã hội.
Rõ ràng cuộc đua song mã Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các nước ASEAN khi mà cả hai đều là những đối tác lớn, thậm chí là chủ yếu, của các nước trong tổ chức này. Về kinh tế, Mỹ và Trung Quốc là những bạn hàng lớn, những nhà đầu tư quan trọng vào các nước ASEAN. Về chính trị và quân sự, cả Mỹ và Trung Quốc đều có những đối tác/đồng minh ở Đông Nam Á. Do đó, bất cứ “trục trặc” nào trong quan hệ Trung - Mỹ, nếu leo thang thành xung đột quân sự (cho dù khả năng này là không lớn), đều sẽ gây tổn hại trực tiếp lên các nước ASEAN. Trong trường hợp đó, ASEAN không thể ở vào thế “ngư ông đắc lợi” mà có nhiều khả năng bị chia rẽ giữa hai vùng giới tuyến. Đây là điều mà ASEAN không hề mong muốn và đi ngược lại tinh thần hướng tới một cộng đồng Đông Nam Á hòa bình và ổn định.
Những căng thẳng mới đây trong quan hệ Trung - Mỹ như thương vụ bán vũ khí của Mỹ trị giá hơn 6 tỷ USD cho Đài Loan hay việc Tổng thống Mỹ dự kiến gặp Lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng Đạt lai Lạt ma bất chấp các phản đối của Trung Quốc là chỉ dấu cho thấy khía cạnh cạnh tranh trong quan hệ giữa hai “ông kẹ” vẫn đang thắng thế. Tuy nhiên, ASEAN không bao giờ nên sử dụng con bài này để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng như tranh chấp ở biển Đông bởi đây là con dao hai lưỡi, hoàn toàn có thể gây chia rẽ trong các thành viên ASEAN.
Để giải quyết các vấn đề của mình mà điển hình là tranh chấp biển Đông, biện pháp hữu hiệu nhất mà ASEAN có thể vận dụng trong tương quan với quan hệ Trung - Mỹ bao gồm hai điểm chủ yếu.
Một mặt, ASEAN cần tăng cường đoàn kết nội khối để phát huy sức mạnh của “bó đũa” thay vì từng chiễc đũa riêng lẻ trong đối thoại cũng như đàm phán với các “ông kẹ”. Việc các nước ASEAN thông qua bản Hiến chương ASEAN là một tín hiệu tốt khẳng định mong muốn xây dựng một cộng đồng chung vững mạnh của các quốc gia trong khối. Một số động thái mới đây của các nước thành viên như tăng cường sức mạnh quân sự thông qua các hợp đồng mua sắm vũ khí, khí tài mới là cần thiết nhưng không nên biến điều này trở thành đối sách chính trong quan hệ với bên ngoài. Chính sách cân bằng quyền lực (balance of power) từ bên trong này cần phối hợp chặt chẽ với chính sách can dự, lôi kéo các nước lớn để tạo lập và bảo vệ thế cân bằng quyền lực trong khu vực.
Mặt khác, có lẽ quan trọng hơn là việc ASEAN cần tiếp tục thiết lập các thể chế, các khuôn khổ pháp lý mang tính chất ràng buộc để xác định luật chơi và khuyến khích sự tham gia của những “người chơi”, giảm thiểu khả năng xảy ra những xung đột ngoài tầm kiểm soát. Một trong những điểm nóng đang gây quan ngại là vấn đề tranh chấp ở biển Đông cần được “quản lý” bằng một văn bản pháp lý có tính ràng buộc hơn Tuyên bố về Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông.
Ngoài ra, một biện pháp nữa cũng đóng vai trò quan trọng trong chính sách can dự của ASEAN đối với Mỹ và Trung Quốc là tăng cường quan hệ thương mại - đầu tư với cả hai nước. Thương mại và đầu tư sẽ là sợi dây gắn kết các nước, là yếu tố quan trọng làm “chùn tay” những thế lực hiếu chiến bới tất cả các nước sẽ cùng phải trả giá nếu để xung đột xảy ra.
Quan hệ Trung - Mỹ quả thực đang bước vào giai đoạn thử thách đặc biệt khi mà bối cảnh quốc tế đang chứng kiến một sự “chuyển giao quyền lực” tương đối giữa hai trung tâm quyền lực này. Với tư cách một Tổ chức khu vực ở Đông Nam Á, ASEAN hoàn toàn có thể đóng vai trò sáng tạo sân chơi, định hướng luật chơi và khuyến khích “người chơi” tham gia. Thay vì lợi dụng sự cạnh tranh Trung - Mỹ để phục vụ lợi ích ngắn hạn, ASEAN sẽ được lợi nhiều hơn về an ninh – chính trị, thương mại và đầu tư nếu biết đoàn kết và phát huy tối đa vai trò “trung gian” giữa hai người khổng lồ của thế kỷ 21.
Huy Trung