Những bất hòa về ngoại giao đã lên cao trong vài tháng gần đây giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Liệu căng thẳng liên quan tới vấn đề visa và biên giới chung giữa hai nước có thể trở thành mối đe dọa đối với một trong những mối quan hệ đáng quan tâm nhất tại châu Á hay không?
Những căng thẳng Trung-Ấn gần đây đã khiến không chỉ châu Á mà cả thế giới đều phải quan tâm (Ảnh: despardes.com) |
Một buổi tối cuối tháng 9, Asgar Qadri, một nhà phân tích tín dụng 27 tuổi từ khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, đứng tại điểm khởi hành trong ánh điện lập lòe tại sân bay quốc tế New Delhi, cùng với một nhóm bạn vây quanh. Mấy cậu bạn ôm lấy Qadri và vỗ nhẹ vào vai anh tỏ vẻ cảm phục những cái tên ngẫu nhiên mà họ thường liên tưởng tới khi nói về Trung Quốc: "Tổ chim", "Hồ Cẩm Đào", "Huawei!".
Khi Qadri đẩy chiếc xe chở hành lý về phía quầy Air China, khuôn mặt anh rơm rớm nước mắt. Là con trai của người thầy giáo trường làng tại vùng Kashmir xa xôi của đất nước, anh mới vừa giành được học bổng tới học chính sách công cộng tại đại học Tsinghua, Bắc Kinh. Qadri sau đó nói với tôi: "Với chuyến bay tới Bắc Kinh đó, tôi như cảm thấy cuộc đời của mình đang sắp cất cách".
Nhưng các quan chức kiểm soát di cư Ấn Độ nói với Qadri rằng, tất cả những hộ chiếu Ấn Độ phải có thị thực dán ở trên, chứ không phải gắn kèm như trước đây. Như thế, anh bị chặn lại khi lên máy bay.
Sau nhiều cuộc gặp với quan chức Trung Quốc và Ấn Độ, Qadri hiểu rằng mình vô tình là "nạn nhân" của những mâu thuẫn ngoại giao giữa hai cường quốc đang lên ở châu Á. Một trong những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang chống lại sự kiểm soát của Ấn Độ đối với các khu vực tranh chấp Kashmir và Arunachal Pradesh, nơi Trung Quốc từ lâu vẫn tự tuyên bố là "nam Tây Tạng", là việc Trung Quốc bắt đầu phát hành thị thực để dán vào hộ chiếu cho người Ấn Độ đến từ khu vực này.
Qadri mất học bổng tại Bắc Kinh và đành lặng lẽ bắt đầu nộp đơn xin học sau đại học tại Mỹ. Tuy nhiên, truyền thông Ấn Độ lập tức nhảy vào cuộc, "mổ xẻ" vụ việc của chàng trai trẻ và của những người quốc tịch Ấn Độ trong hoàn cảnh tương tự; cuộc nói chuyện về sự can thiệp và kích động của Trung Quốc có ở mọi nơi, giống như những gì người ta còn nhớ về cuộc chiến biên giới năm 1962 với Trung Quốc.
Quyết định "chọc tức" Ấn Độ của Trung Quốc trong vấn đề Kashmir - từ lâu đã là vấn đề ngoại giao nhạy cảm nhất của Ấn Độ - khiến không ít người Ấn Độ phải băn khoăn về chính sách không can thiệp từ trước tới nay của Trung Quốc. Tại Ấn Độ, cuộc khủng hoảng này có lẽ trở thành dấu hiệu dễ thấy nhất về những xích mích sẽ đồng hành cùng thế kỷ mà nhiều người đã gọi tên là "thế kỷ của châu Á": khi nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng, hai nước sẽ giành giật để có được ảnh hưởng lớn hơn, ganh đua để có được cả thị trường và tài nguyên lớn hơn từ khắp nơi trên thế giới.
Vài tuần sau vụ việc thị thực của Qadri, căng thẳng lại tiếp tục gia tăng. Vào tháng 10, Trung Quốc đã phản đối chuyến đi của thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tới Arunachal Pradesh để vận động tranh cử. Các quan chức ngoại giao Trung Quốc lập tức kêu gọi Ấn Độ phải giải quyết "những quan ngại sâu sắc" của nước này và "không làm nảy sinh bất ổn trong khu vực tranh chấp".
Sự việc trên là lần gần đây nhất trong một loạt các bất đồng về chủ quyền của Arunachal Pradesh, nơi có một phần nằm dưới sự cai quản của Tây Tạng cho tới khi được sáp nhập vào nước Ấn Độ là thuộc địa của Anh (British India) trong chiến tranh thế giới thứ 2. Mùa xuân năm ngoái, Trung Quốc cũng phản đối khoản cho vay 2,9 tỷ USD của Ngân hàng phát triển châu Á, trong đó, 60 triệu USD được dùng cho dự án quản lý lũ lụt tại Arunachal Pradesh. Năm tháng trước, vào tháng 8/2009, Trung Quốc lại triển khai khoảng 50.000 lính bổ sung tới biên giới Tây Tạng, cách Tawang khoảng 25 dặm, một thị trấn tại Arunachal Pradesh linh thiêng thứ hai đối với người theo đạo Phật tại Tây Tạng, sau Lhasa. Ấn Độ đáp lại bằng việc huy động hàng chục nghìn quân tới vùng biên giới giáp Trung Quốc.
Không lâu sau khi Trung Quốc phản đối chuyến thăm của Singh, đến lượt Ấn Độ chỉ trích gay gắt việc Trung Quốc xây dựng nhà máy điện và những dự án khác tại khu vực Kashmir thuộc quyền kiểm soát của Pakistan. Bộ Ngoại giao Ấn Độ kêu gọi Trung Quốc "phải ngay lập tức dừng ngay các hoạt động như vậy tại vùng Pakistan chiếm đóng trái phép". Vài tuần tiếp đó, Trung Quốc thấy "có vấn đề" với con đường Ấn Độ đang xây dựng dọc biên giới giáp Trung Quốc tại Ladakh, một phần Kashmir thuộc Ấn Độ; và việc xây dựng lại phải ngừng trệ. Cùng lúc đó, các nhà phân tích Ấn Độ bắt đầu nói nhiều về việc Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động quân sự dọc biên giới.
Căng thẳng thậm chí còn lên cao hơn vào tháng 11, khi Dalai Lama chuẩn bị có chuyến thăm tới ngôi chùa Tawang, nơi ông nghỉ lại đêm đầu tiên trong cuộc đời lưu vong sau khi qua biên giới từ Trung Quốc sang Ấn Độ năm 1959. Kể từ năm 2005, khi Ấn Độ bắt đầu theo đuổi mối quan hệ thân mật hơn với Trung Quốc, New Delhi có thái đội lạnh lùng hơn đối với các nhà hoạt động Tây Tạng. Nhưng với việc Trung Quốc khơi lại tranh chấp biên giới, Ấn Độ đã khẳng định chủ quyền đối với Arunachal Pradesh và cho phép Dalai Lama tới thăm. Mặc dù Dalai Lama nói rằng dụng ý của ông không hề mang tính chính trị, nhưng nhiều người vẫn tin rằng ông đang cố tìm kiếm người kế vị trong số các nhà sư tại chùa.
Sự kiện này đã làm nóng lại những căng thẳng xung quanh đường biên giới dài 2.200km giữa hai nước, thường được biết đến với tên gọi danh giới McMahon, đặt theo tên của Henry McMahon, bộ trưởng Ngoại giao British India, người đã phân chia biên giới này vào năm 1904. McMahon đã đàm phán vấn đề biên giới với chính phủ Tây Tạng tự trị. Ngày nay, Ấn Độ chấp nhận phần lớn đường ranh giới này, nhưng Trung Quốc lại phản đối, bởi nước này coi biên giới là một trở ngại cho việc kiểm soát Tây Tạng. Sau hàng loạt vụ đụng độ tại biên giới những năm 1950, hai nước đã bước vào cuộc chiến chớp nhoáng năm 1962. Năm 2005, Trung Quốc và Ấn Độ đã nhất trí với một thỏa thuận khung giải quyết tranh chấp với một loạt các điều chỉnh mà hai bên có thể chấp nhận được, nhưng kể từ đó, gần như không có thêm một tiến triển nào.
Mối bất hòa đang được dịp mở bung ra kia - và quan hệ với Trung Quốc, nói chung - có lẽ là một trong những vấn đề chính sách đối ngoại gây khó khăn nhất cho chính quyền đang lên và đầy lạc quan tại New Delhi. Một số nhà làm chính sách Ấn Độ tin rằng, thái độ mới đây của Trung Quốc bắt nguồn từ sức mạnh kinh tế tương đối có được sau khi Mỹ và châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng toàn cầu. Arundhati Ghosh, cựu đại sứ Ấn Độ tại Liên Hợp Quốc, và từng tham gia đàm phán thỏa thuận hạt nhân Mỹ-Ấn vốn vẫn bị Trung Quốc phản đối mạnh mẽ, nói: "Chính cái cảm giác về quyền lực đó đã khiến Trung Quốc "chọc gậy" sang Ấn Độ và phô trương sức mạnh của mình".
Tháng 12 năm ngoái, tôi tham dự một cuộc hội thảo do Viện Aspen Ấn Độ tổ chức mang tên: "Trung-Ấn: Gây dựng một liên minh bất hòa". Căn phòng chật kín giới nghiên cứu, học giả, và nhà báo. Ở đó, người ta đã thảo luận về sự nhấn mạnh của chính quyền Obama đối với quan hệ Trung-Mỹ, và về sự thiếu tự tin của New Delhi khi đối phó với Bắc Kinh. Sanjay Labroo, người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm về quan hệ kinh tế với Trung Quốc của Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (Confederation of Indian Industry), đã gây bất ngờ cho không ít khán giả khi ông nói, "chúng ta đã tự mãn với chúng ta khi thậm chí sử dụng cụm từ "chindia" hay "Trung-Ấn". Dấu gạch nối ấy đã bị đặt không đúng chỗ. Trung Quốc ở trên Ấn Độ nhiều, dù đó là sản xuất thép hay sản xuất ôtô, hay chi tiêu cho y tế. Ấn Độ chỉ đứng trước Trung Quốc về tăng trưởng dân số và sản xuất phim ảnh".
Nhiều câu hỏi được đặt ra sau đó về việc làm cách nào để Ấn Độ có thể bắt kịp Trung Quốc, cả về kinh tế lẫn địa chính trị. (Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, trong khi Ấn Độ vẫn chỉ là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Trung Quốc). Chủ tọa cuộc thảo luận hôm đó quay sang Nayan Chanda, người từng làm biên tập cho tờ Far Eastern Economic Review và là người Ấn Độ "phù hợp nhất" để nói về Trung Quốc. Ông giải thích: "Bởi vì chính phủ Trung Quốc và giới truyền thông do nhà nước quản lý đều có chung tiếng nói, rằng họ không coi Ấn Độ là mối đe dọa mà chỉ coi những gì Ấn Độ vẫn nhìn nhận là cái gì đó giống như sự hoang tưởng. Người Trung Quốc hiếm khi nói về Ấn Độ, trong khi báo chí Ấn Độ lại "điên cuồng" với các câu chuyện về Trung Quốc, điều càng làm cho Ấn Độ cảm thấy bất an và hiếu chiến".
Mặc dù báo chí Ấn Độ thực tế vẫn giữ giọng điệu chói tai đối với Trung Quốc, nhưng chính quyền thủ tướng Singh vẫn tỏ ra đúng mực hơn trong các thỏa thuận với quan chức Trung Quốc. Tại cuộc họp của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ở Thái Lan hồi tháng 7 năm ngoái, thủ tướng Singh đã tiếp xúc với thủ tướng Trung Quốc để làm giảm bớt căng thẳng trong thời gian trước đó. Trong một tuyên bố với báo giới, Singh đã gọi Trung Quốc là nước lớn, và nói rằng, "Chúng tôi chia sẻ với người dân Trung Quốc niềm tự hào về những thành công của họ". Tại hội nghị Copenhaghen về biến đổi khí hậu vào tháng 12 vừa qua, Ấn Độ cũng "cùng thuyền" với quan điểm phản đối và hoài nghi của Trung Quốc, điều đã dẫn tới một cuộc họp không lối thoát.
Tuy nhiên, hai nước vẫn có những lĩnh vực thực tế còn nhiều đối lập: họ sẽ tranh giành để chiếm ưu thế trên Ấn Độ Dương, cạnh tranh giành tài nguyên ở châu Phi và khí ở Myanmar, giành giật ảnh hưởng với Mỹ, và đặc biệt hơn là vấn đề định giá lại đồng nhân dân tệ, mà Ấn Độ và Mỹ cùng nhất trí.
Điều này cho thấy sẽ có một số căng thẳng không thể tránh khỏi. Nhưng hiện tại, một cuộc xung đột sâu sắc gần như không thể xảy ra. Lý Quang Diệu, cựu thủ tướng Singapore nói trước nhóm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Ấn Độ tại New Delhi đầu tháng 12: "Sẽ không hoàn toàn ngọt ngào và dễ chịu, nhưng tôi sẽ không bất ngờ nếu thấy bất cứ cuộc xung đột nào xảy trong 20-30 năm nữa. Phải mất từng ấy thời gian để hai nền kinh tế tăng tốc. Thương mại và đầu tư sẽ vẫn tiếp tục được duy trì".
Nhiều người coi mối quan hệ kinh tế hoàn toàn có thể tạo nền tảng cho mối quan hệ tốt đẹp hơn. Trong giai đoạn 2001-2007, thương mại 2 chiều Trung-Ấn đã tăng từ 3 tỷ USD lên 40 tỷ USD, và sẽ đạt khoảng 60 tỷ USD vào năm 2010. Labroo phát biểu: "Chúng ta phải làm sao để công ty chế tạo và xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đầu tư vào Ấn Độ. Cuối cùng, quan hệ thương mại tốt đẹp hơn sẽ đưa chúng ta lại gần nhau hơn và vượt qua các xung đột chính trị".
-
Đình Ngân (Theo Basharat Peer, Foreign Affairs)