Hôm thứ Hai vừa rồi Trung Quốc cho biết nước này đã thử thành công hệ thống phòng thủ tên lửa trên đất đầu tiên. Vụ thử nghiệm chỉ là có tính chất phòng thủ tự nhiên và không nhằm vào nước nào, hãng tin Tân Hoa Xã trích dẫn.
(Ảnh: CNA)
Cho dù nguồn tin đưa ra vào hôm thứ Ba không cho biết chi tiết về vụ thử tên lửa của Trung Quốc, và nó có phá huỷ mục tiêu chủ định hay không, các nhà phân tích Trung Quốc và phương Tây nói rằng không có sự nhầm lẫn về thời điểm vụ thử, bởi nó diễn ra giữa lúc Bắc Kinh giận dữ về việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Như vậy vụ thử tên lửa là nhằm vào Nhà Trắng.
Trong những ngày gần đây, giới truyền thông quốc gia Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt bài báo quy kết việc Mỹ bán tên lửa phòng không Patriot cho Đài Loan. Trung Quốc coi Đài Loan như một tỉnh ly khai, chia tách từ cuộc nội chiến những năm 1940, và việc bán vũ khí cho Đài Loan là hành động can thiệp vào vấn đề nội bộ Trung Quốc.
Bộ quốc phòng và Ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần đưa ra cảnh báo rằng thoả thuận mua bán vũ khí sẽ bóp chết nghiêm trọng mối quan hệ Trung -Mỹ. Một nhà bình luận trên tờ Global Times, còn kêu gọi độc giả nghĩ ra những biện pháp nhằm trả đũa Mỹ.
Viết trên tờ Study Times, tướng Jun Yinan nói rằng Trung Quốc có sức mạnh để đánh trả “Chúng tôi phải có biện pháp đối phó để phía bên kia phải trả giá thích đáng đồng thời chấp nhận sự trừng phạt thích đáng”.
Hầu hết các nhà phân tích không tin Trung Quốc sẽ trừng phạt Mỹ theo hướng đó.
“Đối với Trung Quốc, việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan có cảm giác như ăn một cái tát vào mặt” Shi Yinhong, một giáo sư chuyên ngành quan hệ Trung -Mỹ thuộc Đại học nhân dân Bắc Kinh nói: “Tôi nghĩ rằng chính phủ Trung Quốc mong đợi điều gì đó khác hơn từ Obama, nhất là ngay sau chuyến thăm Trung Quốc của ông Obama”.
Về phần mình, Nhà Trắng cho rằng việc bán vũ khí cho Đài Loan đơn giản chỉ là thực hiện một thoả thuận đã được đàm phán dưới thời chính quyền Bush. Đồng thời Nhà Trắng cũng chỉ ra rằng việc bán vũ khí cho Đài Loan được Lầu Năm Góc phê chuẩn vào tuần trước, bỏ qua chiếc phi cơ chiến đầu và chiếc trực thăng Black Hawk, coi như một bước nhượng bộ với Bắc Kinh
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton, phát biểu tại California vào hôm thứ Hai rằng, tình trạng căng thẳng trong mối quan hệ sẽ lắng dịu “Không có gì là trệch hướng chỉ vì chúng ôti có quan điểm khác nhau”, bà nói.
Mối quan hệ Trung -Mỹ có thể gập ghềnh hơn vào những tuần tới khi Tổng thống Obama gặp Dalai Lama, lãnh đạo tinh thần xứ Tây Tạng, người mà chính phủ Trung Quốc đang cáo buộc theo chính sách ly khai, và Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu có chuyến thăm ngắn ngủi tới Mỹ. Những chuyến thăm nước ngoài của các quan chức Đài Loan luôn khiến Bắc Kinh khó chịu.
Arthur Ding, một nhà nghiên cứu thuộc Học viện quan hệ quốc tế ở Đài Bắc nói rằng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc và chính sách hướng tới cải thiện quan hệ eo biển của Mã Anh Cửu đã khiến Trung Quốc tin rằng Mỹ có thể xóa bỏ các thoả thuận bánvũ khí.
“Có lẽ Bắc Kinh đã hão huyền” Arthur Ding nói “Tôi nghĩ họ đã hình dung uy thế của họ lớn hơn vốn có”.
Nhiều nhà phân tích cho rằng việc thử tên lửa đánh chặn của Trung Quốc chỉ là nhằm thể hiện với dân chúng trong nước .
Zhu Feng, phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế thuộc Đại học Peking, mô tả hệ thống phòng thủ tên lửa của Trung Quốc chỉ là thử nghiệm và “không có ý nghĩa thực chất” đồng thời nói rằng mục đích thực chất vụ thử tên là một cơ hội cho quân đội Trung Quốc dương oai chứ chưa thể răn đe.
Theo Zhu Feng, chính phủ Trung Quốc đang rất bực mình vì không thể gây áp lực với Mỹ đối với một vấn đề mà đã khiến Bắc Kinh đau đầu nhiều thập kỷ qua.
“Trung Quốc vẫn còn thiếu nội lực để buộc Nhà Trắng dừng bán vũ khí cho Đài Loan” ông nói. “Vì vậy họ thấy rằng cần phải lên tiếng một cách ầm ĩ”.
- Quốc Toản (theo NY Times)