Cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc cho hay, 106.000 qua chức đã bị kết tội tham nhũng trong năm 2009, tăng 2,5% so với năm trước đó.
Số quan chức chính phủ nhận hối lộ trị giá hơn một triệu nhân dân tệ (146.000 USD) tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Theo giới chức điều tra, con số thống kê gia tăng chứng tỏ sự giám sát tốt hơn về vấn đề tham nhũng.
Cựu lãnh đạo tập đoàn Sinopec, Chen Tonghai, bị kết án tử hình do ăn hối lộ (Ảnh telegraph)
Tuy nhiên, tham nhũng vẫn được coi là quan ngại số một của người Trung Quốc, hơn cả ô nhiễm và chất lượng hàng hoá. Theo giới phân tích, người dân đại lục có nhiều bất bình về lối sống xa hoa của nhiều quan chức, cảnh sát, ông chủ những doanh nghiệp nhà nước.
Kết quả một cuộc thăm dò gần đây do Nhật báo Trung Hoa thực hiện cho thấy, gần 60% người được hỏi nghĩ rằng, tham nhũng làm tổn hại đến hình ảnh và danh tiếng của Trung Quốc với nước ngoài, hơn cả là ô nhiễm và hàng hoá giả/kém chất lượng.
Uỷ ban Thanh tra Kỷ luật của trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc – cơ quan chống tham nhũng – cho hay, chiến dịch của họ nhằm mục tiêu là các giám đốc, nhà điều hành những doanh nghiệp nhà nước.
Nhiều lãnh đạo cấp cao các doanh nghiệp đã bị điều tra hoặc bị buộc tội hối lộ và một số tội danh khác như giả mạo giấy tờ... Một trong số này phải kể tới cựu lãnh đạo tập đoàn Sinopec, Chen Tonghai, bị kết án tử hình năm ngoái do nhận hối lộ gần 30 triệu USD. Tuy nhiên, Chen được hoãn thi hành án trong hai năm.
Phụ trách Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc - chịu trách nhiệm về ngành công nghiệp hạt nhân đại lục – đã bị sa thải và đang trải qua quá trình điều tra xung quanh cáo buộc tham nhũng liên quan tới việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân trị giá 260 triệu USD.
Giới phân tích nhấn mạnh, hệ thống bổ nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước cùng với sự thiếu giám sát thường xuyên đã tạo điều kiện cho nạn tham nhũng phát triển.
-
Kỳ Thư (Theo BBC)