221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1260712
Nước Mỹ tự nhìn nhận lại mình qua thông điệp của Obama
1
Article
null
Nước Mỹ tự nhìn nhận lại mình qua thông điệp của Obama
,

- Theo thông lệ hàng năm, Tổng thống Mỹ có bài phát biểu trước lưỡng viện (Thượng viện và Hạ viện) để thông báo tình hình đất nước cũng như những phương hướng và ưu tiên của chính quyền trong thời gian tới.

Tổng thống Obama. Ảnh AP.

Do đó, bài phát biểu (hay Thông điệp liên bang – State of the Union Address) của Tổng thống Obama hôm 27/1/2010 (giờ địa phương) đã thu hút được sự chú ý của đông đảo dư luận, đặc biệt là trong bối cảnh nước Mỹ đang cần phục hồi sau cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua cũng như trong các vấn đề an ninh quốc gia, chống khủng bố…

Kinh tế là vấn đề được nhấn mạnh đầu tiên trong Thông điệp liên bang năm nay. Điều này cũng dễ hiểu bởi kinh tế mới là mối quan tâm hàng đầu và thiết thực nhất của công chúng Mỹ trong bối cảnh nền kinh tế và đời sống của người dân Mỹ đang gặp nhiều khó khăn với tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức hai con số, nhiều công ty phải đóng cửa, nhiều người lao động phải làm thêm giờ với số tiền kiếm được ít hơn.

Để vực dậy nền kinh tế, một loạt các phương hướng và giải pháp tổng thể đã được Tổng thống Obama đưa ra. Đó là việc ủng hộ các gói giải cứu đối với ngành ngân hàng của chính phủ nhưng phải đi kèm với tính minh bạch và trách nhiệm. Đó cũng là những nỗ lực tạo công ăn việc làm cho người dân, giảm thiểu những khó khăn mà tầng lớp lao động phải hứng chịu do hậu quả của suy thoái kinh tế. Việc tăng cường và mở rộng trợ cấp thất nghiệp, giảm thuế cho người lao động trong Đạo luật phục hồi kinh tế (Recovery Act) giúp họ có thêm thu nhập cho các chi tiêu cần thiết, qua đó tạo thêm việc làm cho thị trường lao động.

Tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ, các dự án tàu cao tốc, đầu tư vào năng lượng sạch… là những bước đi cụ thể được đề cập tới nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển, tạo thêm việc làm mới.

Các nhóm giải pháp lớn được đưa ra bao gồm cải cách nền tài chính, đổi mới khoa học - công nghệ, đẩy mạnh xuất khẩu và đầu tư vào giáo dục. Quả thật, đây mới chính là những động lực thúc đẩy sự phát triển nội lực của một quốc gia, những yếu tố đã phần nào bị xem nhẹ dưới chính quyền tiền nhiệm do tập trung nhân lực và tài lực cho cuộc chiến chống khủng bố.

Để vực dậy nền kinh tế và nội lực của nước Mỹ, giữ vững vị trí siêu cường, chính quyền của Tổng thống Obama sẽ phải nỗ lực đảm bảo một nền tài chính lành mạnh, một nền khoa học-kỹ thuật hàng đầu, một nền kinh tế với tỷ trọng xuất khẩu nhiều hơn, tham gia cạnh tranh trong các thị trường “mới” như ở châu Á để tạo thêm việc làm trong nước và một nền giáo dục chất lượng cao để tạo ra lực lượng lao động có tính cạnh tranh.

Có thể nói kinh tế được xem như vấn đề nội trị nhưng lại là một yếu tố quan trọng quyết định sức mạnh tổng thể của một quốc gia. Trong bối cảnh nhiều trung tâm quyền lực của thế giới trong thế kỷ 21 đang dần xuất hiện như Trung Quốc, Ấn Độ, EU…, nhiều người đã đặt dấu hỏi lớn về sức mạnh và vị trí siêu cường của nước Mỹ. Các định hướng về kinh tế của Tổng thống Obama chính là một nỗ lực nhằm tăng cường nội lực của nước Mỹ, giúp nước Mỹ tìm được chỗ đứng trong một trật tự thế giới mới đang được hình thành.

Khác với các nội dung về kinh tế, trong bản Thông điệp đầu năm lần này, Tổng thống Obama không dành nhiều đất để phô bày chính sách đối ngoại của nước Mỹ. Dường như sẽ không có nhiều thay đổi so với trước đây trong các chiến lược mà Mỹ đang triển khai tại các khu vực chiếm đóng. Bên cạnh việc ca ngợi thành tích của quân đội Mỹ trong việc “bắt giữ và tiêu diệt hàng trăm tên khủng bố, bao gồm cả những lãnh đạo cấp cao trong năm 2009”, Obama tái khẳng định cam kết sẽ rút quân khỏi Afghanistan trong năm 2011.

Tuy nhiên, người ta có quyền nghi ngờ vào lời hứa này của Obama khi mà kế hoạch rút quân được đi kèm với một điều kiện ngặt nghèo : chỉ khi nào an ninh ở Afghanistan được cải thiện và lực lượng an ninh ở quốc gia này có thể kiểm soát được tình hình. Xét trong điều kiện hiện tại ở Afghanistan khi mà các lực lượng phiến quân đâu đó vẫn còn hoạt động lén lút tại các dãy núi và thung lũng thì rõ ràng mục tiêu đó không phải là câu chuyện của chỉ một năm.

Đối với Iraq, tiến trình Mỹ rút quân khỏi quốc gia Hồi giáo này có vẻ sáng sủa hơn. Không những khẳng định “cuộc chiến ở Iraq đã kết thúc” và “lính Mỹ đang trở về quê hương”, Tổng thống Obama thậm chí còn tuyên bố chắc nịch về kế hoạch rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Iraq vào cuối tháng 8 năm 2011. Trên thực tế, tuyên bố này của Obama là không mới khi ông đã từng nhắc đến nó vào cuối tháng 3/2009, tuy nhiên với việc một lần nữa đề cập đến trong thông điệp Liên bang đầu năm 2010, dường như Obama muốn chứng minh cho cả thế giới biết về quyết tâm của nước Mỹ trong việc thực hiện lời hứa rút quân của mình (ít nhất là bằng lời nói) trong bối cảnh vẫn còn nhiều hoài nghi về mức độ khả thi của cam kết này.

Mặc dù vậy, tình hình bạo lực ở Iraq liệu có trở nên sáng sủa hơn sau khi quân Mỹ rút khỏi nơi đây vẫn còn là một ẩn số. Các vụ bạo lực đẫm máu gần đây tại Iraq không còn chỉ hướng vào các lực lượng quân đội Mỹ như thời gian đầu sau cuộc chiến mà dường như nhắm tới mọi đối tượng tại Iraq. Trong những tai nạn đẫm máu đó, không ai và mục tiêu nào là ngoại lệ, dù đó là quan chức chính phủ cấp cao hay dân thường vô tội. Rõ ràng, khi mà mâu thuẫn giữa bản thân các phe phái chính trị ở Iraq lớn hơn mâu thuẫn giữa các nhóm chống đối Mỹ và Mỹ, bạo lực sẽ không dễ dàng chấm dứt kể cả khi Mỹ có rút toàn bộ quân ra khỏi Iraq.

Quay trở lại khu vực Châu Á, nếu như đối với người dân Mỹ, thông điệp đầu năm của Tổng thống là một bức tranh vô cùng tươi sáng thì đối với các quốc gia “vi phạm cam kết quốc tế về sử dụng vũ khí hạt nhân”, mà cụ thể ở đây là CHDCND Triều Tiên và Iran, nó không khác gì một lời đe dọa thật sự. Khi mà Tổng thống Obama cảnh báo về những “hậu quả” mà 2 quốc gia này sẽ phải gánh chịu và dõng dạc tuyên bố với người dân Mỹ “đó là một lời hứa”, người ta hiểu rằng những cảnh báo đó không hề là những lời dọa nạt suông. Thái độ kiên quyết và cứng rắn của Obama về vấn đề hạt nhân sẽ khiến cho CHDCND Triều Tiên và Iran tiếp tục là một trong những điểm nóng nhất trong năm 2010. Ít nhất, chúng ta sẽ sớm thấy được điều đó qua sự đáp trả của 2 quốc gia vốn có truyền thống “không nhượng bộ Mỹ” này đối với tuyên bố trên của Tổng thống Mỹ.

Qua Thông điệp liên bang năm nay của Tổng thống Obama, người ta có thể thấy hình ảnh một nước Mỹ vẫn tự hào về những giá trị của mình nhưng đã “khiêm tốn” nhìn nhận những yếu kém nội tại và đang tìm cách vượt qua khó khăn để tìm lại vị thế của mình.

Tuy chưa đoán trước được hiệu quả của việc triển khai cụ thể các định hướng được nêu, ít nhất Thông điệp liên bang lần này cũng phản ánh hình ảnh một nước Mỹ đang tự nhìn nhận lại mình và xác định đường hướng thoát khỏi khủng hoảng, vươn lên một vị trí xứng đáng trong một trật tự thế giới mới đang được thiết lập..

  • Sơn Tùng
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
Cuộc sống dưới cống ngầm của những người dân Mông Cổ
Cuộc sống dưới cống ngầm của những người dân Mông Cổ

Mùa đông ở Ulan Bator rất khắc nghiệt, nhiệt độ có thể xuống dưới - 25 độ C. Thế nhưng đối với những người vô gia cư thì mua đông lại càng khó khăn hơn gấp vạn lần.

Rợn người xem những ly cocktail cho lễ Halloween
Rợn người xem những ly cocktail cho lễ Halloween

Các nghệ nhân đã chế ra những loại cocktail đặc biệt, với tạo hình rùng rợn chỉ dành riêng cho lễ hội ma Halloween.

Xem thi múa cột toàn nước Mỹ
Xem thi múa cột toàn nước Mỹ

Múa cột có thể bị kết tội là xấu nhưng tại cuộc thi Vô địch múa cột hàng năm toàn nước Mỹ lần thứ nhất, đó là môn thể thao về sức mạnh, nhanh nhẹn và mềm dẻo.

Chiêm ngưỡng ngày hội ma tại Hollywood
Chiêm ngưỡng ngày hội ma tại Hollywood

Từ hóa trang tới đục bí ngô, các sao Hollywood đã tìm được một cách để đắm mình trong tinh thần ngày lễ Halloween.

,
,
,