221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1255896
Hé mở giải pháp mới xử lý dioxin ở VN
0
Article
null
Hé mở giải pháp mới xử lý dioxin ở VN
,

Một công ty Canada cho biết, việc Mỹ sử dụng chất diệt cỏ ở Việt Nam đã để lại những hậu quả tai hại, nhưng vấn đề này có thể giải quyết được.

Một em bé bị dị tật bẩm sinh do dioxin (Ảnh Chicago Tribune)

Khi một công ty môi trường nhỏ của Canada bắt đầu thu thập mẫu đất tại một căn cứ không quân cũ của Mỹ tại một thung lũng hẻo lánh ở Việt Nam, Thomas Boivin và nhiều nhà khoa học khác còn nghi ngờ, liệu họ có thể tìm được bằng chứng cho thấy thuốc diệt cỏ mà quân đội Mỹ sử dụng từ cách đây hàng chục năm vẫn là mối đe dọa với sức khỏe. 

Tuy nhiên, kết quả cho thấy mức độ chất độc dioxin gây ung thư còn lớn hơn nhiều lần so với chỉ dẫn được Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ ấn định cho các khu dân cư.

Đó là khi Boivin, hiện là chủ tịch của công ty trên cho biết, ông đã có "khoảnh khắc Eureka" của mình. Công ty tư vấn Hatfield đóng tại Vancouver bắt đầu lần theo chất độc thông qua hệ sinh vật, từ đất và bùn tại những cái ao gần đó tới những con vịt béo, cá, tới máu và sữa mẹ của những dân làng sống tại khu vực bị nhiễm độc.

Sữa của một trong những phụ nữ là đối tượng của cuộc nghiên cứu có chứa lượng dioxin cao gấp 6 lần những gì mà Tổ chức Y tế thế giới coi là an toàn. Người phụ nữ này có con hai tuổi, bị tật nứt đốt sống - một trong những dị tật bẩm sinh mà vì nó Cơ quan phụ trách các vấn đề cựu chiến binh Mỹ đã bồi thường cho con của các cựu binh nước này.

Kể từ đó, Hatfield và các nhà khoa học Việt Nam đã lấy mẫu vật từ gần 3.000 cơ sở cũ của quân đội Mỹ đang nằm rải rác khắp miền nam Việt Nam. Đội ngũ này đã xác định được 28 "điểm nóng" gồm 3 khu vực bị ô nhiễm nằm quanh khu vực đông dân cư ở Đà Nẵng, Biên Hòa và Phù Cát.

Những bằng chứng tìm được cho thấy di sản về chất độc màu da cam và các chất làm rụng lá ở Việt Nam được coi là một vấn đề có thể giải quyết được, dù cấp bách. Thay cho những cuộc tranh cãi liên miên về dị tật bẩm sinh và những vấn đề sức khỏe phức tạp, công cuộc khám phá sự ô nhiễm dai dẳng tập trung chú ý vào vấn đề hiện tại, có thể đo đếm được - những vấn đề có thể giải quyết.

Tuy nhiên, kể từ khi kết quả nghiên cứu lần đầu tiên của Hatfield được công bố vào năm 2000, chính phủ Mỹ chỉ đụng tay một chút nhằm giúp làm sạch các khu vực nhiễm độc từ thời chiến tranh ở Việt Nam. Washington chỉ bỏ ra 6 triệu USD để giải quyết những bệnh nghiêm trọng liên quan tới nhiễm độc và tác động môi trường do chất làm rụng lá gây ra.

Boivin và những người khác nghiên cứu về vấn đề này cho biết, kể từ khi kết quả nghiên cứu đầu tiên được công bố, mức độ hợp tác giữa Mỹ và Việt đã tăng lên. Khi mới vào Việt Nam, Hatfield làm việc không đặt ra mục đích tìm kiếm lợi nhuận mà chỉ hy vọng nhận được trợ giúp của chính phủ Canada, nhưng sau đó, công ty đã bỏ ra hàng trăm giờ và nguồn lực để nghiên cứu vấn đề.

"Đặc biệt là trong vài năm gần đây, phía Việt Nam và Mỹ đã có nhiều hoạt động. Điều đó thật đáng khích lệ", ông Boivin nói. Tuy vậy, tốc độ tiến triển những hành động của Mỹ đối với các căn cứ quân sự cũ bị ô nhiễm tại Việt Nam vẫn còn chậm chạp. Các quan chức Việt Nam và Mỹ vẫn chưa đi tới thống nhất về chi phí chính xác nhưng số tiền bỏ ra để làm sạch các điểm nóng thời hậu chiến ở Việt Nam sẽ lên tới hàng chục triệu USD.

"Rõ ràng, có nhiều mức độ dioxin ở Việt Nam là có hại và không có gì nghi ngờ về việc quân Mỹ và lực lượng Việt Nam cộng hòa đã tích trữ loại chất độc gây hại. Do đó, Mỹ nên giúp giải quyết vấn đề này", Michael Marine, đại sứ Mỹ tại Việt Nam từ 2004 tới 2007 nói.

Tác hại của chất độc da cam không chỉ có các binh sĩ và dân thường tiếp xúc trực tiếp với nó mới cảm nhận được. Hóa chất này có tác dụng kéo dài ở trong và xung quanh các căn cứ nơi cất giữ và ở nơi nó bị tràn ra.

Khi Nguyễn Văn Dũng đảm nhận việc khơi thông cống rãnh tại sân bay Đà Nẵng năm 1996, anh không biết quân đội Mỹ đã cất hàng trăm nghìn lít chất diệt cỏ tại đây trong suốt thời gian diễn ra cuộc chiến. Đây là chất diệt cỏ có hợp chất mang độc tố cao, liên quan tới hàng chục căn bệnh. Dũng không biết, hợp chất này đã ngấm vào đất và vẫn còn rất nguy hiểm.

Dũng và vợ (tên là Thu) cùng cô con gái khỏe khoắn, 2 tuổi chuyển vào một căn hộ một phòng nằm gần căn cứ không quân cũ của Mỹ. Trong suốt 13 năm, Dũng và Thu - cùng làm việc trong sân bay, có thêm 2 con. Tuy nhiên, hai bé đều bị bệnh nặng, gồm bệnh máu hiếm và bệnh xương. Hai vợ chồng nghi sự không may này là do nhiễm độc tại sân bay.

Con gái thứ hai của vợ chồng Dũng Thu chết năm 7 tuổi và hiện cậu con trai 10 tháng tuổi của họ, cũng trong cảnh ốm đau tương tự, mỗi tháng đều phải truyền máu để duy trì sự sống. "Tôi là đàn ông và đàn ông rất ít khi khóc. Tuy nhiên, mỗi khi con tôi phải truyền máu, tôi đã khóc", Dũng, 41 tuổi, khóc và nói trong khi Thu bế đứa trẻ trong lòng.

Trong suốt ba năm qua, Hatfield và các nhà khoa học Việt Nam đã đo mức độ dioxin trong máu và sữa mẹ của các công nhân làm việc tại sân bay Đà Nẵng. Theo đó, mức dioxin trong máu của những người này cao hơn 100 lần so với chỉ dẫn an toàn của WHO. 

Dioxin là loại chất độc có tác hại kéo dài nhất. Trong môi trường, chu kỳ phân rã của dioxin có thể kéo dài nhiều thập niên, nghĩa là phải rất lâu thì hóa chất này mới mất đi 1/2 tác hại. Trong cơ thể người, quá trình phân rã của dioxin là 7,5 năm. Điều đó có nghĩa là, không riêng gì 1 thập niên trước, nhiều cư dân được Hatfield xét nghiệm cũng có mức nhiễm độc cao hơn thế.

Quy mô nhiễm độc dioxin ở Đà Nẵng không chỉ giới hạn trong căn cứ không quân trên. Các nhà khoa học cũng tìm được bằng chứng rằng dioxin trong chất diệt cỏ đã thấm vào hồ sen gần đó, nơi mà trong suốt nhiều thập niên qua, người dân luôn nuôi và bán cá.

Hàm lượng dioxin trong cá và bùn cao tới mức chính phủ Việt Nam đã cấm đánh cá, bơi lội trong hồ và di dời các hộ gia đình sống gần đó. Chính phủ Việt Nam cũng niêm phong khu vực bị nhiễm độc bằng bê tông và xây một bức tường quanh hồ để ngăn người dân vào đó. Tuy vậy, trong một chuyến đi gần đây, các phóng viên đã chứng kiến cảnh một số thanh thiếu niên đang đánh cá trong hồ.

Trong suốt hơn 10 năm, bà Phạm Thị Cúc, 74 tuổi, đã trồng hoa sen và nuôi cá trong một hồ nước đẹp như trong tranh ở phía tây sân bay Đà Nẵng. Việc kinh doanh của bà Cúc đã bị ngừng lại sau khi kết quả một cuộc nghiên cứu của Hatfield cho thấy, mức độ dioxin trong bùn của hồ nước này cao gấp 40 lần chuẩn an toàn của toàn cầu.

Máu lấy từ người bà Cúc cho thấy, mức dioxin trong người bà là cao nhất ở Việt Nam, cao hơn 50 lần so với chuẩn của WHO. Con cái bà Cúc, cùng làm và ăn một lượng lớn cá bị nhiễm độc trong hồ cũng có mức dioxin trong máu rất cao. Mặc dù không có ai trong nhà bị ốm nhưng bà Cúc nói, bà mất 5kg vì sợ dioxin có thể ảnh hưởng tới cháu, chắt của bà.

Các nghiên cứu cho thấy, nhiễm dioxin làm tăng nguy cơ bị ung thư và các bệnh khác nhưng sẽ mất nhiều thập niên để những tác động của nó đối với cơ thể được bộc lộ. Một số người bị nhiễm dioxin chưa bao giờ bị ốm. Các nhà khoa học cho rằng hóa chất phá vỡ sự phát triển của mô và có thể biến đổi ADN của một người.

Năm 2006, EPA bắt đầu hỗ trợ kỹ thuật như một cách đóng góp vào những nỗ lực của các tổ chức bác ái và của người Việt, đáng kể nhất là Quỹ Ford đã tìm ra những cách không tốn nhiều chi phí để dọn dioxin ở sân bay và hồ sen. Tháng 10 năm ngoái, Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ đã ký một hợp đồng trị giá 1,4 triệu USD để nghiên cứu cách làm sạch khu vực bị nhiễm độc, một cuộc nghiên cứu mà cơ quan này thông báo là mất tới 3 năm.

Tuy nhiên, việc này không thể xua đi sự sợ hãi của bà Cúc về những tác hại của dioxin.

"Tôi không thể ngừng việc lo lắng về những vấn đề sức khỏe với cháu chắt mình. Bây giờ, tôi đã già nên không lo cho mình nữa, tôi chỉ lo cho chúng".

Số tiền mà Quốc hội Mỹ phân bổ cho việc làm sạch điểm nóng ở Đà Nẵng vẫn còn thiếu nhiều, nói chi tới hàng chục điểm nóng khác nằm rải rác khắp miền nam Việt Nam.

Một báo cáo do ban nghiên cứu thuộc Quốc hội Mỹ công bố hồi tháng 6 năm ngoái cho biết, chi phí ước tính để làm sạch căn cứ không quân ở Đà Nẵng là khoảng 7 triệu USD. Trong khi đó, phía Việt Nam cho biết, chi phí làm sạch ba điểm nóng chính lên tới 60 triệu USD.

"Chúng tôi đều tự do nói những gì mình nghĩ", ông Lê Kế Sơn, phó tổng cục trưởng Tổng cục môi trường Việt Nam nói. "Tôi biết, chính phủ Mỹ không thể làm mọi việc nhưng tôi cho rằng họ nên bày tỏ sự thông cảm với Việt Nam về những gì đã diễn ra".

  • Hoài Linh (Theo LA Times)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
Cuộc sống dưới cống ngầm của những người dân Mông Cổ
Cuộc sống dưới cống ngầm của những người dân Mông Cổ

Mùa đông ở Ulan Bator rất khắc nghiệt, nhiệt độ có thể xuống dưới - 25 độ C. Thế nhưng đối với những người vô gia cư thì mua đông lại càng khó khăn hơn gấp vạn lần.

Rợn người xem những ly cocktail cho lễ Halloween
Rợn người xem những ly cocktail cho lễ Halloween

Các nghệ nhân đã chế ra những loại cocktail đặc biệt, với tạo hình rùng rợn chỉ dành riêng cho lễ hội ma Halloween.

Xem thi múa cột toàn nước Mỹ
Xem thi múa cột toàn nước Mỹ

Múa cột có thể bị kết tội là xấu nhưng tại cuộc thi Vô địch múa cột hàng năm toàn nước Mỹ lần thứ nhất, đó là môn thể thao về sức mạnh, nhanh nhẹn và mềm dẻo.

Chiêm ngưỡng ngày hội ma tại Hollywood
Chiêm ngưỡng ngày hội ma tại Hollywood

Từ hóa trang tới đục bí ngô, các sao Hollywood đã tìm được một cách để đắm mình trong tinh thần ngày lễ Halloween.

,
,
,